Lúa hữu cơ được mùa, cao giá

.

Đến ngày 15-5, bà con nông dân thành phố đã cơ bản thu hoạch xong lúa với năng suất tăng 0,81 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái, ước tính đạt tổng sản lượng 17.400 tấn lúa. Đặc biệt, nhiều nông dân trồng lúa hữu cơ vui mừng vì đạt sản lượng cao và bán được giá.

Nhiều nông dân Đà Nẵng đang chú trọng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng.
Nhiều nông dân Đà Nẵng đang chú trọng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng.

Tại cánh đồng “nhất sổ” Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), bà Trần Thị Sang (tổ 2, thôn Nam Yên) vừa rải lá cây đậu phụng và lá cây rừng trên mặt ruộng, vừa khoe: “Mặc dù trồng lúa hữu cơ nhưng các đám ruộng nhà tôi lại cho năng suất đến 80 tạ/ha. Tôi bán được 3 tấn lúa được 21 triệu đồng (giá lúa tăng 10% so với vụ đông xuân năm ngoái), còn lại 1 tấn để ăn dần cả năm và bán một ít cho người quen biết”.

Vụ đông xuân vừa qua, bà Sang gieo sạ 10 sào lúa giống HT1 (cho gạo thơm, hạt dài) và Khang dân (hạt tròn, dùng để chăn nuôi). Sau khi máy gặt đập liên hợp thu hoạch xong, thương lái và nhiều người dân ở thành phố đưa xe đến tận chân ruộng mua và chở đi 3 tấn lúa. “Nhờ áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại, trồng giống lúa chất lượng cao và hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ nên đạt năng suất cao. Hơn nữa, nhờ có máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy lồng nên chi phí cho khâu thu hoạch và làm đất rất thấp, giúp cho người nông dân, nhất là gia đình tôi thu lãi gần 50% tổng giá trị thu hoạch. Vụ hè thu này, tôi tiếp tục trồng lúa hoàn toàn hữu cơ để cho hạt gạo sạch, đáp ứng nhu cầu của bà con trong và ngoài xã”, bà Sang nói.

Còn ông Lê Bá Chúc, Trưởng thôn Nam Yên cho hay: “Trong vụ đông xuân vừa qua, cả thôn sản xuất 30ha giống lúa HT1 theo hướng hữu cơ và đạt năng suất cao. Thu hoạch xong, nông dân bán được lúa với giá từ 7.000-7.500 đồng/kg, cao hơn so với năm ngoái”.

Tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, 20ha sản xuất lúa hữu cơ ở thôn Trường Định cho năng suất trung bình 65 tạ/ha và nông dân cũng đã bán được lúa hữu cơ với giá lên đến 8.000 đồng/kg. Trước mắt, trong vụ hè thu này, xã tập trung khôi phục sản xuất trên diện tích 30ha ở thôn Vân Dương 1. Khi đã ổn định sản xuất, xã sẽ vận động nhân dân lân cận 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc trồng lúa hữu cơ trên diện tích 30ha đó.

Theo ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), bên cạnh diện tích chuyên canh lúa hữu cơ ở thôn An Trạch, nhiều người nông dân ở các thôn khác cũng thay đổi tư duy và thực hiện trồng lúa theo hướng hữu cơ. Vụ đông xuân năm nay được mùa, có những đám ruộng đạt năng suất từ 80-90 tạ/ha. Bà con nông dân cũng phấn khởi vì lúa được giá, nhất là lúa hữu cơ. Hiện nay, gạo xay ra từ lúa trồng hữu cơ ở thôn An Trạch đã được chứng nhận VietGap có giá bán cao hơn 200.000 đồng/10kg”.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, gạo hữu cơ sản xuất tại thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) đang bán với giá 180.000 - 200.000 đồng/10kg, gạo hữu cơ sản xuất tại thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong) bán với giá 200.000-220.000 đồng/10kg… Trong khi đó, gạo được sản xuất thông thường (giống Xi23, OM4900, Thiên ưu 8…) được bán với giá 120.000-140.000 đồng/10kg.

Theo Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố, Đà Nẵng hiện có gần 250ha chuyên canh lúa hữu cơ. Đây là mô hình sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật…, góp phần thay đổi tập quán canh tác cho người nông dân và tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đang được nông dân Đà Nẵng chú trọng và sản xuất nhiều. Thành phố đang lựa chọn, đề xuất các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có hiệu quả cao để nhân rộng.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.