.

Đưa nghệ thuật truyền thống đến với du khách

.

(ĐNĐT) - Biến nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, làm nên nét riêng cho du lịch địa phương. Tuy nhiên, chặng đường đưa nghệ thuật truyền thống vào việc phát triển du lịch ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều thách thức.

Để nghệ thuật truyền thống phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo cần cái “bắt tay” giữa ngành du lịch và văn hóa trong việc quảng bá sản phẩm đến với đông đảo du khách gần xa.
Để nghệ thuật truyền thống phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo cần cái “bắt tay” giữa ngành du lịch và văn hóa trong việc quảng bá sản phẩm đến với đông đảo du khách gần xa.

Sản phẩm du lịch độc đáo

Cuối năm 2009, ngành du lịch Đà Nẵng đã lên ý tưởng khai thác các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam để xây dựng thành các chương trình nghệ thuật độc đáo, được biểu diễn thường xuyên phục vụ khách tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ý tưởng này được nhiều người trong ngành đánh giá cao, vì đây là sản phẩm du lịch đặc sắc, không những góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố, nhất là sản phẩm du lịch giải trí về đêm, mà còn đưa bản sắc Việt đến với bạn bè quốc tế gần xa.

Từ khi lên ý tưởng, lãnh đạo ngành du lịch cùng với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã cố gắng nghiên cứu, chắt lọc một số loại hình nghệ thuật truyền thống để xây dựng nên một show diễn độc đáo, khắc họa rõ nét bản sắc văn hóa Việt. Đầu năm 2010, chương trình show diễn bắt đầu được đưa vào phục vụ khách du lịch thường xuyên vào tối thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần với thời lượng 50 phút/show, do 2 đơn vị là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Vũ đoàn Minh Nhật biểu diễn.

Các tiết mục truyền thống như múa Apsara, độc tấu kèn Saranai, vũ hội làng Chăm… được dàn dựng công phu đã ít nhiều đem lại cho du khách những cảm nhận riêng về văn hóa Việt, một nền văn hóa đa sắc tộc nhưng được nuôi dưỡng trong “cái nôi” chung. “Du khách nước ngoài rất thích tìm hiểu về những loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc vùng, miền. Điệu múa Chăm uyển chuyển, tiếng đàn bầu da diết hay những trích đoạn Tuồng được dàn dựng công phu… Chính những nét khác biệt đó của văn hóa Việt đã làm nên sức hút đối với du khách nước ngoài”, ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói.

Loay hoay làm du lịch

Qua 3 năm đưa vào làm du lịch, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là “món ăn tinh thần” dù rất “kén” khán giả nhưng đã gặt hái được những thành công nhất định, bắt đầu có chỗ đứng trong lòng du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Dù vậy, thời gian qua, show diễn này nhưng vẫn chưa mang lại nhiều doanh thu cho ngành du lịch thành phố, chưa thực sự là sản phẩm làm nên dấu ấn riêng để thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến xem.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, trong năm 2013, dự kiến thành phố đón khoảng 3,1 triệu lượt khách, trong đó 700.000 lượt khách quốc tế, tuy nhiên số lượng khách đến xem nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chưa tới 3.000 người, chiếm gần 0,1% trong tổng số lượt khách đến Đà Nẵng. Đây quả thật là một con số quá ít ỏi, đặt ra cho ngành du lịch thành phố bài toán cần tìm lời giải đáp.

Nhiều ý kiến tại buổi trao đổi thông tin “Chương trình show diễn phục vụ khách du lịch”, do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức hôm 29-11, cho rằng các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc… đã khai thác chương trình nghệ thuật truyền thống của nước họ để làm du lịch và gây được tiếng vang lớn, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Thông qua du lịch, hình ảnh đất nước và con người của nước bạn được giới thiệu rộng rãi trên khắp thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam không thiếu các loại hình nghệ thuật truyền thống, thậm chí đa dạng và độc đáo hơn nước bạn, tuy nhiên, những gì ngành du lịch Đà Nẵng khai thác vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có. “Chương trình nghệ thuật truyền thống ở nhiều nước với giá vé đắt hơn gấp nhiều lần so với Đà Nẵng (25-30 đôla/vé) nhưng mỗi đêm vẫn thu hút trên cả ngàn lượt khách. Trong khi ở Đà Nẵng, chỉ 50.000 đồng/vé, tính ra chưa đến 2,5 đôla/vé nhưng mỗi đêm chỉ có vài ba chục người đến xem”, bà Dương Thị Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng so sánh.

Một thực tế không thể phủ nhận, trong 3 năm qua, show diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã cải tiến hơn về chất lượng, nội dung chương trình ngày càng đa dạng, trang phục biểu diễn được đầu tư công phu cũng như dàn diễn viên chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển show diễn phục vụ du lịch, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn còn loay hoay với bài toán làm sao kéo du khách đến nhà hát để mỗi tối biểu diễn không còn trống ghế khá nhiều như hiện nay. “Với lượng khách trung bình mỗi đêm chưa quá vài chục người thì việc duy trì show diễn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa nói đến việc trả lương cho diễn viên hiện nay vẫn còn thấp thì lấy đâu ra kinh phí đầu tư”, ông Tuấn chia sẻ. Theo như lời ông Tuấn, Nhà hát Tuồng hiện nay vẫn chưa thực sự sống được bằng những tấm vé bán ra mà còn nhận sự bao cấp của Nhà nước, trong khi ngân sách thành phố cấp về mỗi năm rất hạn hẹp.

Cần đầu tư về chất lượng và quảng bá sản phẩm

Theo các nhà lữ hành, sở dĩ chương trình nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn chưa thu hút được lượng lớn khách du lịch vì chưa có sự đầu tư bài bản thành một chương trình nghệ thuật quy mô lớn, có sự chỉ huy của tổng đạo diễn, cũng như những hiệu ứng ánh sáng, âm thanh hiện đại. Trong khi đó, những tiết mục của Vũ đoàn Minh Nhật và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn khá đơn điệu và rời rạc, chưa có chủ đề xuyên suốt làm nên nét riêng cho sản phẩm du lịch giải trí về đêm này.

“Để chương trình nghệ thuật truyền thống tạo được ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, cần phải xây dựng một nhà hát đa năng có sức chứa trên cả ngàn người với cơ sở vật chất hiện đại. Đây là chiến lược lâu dài để đưa nghệ thuật truyền thống trở thành sản phẩm du lịch tầm cỡ, thu hút nhiều du khách hơn nữa nhằm quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố”, ông Nguyễn Đình Hoàng, Giám đốc khối Thị trường trong nước, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) đề xuất.

Một khó khăn nữa khiến 3 năm qua, sản phẩm du lịch này vẫn chưa đến “tận tay” du khách vì công tác quảng bá hiện nay vẫn còn yếu kém, “cái bắt tay” của những người làm du lịch và văn hóa vẫn còn nửa vời. Doanh thu của các sản phẩm du lịch văn hóa còn thấp cũng như sự “kén” khách của loại hình nghệ thuật truyền thống khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành không mặn mà khai thác để đưa vào chương trình tour. Tại các khách sạn, đội ngũ nhân viên lễ tân vẫn chưa biết đến sản phẩm mới này cũng như sự cảm nhận về nét văn hóa riêng của loại hình nghệ thuật truyền thống để giới thiệu cho du khách khi họ lưu trú qua đêm tại Đà Nẵng.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố nhấn mạnh: “Đà Nẵng có khoảng 391 khách sạn, 150 đơn vị lữ hãnh, chỉ cần mỗi đơn vị giới thiệu 0,5 khách thôi cũng đã lấp đầy số ghế tại Nhà hát Tuồng mỗi đêm. Trong khi thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã đạt nhiều danh hiệu lớn trong khu vực được xem là một kênh quảng bá rất tốt cho hình ảnh du lịch thành phố thì việc đưa sản phẩm này vào chương trình tour để giới thiệu cho du khách là cần thiết”.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.