Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng tụt xuống hạng 2, sau 4 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước. Mặc dù luôn nằm trong nhóm “Rất tốt”, nhưng mức độ tăng trưởng điểm số của Đà Nẵng qua các năm vẫn nằm trong nhóm cuối.

Đà Nẵng nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Có cách nào để cải thiện năng lực cạnh tranh?... Đó là những câu hỏi đang cần lời giải đáp.

Việc chính quyền minh bạch thông tin đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Việc chính quyền minh bạch thông tin đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Bài 1: Vẫn còn những “nút cổ chai”

Thành phố Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn. 4 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2016), Đà Nẵng giành vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI cả nước.

Năm 2017, xếp vị trí thứ 2 sau Quảng Ninh, nhưng Đà Nẵng đạt 70,11/100 điểm, tăng 0,11 điểm so với năm 2016. Đà Nẵng có nhiều chỉ số thành phần có cải thiện về cả điểm số lẫn thứ hạng. Điển hình là chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”.

Từ vị trí thứ 16 (năm 2015), Đà Nẵng đã vươn lên vị trí thứ 11 (năm 2016) và thứ 5 (năm 2017). So với cả nước, doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng ít gặp cản trở về tiếp cận và mở rộng mặt bằng kinh doanh. Ngoài ra, theo đánh giá của các DN, rủi ro thu hồi đất đã được cải thiện phần nào.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã nỗ lực cải thiện các dịch vụ hỗ trợ DN như tìm kiếm thị trường, tư vấn pháp luật, hỗ trợ đối tác kinh doanh… Tỷ lệ DN đã sử dụng các dịch vụ này đều tăng trong bảng PCI hằng năm, đặc biệt là dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ liên quan đến công nghệ, dịch vụ đào tạo kế toán - tài chính…

Nhiều chỉ tiêu về thiết chế pháp lý được cải thiện đáng kể như tỷ lệ DN tin rằng phán quyết của tòa án là công bằng (tăng từ 86,15% - năm 2016 lên 90,6% - năm 2017), tòa án các cấp xét xử các vụ kiện kinh tế nhanh chóng (tăng từ 69,80% - năm 2016 lên 73,33% - năm 2017).

Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cũng cho thấy, mức độ cải thiện trung bình về PCI của Đà Nẵng từ năm 2006 đến năm 2017 nằm trong nhóm cuối của cả nước. Trên thực tế, đây cũng là tình hình chung của nhiều địa phương trong nhóm đầu bảng xếp hạng PCI, chứng tỏ vẫn có những “nút cổ chai” trong công cuộc cải cách hành chính, hay những “điểm tối” trong môi trường kinh doanh.

Trong đó, có 5 chỉ số thành phần trong hệ thống tính điểm PCI của Đà Nẵng vừa giảm điểm, vừa tụt hạng so với năm 2016, gồm: “Chi phí gia nhập thị trường” giảm từ 9,22 điểm (vị thứ 3) xuống 8,55 điểm (vị thứ 5), “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” giảm từ 7,22 điểm (vị thứ 1) xuống 6,46 điểm (vị thứ 20), “Chi phí không chính thức” giảm từ 6,51 điểm (vị thứ 2) xuống 6,29 điểm (vị thứ 5), “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố” giảm từ 7,06 điểm (vị thứ 1) xuống 6,65 điểm (vị thứ 6) và “Cạnh tranh bình đẳng” giảm từ 5,45 điểm (vị thứ 18) xuống 4,95 điểm (vị thứ 37).  

Trong các chỉ số thành phần nói trên, chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” năm 2017 của Đà Nẵng đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, đây lại là một trong những tiêu chí quan trọng nhất, đóng vai trò then chốt đối với sự thành công của DN.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Bình Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng chỉ ra thực trạng: Hiện nay, tỷ lệ DN nhận được văn bản từ cơ quan quản lý Nhà nước sau yêu cầu chỉ đạt 52%.

Đây là con số quá thấp, bởi lẽ ra đối với các văn bản chính sách, quy hoạch… công khai, thành phố cần đáp ứng 100% yêu cầu của DN. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Lê Trí Hải cũng chia sẻ: “Nhiều văn bản được các cơ quan quản lý Nhà nước gửi đến hội đề nghị góp ý, nhưng lúc đến tay chúng tôi thì văn bản chỉ còn 1-2 ngày nữa là hết hạn. DN thật sự không kịp trở tay”.

Doanh nghiệp đề xuất áp dụng mô hình hậu kiểm trong ngành phần mềm vào việc quản lý Nhà nước. TRONG ẢNH: Hoạt động tại Công ty TNHH Asian Tech. 		                      Ảnh: KHANG NINH
Doanh nghiệp đề xuất áp dụng mô hình hậu kiểm trong ngành phần mềm vào việc quản lý Nhà nước. TRONG ẢNH: Hoạt động tại Công ty TNHH Asian Tech. Ảnh: KHANG NINH

Theo báo cáo tham luận của Sở Tư pháp tại hội thảo về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP. Đà Nẵng tổ chức đầu tháng 5, khi được tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách, cơ sở hạ tầng, kế hoạch sử dụng đất… của địa phương, các DN sẽ dự báo tốt hơn về triển vọng kinh doanh dài hạn.

Ngược lại, nếu DN lo lắng về những thay đổi bất ngờ trong các quy định, cơ sở hạ tầng hay đất đai, họ sẽ do dự trước các dự án lớn và chỉ đầu tư cầm chừng. Trong những năm gần đây, chất lượng các cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước được cải thiện, song nhiều đơn vị vẫn chưa chú trọng cập nhật thông tin thường xuyên.

Bên cạnh đó, các tài liệu về ngân sách cũng chưa đủ chi tiết để DN sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các DN cho rằng, vai trò của các hiệp hội DN trong tư vấn và phản biện chính sách của thành phố vẫn còn mờ nhạt.

Ông Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thành phố nhìn nhận: “Sự thiếu minh bạch cũng là điều kiện thuận lợi cho cán bộ gây nhũng nhiễu, phiền hà, thậm chí tham nhũng, ảnh hưởng đến sự phát triển thành phố.

Nguyên nhân đó phần nào được thể hiện qua điểm số thành phần “Chi phí không chính thức”, trong đó có đến 50% DN được khảo sát tại Đà Nẵng cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến”.

Đối với vấn đề tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi DN, năm nay Đà Nẵng có sự tụt hạng đến 19 bậc. Cụ thể, có khoảng 38,76% DN cho rằng thành phố ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước; 38,61% DN cho rằng thành phố ưu tiên giải quyết các khó khăn cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước.

Bên cạnh đó, còn khoảng 57 - 67% DN nhận định các nguồn lực kinh tế (hợp đồng, đất đai…) chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền thành phố, đồng thời việc ưu đãi các công ty lớn (kể cả Nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của các DN.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh thẳng thắn nói: “Nếu môi trường kinh doanh không bình đẳng, tức “luật chơi” không rõ ràng và sòng phẳng thì các DN sẽ thiếu động lực, không còn muốn phấn đấu nữa”.

Trên thực tế, Đà Nẵng đã cải thiện rất nhiều khía cạnh. Chẳng hạn đối với chỉ số “Chi phí không chính thức”, tình trạng người dân và DN phản ánh về nạn “chung chi” khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Đà Nẵng đã giảm đáng kể so với trước. Ngoài ra, các DN tiếp tục đánh giá tích cực về việc giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng của các dịch vụ hỗ trợ DN và xúc tiến thương mại…

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.