Liên kết tiêu thụ sản phẩm

.

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phố nỗ lực liên kết với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với mặt hàng nông sản để ổn định sản xuất, bảo đảm hiệu quả kinh tế và khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.

Các hộ trồng rau, củ, quả sạch ở vùng rau La Hường ổn định sản xuất và đầu ra sản phẩm nhờ liên kết tiêu thụ.    Ảnh: Thái Thanh
Các hộ trồng rau, củ, quả sạch ở vùng rau La Hường ổn định sản xuất và đầu ra sản phẩm nhờ liên kết tiêu thụ. Ảnh: Thái Thanh

Các thành viên trong HTX Rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), một trong những vùng rau đầu tiên của thành phố Đà Nẵng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, vẫn canh cánh nỗi lo trước sức ép cạnh tranh về giá.

“Họ (người bán-PV) nhập rau về với giá rất rẻ, mẫu mã bắt mắt và chỉ cách vùng rau vài cây số. Người đi chợ thì thường thích mua rau đẹp, rẻ và nhiều, trong khi rau của chúng tôi được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nên có giá thành đắt, thời gian sinh trưởng dài hơn và không đẹp bằng do không có thuốc trừ sâu…”, ông Mai Văn Toàn (trú tổ 34, phường Hòa Thọ Đông), thành viên của HTX rau La Hường chia sẻ.

Để hỗ trợ các thành viên, HTX Rau an toàn La Hường đã tìm hướng khắc phục bằng cách liên kết tiêu thụ với các trường học, bệnh viện, siêu thị, nhà hàng và các thương lái bao tiêu sản phẩm.

Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX Rau an toàn La Hường cho biết, HTX hiện có 5 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm ở đường Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, An Phú và chợ Cẩm Lệ. Tất cả các sản phẩm của HTX đều bán rất chạy, đặc biệt là rau muống và ớt.

“HTX đứng ra lo toàn bộ để đầu ra sản phẩm không bị ứ đọng. Nhờ tiêu thụ ổn định, đời sống của các thành viên thay đổi rõ nét. Mỗi người lao động có nguồn thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng (trước đây chỉ 2-3 triệu đồng/tháng). Riêng gia đình ông Mai Văn Toàn có thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/năm từ việc trồng rau.

“Hiện nay, rau của HTX sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng, tuy nhiên chúng tôi không chạy theo số lượng mà tập trung bảo đảm chất lượng sản phẩm để giữ vững thương hiệu”, ông Trần Văn Hoàng cho hay.

Tại HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) và HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), việc liên kết tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh bằng cách kết hợp với các đơn vị sản xuất lúa giống để bán và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn so với giá thị trường.

“Sau khi thu hoạch vụ đông xuân vừa qua, giá lúa ở địa phương của tỉnh Quảng Nam bị giảm mạnh do được mùa, nhưng chúng tôi phối hợp với các đơn vị bao tiêu sản phẩm vẫn mua lại lúa của nông dân là thành viên HTX cao hơn 15% so với giá thị trường.

Các xã viên có nhu cầu bán lúa giống, bán lúa thông thường bao nhiêu thì chúng tôi mua lại bấy nhiêu. Các xã viên rất phấn khởi vì được mùa mà không bị rớt giá như nhiều nơi khác”, ông Nguyễn Thảo, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 cho biết.

Trong khi đó, HTX Kim Thanh (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) đã mạnh dạn hợp tác, liên kết với các HTX cùng ngành nghề nấm tại thành phố Đà Nẵng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX, hộ sản xuất tại khu vực ở các xã Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), các phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn)... Việc liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, HTX với HTX trong sản xuất đã phát huy lợi thế để tận dụng hết công suất của máy móc, thiết bị, tư liệu sản xuất và cơ sở vật chất, góp phần giảm chi phí sản xuất và đem lại lợi nhuận, tăng thu nhập cho thành viên và hộ sản xuất.

HTX thường xuyên được tham gia quảng bá sản phẩm tại rất nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài thành phố. Để các thành viên yên tâm sản xuất, đơn vị còn liên kết với Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng, nhà hàng, siêu thị nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc HTX mây tre An Khê (phường An Khê, quận Thanh Khê) nhìn nhận: “Liên doanh, liên kết giữa HTX với các đơn vị, tổ chức khác trong và ngoài thành phố đã mang lại nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm và sản xuất cho HTX cũng như các thành viên, người lao động, nhất là khi cả nước tập trung phát triển mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị. Chúng tôi đang mở rộng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân tại các tỉnh Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Nam…”.

THÁI THANH – NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.
.