Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ổn định

.

Nối dài đà tăng trưởng từ năm 2020 đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trở thành điểm sáng tích cực trong bức tranh kinh tế thành phố thời gian qua khi tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm tiếp tục tăng 6,1% so với cùng kỳ 2020.

Các doanh nghiệp xuất khẩu của thành phố từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.  TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Dệt may 29-3 đang sản xuất .Ảnh: KHÁNH HÒA
Các doanh nghiệp xuất khẩu của thành phố từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Dệt may 29-3 đang sản xuất. Ảnh: KHÁNH HÒA

Duy trì đà tăng trưởng

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2,283 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1,305 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, trong quý 3-2021, thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát và kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên toàn địa bàn thành phố.

Thế nhưng, nhờ vào nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, giữ chuỗi cung ứng cũng như có kế hoạch linh hoạt để thích ứng với công tác phòng, chống dịch nên tổng kim ngạch xuất khẩu của quý 3 vẫn giữ được tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng trong gần hai năm liên tiếp trong khi nhập khẩu được kiểm soát tốt, dẫn đến thặng dư thương mại tăng. Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của thành phố tiếp tục xuất siêu 328,3 triệu USD.

Đây là tín hiệu lạc quan khi cán cân thương mại hàng hóa cả nước đang trong tình trạng nhập siêu trong các tháng qua thì Đà Nẵng vẫn giữ được đà xuất siêu ổn định và cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2020. Thành phố tiếp tục giữ được tỷ trọng ổn định ở các thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản (chiếm khoảng 30-35%), Mỹ (17-20%), EU (khoảng 15%) và các nước khác từ 30-35%. Bên cạnh đó, một số thị trường mới đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác như Canada, Mexico, Peru...

Điểm nổi bật khác trong hoạt động xuất khẩu của thành phố hai năm trở lại đây là số lượng doanh nghiệp Đà Nẵng có tên trong danh sách các “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” của cả nước do Bộ Công Thương công bố đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới. Gần đây nhất, trong 315 “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 được Bộ Công Thương công bố vào trung tuần tháng 8 vừa qua, thành phố Đà Nẵng có 12 doanh nghiệp, tăng 3 đơn vị so với năm 2019.

Bên cạnh những tên tuổi đã quen thuộc nhiều năm nay như Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Miền Trung, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH MTV Xuất khẩu hàng mỹ nghệ Minh Khang, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Dược Danapha, Công ty TNHH Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Duy Thành, Công ty TNHH - Tổng Công ty Sông Thu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp FDI như Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng đã bắt đầu xuất hiện trên “bản đồ” doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trên cả nước. Thành tích này của các doanh nghiệp không chỉ có giá trị về mặt phát triển kinh tế mà còn góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của địa phương trên lĩnh vực sản xuất. Đồng thời, cho thấy hoạt động xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong hoạt động kinh tế thành phố thời gian qua.

Các doanh nghiệp xuất khẩu của thành phố từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Công nhân Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đang kiểm tra chất lượng mặt hàng veston để xuất khẩu. Ảnh: KHÁNH HÒA
Các doanh nghiệp xuất khẩu của thành phố từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Công nhân Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đang kiểm tra chất lượng mặt hàng veston để xuất khẩu. Ảnh: KHÁNH HÒA

Kết quả từ nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép”

Là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của cả nước trong nhiều năm, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 cho biết, việc tiếp tục góp mặt trong danh sách 315 “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 của cả nước là niềm động viên lớn đối với đơn vị. Thời gian tới, Công ty CP Dệt may 29-3 tiếp tục nỗ lực để giữ vững và gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu qua các thị trường truyền thống, trọng điểm nhằm có được sự ổn định và tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển cho các năm tiếp theo.

Cũng có mặt trong danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020, ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) bày tỏ, được công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của cả nước là niềm vinh dự lớn, góp phần khẳng định uy tín và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sau hơn 15 năm đơn vị đầu tư tại thành phố Đà Nẵng.

Nhìn nhận về tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2021, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, xuất khẩu giữ được đà tăng trưởng ổn định như trên trước hết xuất phát từ việc chống dịch quyết liệt, có hiệu quả của thành phố. Từ đó, nhiều doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu không bị đứt gãy, đáp ứng được nhu cầu của các nước.

Bên cạnh đó, chính sự nỗ lực và năng động của các doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, chuyển hướng tìm các phương án thay thế về nguyên liệu, cơ cấu thị trường, chiến lược kinh doanh... trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh cũng là một nhân tố quyết định thành công của hoạt động xuất nhập khẩu. Hầu hết các nhóm ngành chủ lực, có tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố như: dệt may, thủy sản, sản phẩm cao su, động cơ, linh kiện điện - điện tử... đều duy trì được mức tăng trưởng tốt từ năm 2020 đến nay, nhất là trong 9 tháng đầu năm 2021.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, thời gian qua UBND thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách trên lĩnh vực công nghiệp như: chương trình khuyến công, phát triển công nhân lành nghề, xây dựng thương hiệu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu, lộ trình thực hiện các cam kết hội nhập, giới thiệu cơ hội kết nối giao thương; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử… Đồng thời, thành phố nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang tận dụng rất tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng qua các thị trường mới.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích