Dạy khởi nghiệp từ trường đại học

.

Với mục tiêu tạo dựng tinh thần khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo trong học đường, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) có nhiều chương trình học và làm thiết thực, cung cấp kiến thức và truyền cảm hứng làm chủ sự nghiệp, làm chủ bản thân cho sinh viên (SV).

Các cựu sinh viên đang khởi nghiệp chính là người truyền đạt kinh nghiệm, cảm hứng cho các thế hệ sinh viên tiếp theo. 				                   Ảnh: NVCC
Các cựu sinh viên đang khởi nghiệp chính là người truyền đạt kinh nghiệm, cảm hứng cho các thế hệ sinh viên tiếp theo. Ảnh: NVCC

Khác với những buổi thi căng thẳng thường thấy, trước giờ kiểm tra học kỳ môn “Khởi sự kinh doanh”, các SV khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế) tỏ ra khá hào hứng. Môn thi này, các em không cần phải học thuộc lòng, cũng không cần viết những câu trả lời dài... vài trang giấy.

Thay vào đó, các SV “chỉ” cần thuyết trình về một dự án khởi nghiệp mà mình đã theo đuổi trong suốt học kỳ. Ban giám khảo của buổi thuyết trình chính là các thầy cô, các doanh nhân và cả các cựu SV của nhà trường đang khởi nghiệp.

TS Lê Thị Minh Hằng, Phó khoa Quản trị kinh doanh cho biết, ngay từ đầu học kỳ, các SV theo học môn “Khởi sự kinh doanh” đã được hướng dẫn tìm ý tưởng, khảo sát thị trường, lên kế hoạch kinh doanh...

Như một người ươm mầm, các sinh viên cũng “ươm” các mô hình dự án khởi nghiệp do chính mình lựa chọn, với sự hướng dẫn của các giảng viên và mạng lưới doanh nhân do nhà trường liên kết. Cuối học kỳ, các em có thể tự hào giới thiệu về “đứa con tinh thần” của mình, đồng thời có cơ hội nhận được hỗ trợ tài chính từ nguồn quỹ của các cựu sinh viên đi trước.

Theo TS Minh Hằng, môn học “Khởi sự kinh doanh” được đưa vào giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế từ năm 2006. Vào thời điểm đó, đây là trường ĐH công lập đầu tiên ở Việt Nam chính thức đào tạo về cách lập nghiệp. Sau hơn 10 năm, nội dung và hình thức dạy - học của môn “Khởi sự kinh doanh” đã có nhiều thay đổi để phù hợp với bối cảnh thực tế.

“Nhà trường muốn đây không chỉ đơn thuần là một môn học, mà còn là định hướng của một chuyên ngành đào tạo. Chúng tôi muốn nuôi dưỡng cho các em một tinh thần doanh nhân. Không phải ai ra trường cũng có thể khởi nghiệp, có người phải 5 -10 năm sau mới mở doanh nghiệp, có người chỉ làm cho các công ty, cơ quan đã được thành lập.

Tuy nhiên, tinh thần doanh nhân không nhất thiết chỉ có ở lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là tinh thần luôn học hỏi, đổi mới, cải tiến những cái có sẵn  - và tinh thần đó thì ở bất kỳ ngành nghề nào cũng cần. Đấy là điều mà chúng tôi muốn dạy cho các em”, TS Hằng chia sẻ.

Mặc dù là môn học của khoa Quản trị kinh doanh, song “Khởi sự kinh doanh” vẫn thu hút SV đến từ các chuyên ngành khác của Trường ĐH Kinh tế. Nguyễn Thoại (SV khoa Marketing) cho biết, em từng dự các buổi thi thuyết trình của môn học này để tự “cóp nhặt” thêm kiến thức cho mình; đồng thời học hỏi, tạo quan hệ với các cựu SV của trường đang khởi nghiệp.

Theo TS Hằng, mạng lưới các doanh nhân là một phần không thể thiếu của việc dạy - học khởi nghiệp ở nhà trường, bởi “chỉ khi sinh viên được học từ chính những người đã khởi nghiệp, các em mới có thể hiểu thêm về “thế giới” bên ngoài sách vở và có thể đặt nền móng cho những mối quan hệ việc làm trong tương lai.”

ThS Nguyễn Sơn Tùng, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh cho biết, bên cạnh việc dạy học trên lớp, nhà trường còn mở các lớp bổ trợ kỹ năng mềm cho tất cả SV. Từ những lớp kỹ năng này mà các giảng viên phát hiện được SV đang cần điều gì, thiếu điều gì... “Có một thực trạng là nhiều SV vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc tự học.

Các em vẫn còn giữ thói quen thời phổ thông, chỉ học và làm những gì thầy cô yêu cầu chứ chưa chủ động tìm thứ để học, tìm việc để làm. Nhà trường đang nỗ lực liên kết với doanh nghiệp, tạo ra các hoạt động ngoại khoá để giúp các em thay đổi tư duy đó”, ThS Tùng nhìn nhận.

Các nỗ lực về dạy tinh thần khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo trong sinh viên đã bước đầu đem lại nhiều kết quả. Trong cuộc thi Startup Runway 2018 (tạm dịch: “Đường chạy Khởi nghiệp 2018”) do Trường ĐH Kinh tế tổ chức vừa qua (dành cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung), có rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp được các SV đầu tư kỹ lưỡng, có tính thương mại hóa cao. Đặc biệt, chính các SV cũng là người đứng ra tổ chức sân chơi cho mình và bè bạn.

Theo TS Hằng, để xây dựng được môi trường khởi nghiệp hiệu quả trên ghế nhà trường, cần tăng cường mối liên kết giữa các đại học chuyên ngành khác nhau. SV kỹ thuật thường giỏi trong việc tìm ra giải pháp công nghệ, tạo ra sản phẩm, nhưng lại không mạnh trong việc thương mại hóa - vốn là điều mà các SV kinh tế được đào tạo quy củ. Khi ra trường và thành lập doanh nghiệp cũng vậy, một nhóm dự án bao giờ cũng cần nhân sự đa ngành.

“Tôi nghĩ, để phát triển khởi nghiệp trong trường ĐH, cần tạo diễn đàn chung cho sinh viên các ngành khác nhau, phải có một nơi cho các em đến giao lưu, gặp gỡ, trao đổi ý tưởng”, TS Minh Hằng nhấn mạnh và cho rằng, cần xây dựng một mạng lưới doanh nhân sẵn sàng hỗ trợ nhà trường trong việc đào tạo khởi nghiệp, bởi chính họ mới là những người đã va chạm nhiều với thực tế, có thể truyền đạt kinh nghiệm, cảm hứng cho các thế hệ sau.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.