Xung đột thương mại Mỹ-Trung: Tìm lối thoát cho xuất khẩu Việt Nam

.

Ngày 6-7, Trung Quốc thông báo các biện pháp áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu có hiệu lực, sau khi Mỹ kích hoạt các biện pháp thuế chống Trung Quốc. Như vậy, xung đột thương mại Mỹ-Trung đã chính thức nổ ra và Việt Nam sẽ khó tránh khỏi tác động.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: TTXVN)

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những nhận định chung về tình hình này đồng thời khuyến nghị tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những động thái cần thiết để ứng phó và thích nghi với bối cảnh mới.

- Thưa ông, xung đột thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới đã chính thức nổ ra. Đây cũng là những đối tác lớn của Việt Nam trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa. Theo ông, tình hình thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tại thời điểm này, khi diện các sản phẩm hàng hóa bị áp thuế của hai bên (Mỹ và Trung Quốc) mới chỉ ở diện hẹp, gồm các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc và một số sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như ngô, đậu nành, gạo, thịt... đều là các sản phẩm không thuộc thế mạnh của Việt Nam. Do đó, có lẽ tác động trực tiếp và tức thời lên xuất khẩu Việt Nam sẽ không quá lớn.

Tuy nhiên, về lâu dài, tác động sẽ rất khó đoán định, nếu cuộc chiến tiếp tục leo thang và diện sản phẩm bị trừng phạt hay quy mô gia tăng.

Là một nền kinh tế nhỏ, trước cuộc chiến thương mại, mà một bên là thị trường xuất khẩu lớn nhất (Mỹ) và một bên là thị trường nhập khẩu lớn nhất (Trung Quốc), Việt Nam chúng ta chắc chắn sẽ phải chịu những tác động không nhỏ.

Nếu nhìn một cách tích cực thì doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội tại thị trường Mỹ, khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao.

Cũng như vậy, ở thị trường Trung Quốc, mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Trung Quốc có thể áp thuế cao đối với Mỹ nhưng không phải là thế mạnh của Việt Nam, thì cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng được thị trường này.

Tuy nhiên, ở chiều tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác. Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc. Cùng với đó, thị trường nội địa của Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh và diễn biến có thể sẽ phức tạp hơn nhiều.

Ngoài ra, trường hợp một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu sẽ buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, nên xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này cũng có thể sẽ khó khăn hơn. Đà tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam thời gian qua (tăng 30% so với cùng kỳ 2017) có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Xét ở bình diện rộng hơn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể khiến luồng thương mại thế giới bị dịch chuyển, cạnh tranh sẽ phức tạp hơn nhiều ở các thị trường khác và trên thị trường Việt Nam.

Đó là chưa kể tới những diễn biến phức tạp khác về dòng đầu tư, nguồn cung, cầu trên thế giới, thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán dưới tác động phức hợp từ cuộc chiến này.

Như vậy, trong lâu dài, có thể thấy, tác động tích cực và tiêu cực đều có thể có, nhưng tiêu cực có lẽ sẽ nhiều hơn. Điều này cũng không quá khó hiểu, một cuộc chiến thương mại trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. Có lẽ cả hai bên (Mỹ và Trung Quốc) đêu hiểu rõ điều này và hy vọng họ sẽ không dấn sâu thêm nữa.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động liên quan tới những thị trường này cần chủ động và chuẩn bị những gì để giảm thiểu tối đa những nguy cơ và tác động tiêu cực, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và có độ mở cao, phụ thuộc khá lớn vào các biến động của thị trường thế giới. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta không có nhiều lựa chọn trong bối cảnh này. Tất nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam càng không có nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, để giảm nhẹ tác động, theo tôi, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, có lẽ việc quan trọng nhất là theo dõi sát sao tình hình thị trường, không chỉ ở Mỹ hay Trung Quốc mà ở cả các thị trường khác, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng việc điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, nguồn cung và thị trường một cách linh hoạt nhất có thể. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm những con đường xuất khẩu khác, ổn định và thuận lợi hơn. Ví dụ như tìm cách để tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và sẽ có với các thị trường tiềm năng khác ngoài Mỹ và Trung Quốc.

Mặt khác, đối với các doanh nghiệp bán hàng trong nước, ngoài chuyện bám sát tình hình, chúng ta cũng cần nghĩ đến việc liên kết lại cùng nhau, thông tin lẫn nhau và cùng hành động khi cần thiết. Ví dụ, chúng ta có thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp như kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm điều này, so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam cũng đang là một thị trường đầy tiềm năng và nhiều triển vọng mà không ít doanh nghiệp nước ngoài mong muốn chiếm lĩnh và chinh phục.

Không nên chỉ khi xảy ra những diễn biến bất lợi, mà chúng ta cũng cần phải chú trọng nhiều hơn tới thị trường trong nước; giành thị phần và niềm tin yêu, ưa chuộng của chính người tiêu dùng trong nước.

Nhiều năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai các chương trình, hoạt động để xúc tiến thương mại trong nước; trong đó, nổi bật như “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam." Đó chính là “lối rẽ” hợp hoàn cảnh; thậm chí cũng là xu hướng mà đa phần các quốc gia trên thế giới đang làm và làm rất hiệu quả.

Nếu làm tốt được điều này và nếu các doanh nghiệp chú trọng hơn tới thị trường nội địa, Việt Nam có thể giảm nhập siêu và việc phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ không còn trở thành áp lực. Đương nhiên, tác động từ những cuộc chiến thương mại bên ngoài sẽ khó có thể ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp. Tôi tin là vậy.

Còn một điều khác không thể không nhắc tới, xung đột thương mại giữa các nước lớn chắc chắn sẽ gây tổn hại tới những quốc gia có liên quan. Tuy nhiên, bao giờ đi kèm những thách thức cũng sẽ luôn có những cơ hội tiềm ẩn, mà một doanh nghiệp khôn ngoan cần biết cách để đón bắt và tận dụng.

Tôi cho rằng hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp Việt Nam hãy nhanh chóng dồn sức lực, trí tuệ để nâng cao trình độ, đầu tư vảo công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình. Đó là nội lực, là sức mạnh giúp doanh nghiệp tồn tại và vượt qua mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong thời đại khoa công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Với vai trò của mình, VCCI sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như thế nào để thích ứng với diễn biến bất lợi hiện nay, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trong bối cảnh thương mại thế giới phức tạp, với 10 hiệp định thương mại tự do đang thực hiện, cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai gần, sẽ là những lối thoát quan trọng cho xuất khẩu Việt Nam. Những biện pháp phòng vệ trong WTO cũng là những công cụ có ý nghĩa để bảo vệ cạnh tranh trong thị trường nội địa của chúng ta.

Nhận thức được điều này, VCCI đang rất nỗ lực để giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả nhất các công cụ này. Mặt khác, VCCI cố gắng đưa đến cho doanh nghiệp các thông tin đầy đủ, những phân tích đánh giá, hướng dẫn dễ hiểu nhất cho doanh nghiệp về các Hiệp định thương mại tự do và về các công cụ phòng vệ thương mại. Tất cả đều được đăng tải miễn phí tại website www.trungtamwto.vn và www.chongbanphagia.vn.

Thêm nữa, VCCI cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu cho Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, nâng cao sức cạnh tranh.

Hy vọng rằng với những nỗ lực này của VCCI và cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp, chúng ta có thể cùng nhau vượt qua những thử thách phức tạp trong bối cảnh hiện nay.

- Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.
.