Thu hút đầu tư từ Nhật Bản

.

Những năm qua, số lượng doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại Đà Nẵng ngày càng tăng nhưng vẫn còn khiêm tốn so với hai đầu đất nước. Cần làm gì để thu hút DN Nhật Bản đến với Đà Nẵng là điều thành phố luôn trăn trở.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hoạt động có hiệu quả. TRONG ẢNH: Ca làm việc của công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hoạt động có hiệu quả. TRONG ẢNH: Ca làm việc của công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm hiện tại, ngoài hai dự án ODA là hầm đường bộ Hải Vân và cảng Tiên Sa (giai đoạn 1), tại Đà Nẵng còn có 153 dự án đầu tư của các DN Nhật Bản với tổng vốn gần 650 triệu USD.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đa số các dự án của Nhật Bản đầu tư tại thành phố đều hoạt động hiệu quả, chủ đầu tư tuân thủ pháp luật, nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho thành phố.

Một số DN tiêu biểu như: khách sạn Route Inn, bất động sản Sun Frontier, Công ty TNHH Daiwa, Công ty TNHH Mabuchi Motor, Công ty TNHH Tokyo Keiki, Công ty TNHH Điện tử Foster...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản, các DN Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng vẫn còn khá khiêm tốn. Bởi lẽ, hiện nay, Nhật Bản có trên 4 triệu DN, cũng là nước đứng thứ 4 trong số 20 nền kinh tế có mức đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới và chủ yếu đầu tư mạnh vào Trung Quốc và Thái Lan. Tại Việt Nam, Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. 

Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Kỳ Anh, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố, Đà Nẵng là thành phố trẻ, lượng DN chưa nhiều và chưa có nhiều chuyến bay trực tiếp sang Nhật.

Ngoài ra, nguồn cung lao động tay nghề chất lượng cao của thành phố còn hạn chế, quỹ đất công nghiệp còn lại rất ít, quy mô thị trường tiêu thụ nhỏ bé; đặc biệt, trở ngại khá lớn là ít người biết tiếng Nhật nên người lao động rất khó giao tiếp với chuyên gia Nhật Bản.

Trong khi đó, ông Nakata Takashi, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Điện tử Foster nhìn nhận, Đà Nẵng vẫn còn nhiều tiềm năng để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng thành phố cần giải quyết 3 vấn đề, tăng nguồn cung lao động tay nghề có chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các DN sản xuất quy mô nhỏ và vừa; định vị chính xác các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên trong giai đoạn hiện nay để kêu gọi đầu tư.

Vì thế, để chủ động thu hút vốn đầu tư từ các DN Nhật Bản, thành phố phải tích cực quảng bá lợi thế. Đà Nẵng là 1 trong 3 thành phố lớn của cả nước có giao thông thuận lợi, sân bay quốc tế gần trung tâm, có cảng biển nước sâu. Bên cạnh đó, cần phải tích cực đào tạo, liên kết đào tạo với các quốc gia tiên tiến để cung ứng nhân lực chất lượng cao.

Một vấn đề quan trọng khác là thành phố khẩn trương xây dựng các KCN mới đã được quy hoạch (Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Cầm mở rộng); đồng thời nhanh chóng xây dựng cảng Liên Chiểu tạo thuận lợi về đầu ra cho các nhà máy tại các KCN phía tây bắc thành phố. “Đặc biệt, phải tăng cường đào tạo tiếng Nhật.

Có thể liên kết trực tiếp với các công ty Nhật có nhu cầu tuyển dụng như Công ty TNHH Framgia đang kết hợp với Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) triển khai chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin tiếng Nhật”, ông Kỳ Anh chia sẻ.

Nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này, từ năm 2017, thành phố đã tăng cường các xúc tiến đầu tư nước ngoài, nhất là đến Nhật Bản; xây dựng và quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với bạn bè, DN quốc tế, trong đó có Nhật Bản.

Đặc biệt, tại Khu Công nghệ cao, hiện đã có hai DN 100% vốn đầu tư Nhật Bản thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác đi vào hoạt động sản xuất. Nhờ hiệu ứng từ thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, vừa qua, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án sản xuất thiết bị tự động hóa trong ngành may mặc của Công ty Yamato Sewing Machine MFG Co., Ltd. (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 28,5 triệu USD.

Mới đây nhất, Công ty CP Long Hậu đã ký kết thỏa thuận thuê nhà xưởng đầu tiên với Công ty TNHH Hatsuta Seisakusho (Nhật Bản), mở đầu hợp tác cho dự án đầu tư hơn 60 tỷ đồng trên diện tích 6.000m2 nhà xưởng xây sẵn. Nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu - Đà Nẵng được thiết kế với diện tích linh hoạt từ 500-3.300m2.

Công ty CP Long Hậu còn dành gần 20ha cho nhà xưởng xây theo yêu cầu (Built-to-suit) và nhà xưởng cao tầng nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho các nhà đầu tư. Dự án nhà xưởng cho thuê đầu tiên này có tổng diện tích 29,6ha với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án thực hiện theo 3 giai đoạn, dự kiến sẽ được khởi công trong quý 4-2018 và sau khi đi vào hoạt động, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Đây chính là những tiền đề cơ bản cho quá trình dài thu hút các nhà đầu tư của Nhật Bản vào Đà Nẵng...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.
.