Dự án triển khai chậm do vướng giải phóng mặt bằng

.

Là dự án trọng điểm của thành phố, nhưng dự án trục 1 Tây Bắc trên địa bàn quận Liên Chiểu luôn trong tình trạng chờ giải phóng mặt bằng đến đâu, mới thi công đến đó.

Ngay sau khi có mặt bằng ở vị trí nút giao thông nối quốc lộ 1A của dự án trục 1 Tây Bắc, đơn vị thi công tiếp tục thực hiện dự án. Trong ảnh: Nhà thầu đang tiến hành thi công hệ thống thoát nước tại vị trí nút giao thông nối quốc lộ 1A. Ảnh: T.H
Ngay sau khi có mặt bằng ở vị trí nút giao thông nối quốc lộ 1A của dự án trục 1 Tây Bắc, đơn vị thi công tiếp tục thực hiện dự án. TRONG ẢNH: Nhà thầu đang tiến hành thi công hệ thống thoát nước tại vị trí nút giao thông nối quốc lộ 1A. Ảnh: T.H

Theo Ban Quản lý (BQL) dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, dự án trục 1 Tây Bắc (đoạn từ nút giao thông Hồ Tùng Mậu đến đường sắt thuộc địa bàn phường Hòa Minh) được khởi công xây dựng từ đầu tháng 3-2020, thời hạn thi công 355 ngày.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án không thể đẩy nhanh tiến độ vì khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) quá chậm. Theo ông Nguyễn Đây, Giám đốc Ban GPMB quận Liên Chiểu, dự án nối dài trục 1 Tây Bắc đối với đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến nút giao thông quốc lộ 1A được quy hoạch và GPMB hơn 76.000m2. Chỉ tính riêng địa bàn phường Hòa Minh phải giải tỏa 137 hồ sơ, hiện có hơn 115 hồ sơ người dân đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, còn khoảng gần 20 hồ sơ người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho rằng, trong số gần 20 hồ sơ trên địa bàn phường Hòa Minh phải giải tỏa để thực hiện dự án nhưng hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng. Phường đã đề nghị UBND quận tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trong thời gian đến.

Còn tại nút giao thông trục 1 Tây Bắc - quốc lộ 1A, ngay vị trí cổng vào Khu công nghiệp Hòa Khánh thuộc địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, sau khi đoàn vận động bàn giao mặt bằng của quận Liên Chiểu đến từng nhà dân để giải thích về các chế độ bồi thường, hỗ trợ của thành phố và quận cũng như lợi ích chung khi dự án hoàn thành thì hầu hết các hộ đã chấp hành bàn giao mặt bằng.

Ông Lữ Sinh (phường Hòa Khánh Bắc) - hộ dân nằm trong diện giải tỏa cho hay: “Sau khi được cán bộ quận, phường giải đáp những thắc mắc về chính sách bồi thường, bố trí tái định cư cho người dân khi giải tỏa, gia đình tôi chấp hành bàn giao mặt bằng để dự án sớm triển khai”.

Theo ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, dự án tuyến đường trục 1 Tây Bắc (gồm đoạn từ nút giao thông ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A và đoạn nối từ đường Nguyễn An Ninh từ nút giao quốc lộ 1A đến đường sắt) có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 692 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, triển khai kéo dài, dẫn đến trượt giá đền bù, buộc phải nâng tổng mức đầu tư lên 966 tỷ đồng.

Sau một thời gian dài ngưng trệ, từ cuối năm 2022 đến nay, quận Liên Chiểu liên tục tổ chức tiếp dân, cũng như triển khai các đoàn đến từng hộ dân để giải thích, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để dự án thi công bảo đảm tiến độ; trong đó có khu vực trọng điểm là vị trí nút giao thông nối quốc lộ 1A.

“Hiện nay, Hội đồng GPMB của quận tăng cường vận động người dân. Đến nay còn hai hộ chưa bàn giao mặt bằng ở vị trí nút giao thông nối quốc lộ 1A. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục vận động hai hộ này trong thời gian đến; nếu các hộ dân vẫn cố tình không chấp hành, UBND quận sẽ xử lý theo quy định”, ông Huy cho hay. 

Còn theo ông Hứa Văn Nguyện, cán bộ BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, chỉ cần có mặt bằng, BQL sẽ chỉ đạo nhà thầu thi công kết cấu đường và nút giao thông này trong một  tháng là xong. Về tiêu chuẩn của đường, nút giao thông này là cấp cao A1 nên không thể thi công răng cưa được; chiều dài của nút giao thông cũng hẹp trong vòng 150m đổ lại nên lu lèn phải liên tục mới bảo đảm chất lượng công trình.   

Tại Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 23-3-2022 của UBND thành phố, mốc thời gian hoàn thành của dự án tuyến đường trục 1 Tây Bắc vào cuối tháng 6-2023. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế dự án cho thấy sẽ khó về đích, bởi ngoài vị trí nút giao thông ở trên thì khâu GPMB hiện vẫn còn vướng ở nhiều đoạn tuyến khác. Cụ thể, còn khoảng gần 1.000m chưa thể thi công, bởi hiện hơn 130 hồ sơ vẫn chưa bàn giao mặt bằng.

Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB, ông Nguyễn Đăng Huy cho rằng, trước hết những địa phương, nơi có dự án được triển khai cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác bồi thường và GPMB. Mặt khác, cần quan tâm, giải quyết những quyền lợi thực sự chính đáng của nhân dân; có như vậy mới không dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài trong công tác GPMB. Ngoài ra, khi đã thực hiện xong công tác GPMB cho dự án, các ban quản lý dự án, nhà thầu cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Theo UBND quận Liên Chiểu, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, động lực không đạt tiến độ UBND thành phố giao. Riêng năm 2023, quận có 47 dự án theo Quyết định 162/QĐ-UBND ngày 27-1-2023 của UBND thành phố, có tổng số hồ sơ giải tỏa 4.128 hồ sơ, trong đó số hồ sơ cần giải tỏa trong năm 2023 là 2.126 hồ sơ. Kết quả, tổng số hồ sơ đã bàn giao mặt bằng từ tháng 1-2023 đến nay là 31 hồ sơ (đạt tỷ lệ 1,46% số hồ sơ bàn giao mặt bằng trong năm 2023)...

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.