Công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm

Cần khoa học và thực chất

.

Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy năm nay yêu cầu các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phải công bố tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh. Liệu yêu cầu này có giúp nâng cao được chất lượng, cải tiến quá trình đào tạo?

Việc tư vấn, định hướng để học sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp với bản thân và thị trường giúp các em dễ dàng có việc làm sau khi ra trường. Trong ảnh: Chương trình tư vấn mùa thi do Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh.
Việc tư vấn, định hướng để học sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp với bản thân và thị trường giúp các em dễ dàng có việc làm sau khi ra trường. Trong ảnh: Chương trình tư vấn mùa thi do Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh.

Trong phương án tuyển sinh năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo có yêu cầu các trường công bố dữ liệu về SV có việc làm, nếu không sẽ không được tuyển sinh. Các trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh, trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì bị xử lý vi phạm theo quy định. Thầy Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết, nhà trường đã tiến hành khảo sát và cho thấy có 96,7% SV ra trường có việc làm trong 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Hoạt động này được nhà trường thực hiện từ mấy năm nay. “Việc công bố tỷ lệ SV ra trường có việc làm nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần làm tăng uy tín của nhà trường. Qua số liệu đó, nhà trường cũng có thể nắm được nhu cầu của thị trường lao động và tăng, giảm số lượng tuyển sinh từng ngành”, thầy Huy nói. Tuy nhiên, theo thầy Huy, con số đó chỉ mang tính tương đối và nhà trường vẫn luôn chú trọng đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của SV trong thời kỳ hội nhập. Khung chương trình của từng ngành học được điều chỉnh qua từng năm để phù hợp với nhu cầu công việc thực tế của các doanh nghiệp (DN). Các môn học đều gắn liền với thực tiễn, tạo điều kiện cho SV được tiếp xúc với DN ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường thông qua các buổi đi thực tế, nghe chia sẻ từ các lãnh đạo DN.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng đã tiến hành khảo sát tỷ lệ SV ra trường có việc làm và con số này là hơn 96%. PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc khảo sát tỷ lệ SV có việc làm giúp nhà trường nắm bắt và điều chỉnh quy mô tuyển sinh, chương trình đào tạo. Đơn cử như việc chú trọng đào tạo theo hướng thực hành, nâng cao kỹ năng… Qua các con số này, học sinh phổ thông cũng có thể tham khảo để lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và thị trường. Tuy nhiên, theo PGS.TS Vinh, để có được con số này, nhà trường đã khảo sát một số lượng SV nhất định, chứ không thể làm với 100% SV. “Chúng tôi tích cực gửi thư, gọi điện để có thể thu được phản hồi từ các em về tình trạng có việc làm hay chưa nhưng không thể được 100%. Nói vậy để thấy việc khảo sát không hề dễ dàng và độ chính xác chỉ là tương đối”, thầy Vinh nói. Theo thầy Vinh, quan trọng hơn cả đối với nhà trường vẫn là việc đẩy mạnh hợp tác đối với DN để tạo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp. Đơn cử như ngành xây dựng của nhà trường có 100% SV sau tốt nghiệp được DN nhận vào làm việc.
Theo một cán bộ làm lâu năm trong ngành giáo dục, việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện công khai tỷ lệ SV có việc làm đã có từ lâu nhưng việc thực hiện lâu nay vẫn chưa đúng yêu cầu và chưa thực chất. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT cần có sự hậu kiểm để biết trường nào làm đúng trường nào chưa để quy định phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho rằng, việc xác định sinh viên tốt nghiệp có việc làm cũng phải xét đến nhiều khía cạnh. Bởi thực tế nhiều em có việc làm nhưng lại không đúng ngành nghề hoặc việc làm không ổn định. “Nhiều em làm trái ngành nghề là do học theo trào lưu, theo ý của cha mẹ chứ không phải ngành các em ưa thích hoặc theo năng lực. Bởi vậy, quan trọng là việc làm như thế nào chứ không phải chỉ có việc làm hay không”, ông Diệp nói. Theo ông Diệp, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn còn nhiều do quan niệm phải vào cho được ĐH mới gọi là thành công. Tại nhiều phiên giao dịch việc làm, DN “đỏ mắt” tìm không ra lao động có tay nghề, trong khi thu nhập của một thợ cơ khí bậc 4, 5 hiện nay cao hơn nhiều so với kỹ sư. Bởi vậy, việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng cần phải được đẩy mạnh hơn để giải quyết căn cơ bài toán có việc làm cho SV.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.
.