Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Bài cuối: Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

.

Sau khi kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 được công bố, Đà Nẵng đã tổ chức họp bàn phân tích, đánh giá các “điểm tối” trong môi trường kinh doanh.

Đây là cơ sở để thành phố đề ra các giải pháp, để tạo lập một chính quyền có chất lượng điều hành tốt, một điểm đến thuận lợi và hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sự phát triển của doanh nghiệp là thước đo cho sự phát triển của thành phố. Trong ảnh: Hoạt động của công ty CP công nghệ Asian Tech.
Sự phát triển của doanh nghiệp là thước đo cho sự phát triển của thành phố. Trong ảnh: Hoạt động của công ty CP công nghệ Asian Tech.

Đối với Đà Nẵng, việc phân tích kết quả PCI 2017 được chú trọng bởi đây là cơ sở để thành phố tự đánh giá chất lượng điều hành và nỗ lực cải cách hành chính của mình, nhận thức các điểm mạnh, điểm yếu, những điểm cần khắc phục để chính quyền trở nên năng động, hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Trịnh Bằng Có, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Phương Đông Việt bày tỏ, việc Đà Nẵng luôn tổ chức họp bàn sau mỗi đợt công bố PCI chứng tỏ thành phố rất quan tâm đến việc phát triển môi trường kinh doanh, tạo điều kiện làm ăn cho DN.

Theo nhìn nhận khách quan của DN, Đà Nẵng có nhiều chủ trương rất tốt, nhận được sự nhất trí cao trong cộng đồng DN. Thế nhưng, đến khi triển khai lại có sự hụt hơi, khiến DN không hài lòng. Điển hình như việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Đây là chỉ số mà Đà Nẵng có sự tụt hạng nghiêm trọng (19 bậc) trong bảng xếp hạng PCI 2017. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ưu đãi về đầu tư, thu hút đầu tư hiện nay trên địa bàn được triển khai thực hiện căn cứ theo đúng quy định pháp luật.

UBND thành phố không có chính sách ưu đãi riêng cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đối với các chính sách thuê đất hoặc ưu đãi về thuế cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung..., thành phố đều áp dụng chung cho tất cả DN. Như vậy, nếu xét về mặt cơ chế chính sách Đà Nẵng đang nỗ lực tạo một “sân chơi” chung, không phân biệt đối với mọi DN.

Ông Lê Trí Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi là DN hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, gần như mọi DN trong lĩnh vực này đều luôn chú trọng phát triển mảng hậu kiểm. Tôi nghĩ, mô hình này có thể được triển khai sang các cơ chế quản lý Nhà nước nhằm bảo đảm khi chính sách đã đưa ra thì sẽ được thực thi, được kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm”.

Nói về tính công khai, minh bạch, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay: “Cách duy nhất để chống các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng là công khai, minh bạch thông tin. Ví dụ, thông tin mời thầu cần được công khai trên mọi phương tiện truyền thông của thành phố”.

Còn theo lãnh đạo Sở Tư pháp, để tăng tính công khai, minh bạch thông tin, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tiếp cận thông tin của ngành. Mức độ cao nhất của “minh bạch thông tin” là mức 3, tức là khuyến khích DN, người dân tham gia hoạch định, phản biện và giám sát chính sách.

Hiện tại, Đà Nẵng mới ở mức 1, tức là sẵn có thông tin. Do đó, thành phố cần năng động, tích cực hơn nữa trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của DN. Theo báo cáo của VCCI, vai trò của các hiệp hội DN tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, vì vậy cần có cơ chế khuyến khích để DN tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, đặc biệt là ở những nội dung có liên quan đến sự phát triển của DN. Kinh nghiệm từ các địa phương trong cả nước như Cần Thơ đã xây dựng, công khai bảng thông tin về đất đai, giá xây dựng, giá bồi thường… cho từng tuyến phố.

Bên cạnh đó, người dân cùng các DN vừa và nhỏ có tiếng nói đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực. Và điều quan trọng là thành phố cần tăng cường hơn nữa việc đối thoại, tương tác với người dân và DN.

Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VinaCapital, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ FDI Đà Nẵng cho biết, các DN khi triển khai những dự án lớn trải qua rất nhiều quy trình. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng… nên có bộ quy trình cụ thể, trong đó hướng dẫn các bước chi tiết và thông báo rộng rãi cho DN.

Bên cạnh đó, thành phố có thể sử dụng đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để tư vấn cho DN. “Các DN đều mong được làm thủ tục đúng luật và nhanh chóng, giúp các dự án triển khai nhanh”, ông Phúc nói.

Theo bà Trần Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới UBND thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện tăng cường, chủ động triển khai các chính sách của thành phố.

Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần tăng cường phối hợp để ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó trả lời chính xác, đúng trọng tâm, xử lý triệt để. Mặt khác, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Luật đấu thầu, tăng cường triển khai đấu thầu qua mạng cho các gói thầu sử dụng ngân sách Nhà nước…

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội cho rằng, để nâng cao PCI Đà Nẵng, các DN đề nghị thành phố nên mở “rộng cửa” để họ tiếp cận nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách hành chính, hỗ trợ thủ tục hành chính, thông tin nhanh chóng và thường xuyên các chính sách ưu đãi cho DN.

Các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế nên được đảm bảo ổn định, được công khai và phổ biến kịp thời đến nhà đầu tư. Ngoài ra, các DN cũng mong muốn được thành phố hỗ trợ cho thuê mặt bằng kinh doanh và mở rộng quỹ đất sản xuất.

Tại hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Đà Nẵng” được tổ chức vào đầu tháng 5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định, Đà Nẵng sẽ tập trung cải thiện một cách thực chất 3 khía cạnh của môi trường kinh doanh, gồm: tăng tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin; giảm chi phí không chính thức và tăng tính cạnh tranh bình đẳng. Đây chính là những dư địa phát triển của Đà Nẵng trong “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018” và những năm sau đó.

Trong quá trình này, DN và chính quyền cần đồng hành với nhau, bởi đối với Đà Nẵng, sự phát triển của DN chính là thước đo cho sự phát triển của thành phố.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.