Bất cập thu gom rác thải sinh hoạt - Bài 2: Thiếu nhân lực, phương tiện

.

Trong khi hình thức thu gom đang bộc lộ những bất cập thì việc thiếu trầm trọng lực lượng công nhân và phương tiện thu gom lạc hậu cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Hằng ngày, mỗi công nhân phải thu gom gần 10 tấn rác bằng thủ công và di chuyển quãng đường hàng chục cây số.
Hằng ngày, mỗi công nhân phải thu gom gần 10 tấn rác bằng thủ công và di chuyển quãng đường hàng chục cây số.

Mỗi công nhân thu gom 5 tấn rác/ngày

Ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho rằng, người dân phản ánh tình trạng chậm thu gom rác là có thật. Hiện nay, tổng lượng rác thải sinh hoạt trong các kiệt, hẻm chiếm đến 60% tổng lượng rác thải sinh hoạt thu gom trên địa bàn thành phố.

Công ty đã bố trí khoảng 280 công nhân phục vụ thu gom rác trong các kiệt, hẻm, nhưng khối lượng công việc quá nặng nề.

“Công ty chỉ có thể trả tiền công cho công nhân thu gom rác trung bình 200.000 đồng/ngày, nhưng công nhân phải đạp xe để chở thùng đến 40km/ngày và áp lực thu gom rác rất lớn, bình quân 20 thùng rác cỡ lớn (loại thùng 660 lít). Nhiều công nhân đã bỏ việc vì quá nặng nhọc để đi làm ở các nơi khác”, ông Trần Văn Tiên nói.

Theo báo cáo của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, năm 2017 toàn công ty có khoảng 1.300 cán bộ, công nhân viên, trong đó có khoảng 950 lao động phổ thông, 45 công nhân kỹ thuật. Bình quân lương của lao động gián tiếp là 6,64 triệu đồng/người/tháng, còn lương của lao động trực tiếp là 5,8 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, theo nghị quyết của đại hội cổ đông, trong năm 2018, mức tiền lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) là 28,5 triệu đồng/người/tháng, lương của thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc là 26,5 triệu đồng/người/tháng, lương của thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc là 24,5 triệu đồng/người/tháng…

Từ khi cổ phần hóa đến nay, công ty không tuyển dụng lao động gián tiếp và tinh giản lao động gián tiếp nhưng đến ngày 1-5, công ty vẫn còn 254 lao động gián tiếp, chiếm 18% tổng số người lao động.

Công việc nặng nhọc, trong khi mức lương trả hằng tháng chưa tương xứng khiến nhiều công nhân thu gom rác phải “dứt áo” ra đi.

Một công nhân của Xí nghiệp Môi trường quận Thanh Khê tâm sự: “Lương trung bình của công nhân thu gom rác chỉ 5-6 triệu đồng/người/tháng, trong khi cũng việc lao động chân tay khác mà thu nhập của người làm phụ hồ cũng được 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Chưa kể, làm công việc này phải thường xuyên tiếp xúc với mùi hôi, nguồn lây lan bệnh tật”.

Việc thu gom rác bằng sức người chiếm đến 70% tổng khối lượng rác thải.
Việc thu gom rác bằng sức người chiếm đến 70% tổng khối lượng rác thải.

Tỉ lệ cơ giới hóa thu gom rác chỉ đạt 30%

Một trong những hạn chế và khó khăn hiện nay đối với hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố là thiếu phương tiện, xe cuốn ép, thu gom rác thải. Đã không ít lần, lãnh đạo các đơn vị, địa phương than phiền về tình trạng này.

Ngay trong dịp Tết Mậu Tuất, ông Nguyễn Phước Nhiên, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà than phiền: “Theo kế hoạch của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, đến 2 giờ sáng mồng Một Tết Mậu Tuất là hoàn thành thu gom rác của ngày 30 tháng Chạp.

Nhưng trong khi công nhân lấy rác về rất nhiều, lượng thu gom được 365 tấn rác, gấp gần 3 lần so với ngày bình thường, thì xe đến vận chuyển bị hư và thiếu, nên đến 7 giờ rưỡi sáng mồng Một Tết mới hoàn thành thu gom rác”.

Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cũng chỉ ra thực tế trên địa bàn huyện, đó là năng lực Xí nghiệp Môi trường huyện còn nhiều hạn chế. Huyện Hòa Vang đang xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về môi trường, nhưng Xí nghiệp Môi trường huyện thì chỉ có con người, không có xe vận chuyển và cũng không điều được xe vận chuyển về thu gom rác...

Theo Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, phương tiện vận chuyển và thu gom rác thải trên địa bàn thành phố hiện nay còn lạc hậu. Hiện chỉ có 48 xe vận chuyển rác, trong đó có 20 xe có trọng tải dưới 5 tấn, 7 xe từ 5-7 tấn, 15 xe 9 tấn, 4 xe loại hooklift và 2 xe xuồng hở. Tuy vậy, có hơn 90% xe vận chuyển rác đã cũ.

Ông Đặng Đức Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho hay: “Thời hạn lưu hành còn lại 3 tháng, 6 tháng chiếm tỷ lệ 70% đoàn xe nên chi phí cũng như thời gian sửa chữa lớn, dẫn đến khó khăn trong công tác bố trí phương tiện phục vụ sản xuất, gây ảnh hưởng đến công tác vệ sinh đô thị trên địa bàn thành phố.

Sau khi công ty chuyển sang cổ phần hóa, mặc dù đã đầu tư mua sắm 8 xe vận chuyển rác loại 9m3 và 4 xe tải thu gom rác trực tiếp từ khu dân cư loại từ 400-800kg, nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ năng lực vận chuyển”.

Do thiếu phương tiện cơ giới vận chuyển, thu gom, nên đến nay, công tác cơ giới hóa thu gom rác thải mới đạt 30% tổng lượng rác thải thu gom trên toàn địa bàn thành phố (tổng khối lượng rác khoảng 950 tấn/ngày). Toàn thành phố mới chỉ có quận Hải Châu triển khai thí điểm thu gom rác bằng xe cơ giới tại một số phường.

Với tỉ lệ cơ giới hóa thu gom rác thải sinh hoạt thấp như vậy nên nhiều người dân gọi phương thức thu gom rác thải hiện nay quá lạc hậu. Việc không thu gom rác kịp thời, để nhiều rác tồn đọng trong thành phố dẫn tới ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị. Trong khi đó, sự gia tăng rác thải sinh hoạt trong thành phố đã gây áp lực lên các công nhân ngành môi trường.

HOÀNG HIỆP – KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.