Đôi điều về hệ quy chiếu tăng trưởng kinh tế

.

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (GDP) đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu quốc hội đề ra (6,7%) và được xem là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tín hiệu tăng trưởng cao tiếp tục diễn biến trong quý 1-2018 với GDP đạt 7,38% và không khó để dự báo rằng năm 2018 nền kinh tế nước ta có nhiều cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 6,7% như mong muốn và quyết tâm của Chính phủ.

Tăng trưởng kinh tế trước hết là tiền đề của xu thế phát triển. Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế cao dường như không chỉ là khát vọng mà còn là nhu cầu thực tế, trước sức ép phải cật lực phấn đấu để vươn đến mục tiêu hình thành một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nhiều thập niên tới.

Bài toán khó đặt ra là nên lựa chọn cách thức tăng trưởng như thế nào cho hợp lý, giải quyết thấu đáo những vấn đề cơ bản trong một hệ quy chiếu tăng trưởng kinh tế tổng thể, bao gồm: (1) bảo đảm sự phát triển hài hòa ở trong nước, xử lý kịp thời những mâu thuẫn phát sinh, (2) duy trì vị thế chủ động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, (3) hướng đến mục tiêu nhất quán là tạo lập một mô hình tăng trưởng thực sự bền vững (Xem minh họa biểu đồ) 

Hệ quy chiếu tăng trưởng kinh tế phải trở thành kim chỉ nam cho chương trình hành động của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cơ sở; đồng thời có tác dụng định hướng dư luận xã hội, cảnh báo kịp thời những tư tưởng say sưa với thành tích tăng trưởng cao, bằng mọi giá, tăng trưởng nhưng không chú ý đúng mức đến chính sách an dân, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, khắc phục bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng trong tiến  trình đô thị hóa…

Thể chế hóa hệ quy chiếu tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và cấp bách trong giai đoạn hiện nay và sắp đến; qua đó góp phần hình thành nên một bộ tiêu chí tổng thể, làm căn cứ để lựa chọn mô hình phát triển bền vững theo hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam - một đất nước được đánh giá là nằm trong tốp 5 quốc gia đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu toàn cầu. Công việc này cần được tiến hành đồng bộ, thông qua tất cả các khâu từ lập pháp/hành pháp/tư pháp.

Sớm luật hóa quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể đến từng bộ, ngành và địa phương, từng ngành nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng hành vi ứng xử văn minh tại nơi công cộng, tại mỗi gia đình công dân, hình thành nếp sống văn hóa, thói quen tiêu dùng thông minh...

Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình theo định kỳ hoặc đột xuất trước Quốc hội/công luận về kết quả triển khai chiến lược nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, bên cạnh những tiến bộ về GDP nhất thiết phải làm rõ những góc khuất, những “gót chân Asin” cần quan tâm của các chỉ số phát triển bền vững có liên quan.

Liên hệ đến đề xuất mới đây của Bộ Tài chính về chủ trương tăng thuế môi trường xăng dầu lên mức kịch trần 4.000 đồng/lít đã làm dấy lên sự phản ứng không đồng tình của dư luận, để thấy vấn đề không chỉ là kích hoạt tăng giá, tăng chi phí xã hội…, mà điều quan trọng là căn cứ tăng thuế không minh bạch (hiện tại tỷ lệ thuế/phí trong xăng dầu đã chiếm gần 50% mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu, chế biến dầu mỏ), mục đích sử dụng và hiệu quả thực tế về công tác bảo vệ môi trường kém thuyết phục. Đây cũng là câu hỏi về chủ đề phát triển bền vững mà Chính phủ cần có câu trả lời công khai, thỏa đáng trước công luận.

Thể chế hóa hệ quy chiếu tăng trưởng kinh tế còn là căn cứ quan trọng để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực quốc gia dành cho các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là việc sử dụng một cách thông minh, có hiệu quả các nguồn lực đầu tư tài chính.

Một trong những ý tưởng chính sách tốt có thể kể ra đó là Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 đã được ban hành theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp theo đó là Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24-3-2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Thông qua tác động chính sách này, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ chủ động cải thiện chất lượng danh mục đầu tư tín dụng, xác định và quản lý hiệu quả rủi ro môi trường và xã hội, kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng tới từng khoản vay, mở rộng thị phần nhờ sản phẩm/dịch vụ mới thân thiện với môi trường (tài trợ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, các thị trường chưa khai thác…).

Đồng thời, từ đó củng cố mạng lưới khách hàng hiện có, thu hút thêm nhiều khách hàng chất lượng tốt, cải thiện danh tiếng và giá trị thương hiệu của tổ chức, thu hút nguồn vốn vay các tổ chức tài chính quốc tế cùng định hướng hỗ trợ các hoạt động về môi trường và xã hội.

Điều đáng tiếc là mặc dù chủ trương này đã ban hành gần 4 năm nay nhưng kết quả triển khai cụ thể đến hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng, các ban, ngành liên quan khác nói chung dường như vẫn giẫm chân tại chỗ.

Nhìn sang các quốc gia trên thế giới, có thể nhận ra rằng bằng nhiều phương thức tiếp cận khác nhau họ đã tự định hình cho mình tư duy và mô hình phát triển khác biệt, độc đáo nhằm đạt đến sự dung hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với việc chung sống hòa thuận với môi trường tự nhiên, xây dựng được triết lý sống trong đó nhu cầu vật chất chưa bao giờ được xem là mục tiêu tối hậu và không đại diện cho ý nghĩa cao cả hơn là bảo vệ cuộc sống yên lành của người dân.

Bhutan là một ví dụ điển hình. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ 21, quốc gia này đã từ bỏ khái niệm GDP mà chuyển sang sử dụng GNH - Chỉ số Hạnh phúc quốc gia (Gros National Happiness) để đo lường mức độ hài lòng với cuộc sống người dân.

Chính phủ Bhutan luôn ý thức việc mang lại hạnh phúc cho người dân trong cuộc sống hằng ngày là rất quan trọng. Trong đó, bảo vệ môi trường sống là mối quan tâm số một, hơn một nửa đất nước được bảo vệ trong các khu vườn quốc gia, việc phá rừng bị ngăn cấm triệt để, ban hành chính sách nhằm loại bỏ các chất hóa học nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp với mục đích tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn với sức khỏe cộng đồng, việc nhập khẩu các loại phân bón hóa học cũng chính thức bị cấm ở đất nước này…

Tất nhiên, sẽ không có một hình mẫu duy nhất nào cho sự lựa chọn mô hình phát triển bền vững, nhưng có một cảnh báo khẩn cấp chúng ta không được phép bỏ qua đó là phải nhanh chóng hành động để sớm thay đổi tình hình hiện nay nếu không muốn đánh đổi thành quả tăng trưởng bằng chính sự tồn vong của tương lai đất nước!

Phúc Vinh

;
.
.
.
.
.
.