Chữ "tâm" trong kinh doanh

.

Vai trò và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước ngày càng được khẳng định. Đi kèm với đó, chữ “tâm” cũng được nhắc đến nhiều và đa chiều hơn với mục đích vì một xã hội văn minh, giàu mạnh và an toàn.

Trước hết phải nói đến chữ “tâm” của người đứng đầu doanh nghiệp. Đó là cái tâm đối với niềm tin của người tiêu dùng, cái tâm của người trước khi nghĩ về phần mình đã nghĩ đến cái lợi cho quê hương, cho cộng đồng. Cái tâm ở đây chính là sự cam kết bằng trách nhiệm, bằng niềm tự hào đối với sản phẩm mình dày công làm ra. Và cái tâm ở đây còn là sự tâm huyết, sự dấn thân trên con đường kinh doanh vốn chẳng bao giờ bằng phẳng và dễ dàng, thậm chí không ít chông gai và thất bại.

Từng không ít lần chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, gầy dựng thương hiệu với bao khó khăn, trở ngại qua gần 15 năm xây dựng thương hiệu giày BQ, doanh nhân Phan Hải, Tổng Giám đốc Công ty Giày BQ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng luôn xem chữ “tâm” như kim chỉ nam để bản thân hướng đến khi điều hành doanh nghiệp.

“Thời gian qua, không ít câu chuyện người tiêu dùng bị mất niềm tin vì các sản phẩm làm ra lúc đầu rất tốt, nhưng dần vì hám lợi nên người sản xuất đã không còn giữ đúng như cam kết ban đầu. Hoặc có tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” khi lập lờ về chất lượng, đánh tráo những khái niệm về tiêu chuẩn. Đâu đó có những chuyện cũng vì hám lợi làm tổn thương cộng đồng. Tất cả đều xuất phát từ cái “tâm” chưa tốt của người chủ doanh nghiệp. Điều này đã làm giảm sút đi phần nào niềm tin của người tiêu dùng và làm “xấu” đi hình ảnh doanh nhân trong xã hội”, ông Hải nói.

Với một thành phố du lịch như Đà Nẵng, việc gìn giữ hình ảnh rất quan trọng. Năm nào thành phố cũng tổ chức các buổi gặp gỡ, tuyên truyền và vận động ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn… nhằm nâng cao nhận thức cũng như ý thức tự giác của người kinh doanh trong việc chung tay gìn giữ tiếng thơm của thành phố từ thực tâm kinh doanh của chính mình. Chị Trần Nguyễn Thị Yến My, một người kinh doanh hàng ăn uống ở quận Hải Châu bày tỏ: “Bây giờ mua bán cạnh tranh dữ lắm. Mình làm ăn gian dối là mất uy tín và đóng cửa tiệm liền. Làm cái chi cũng phải có cái “tâm” mới thành công được. Với người bán hàng như tôi, cái “tâm” thể hiện ở chỗ không mua gian bán lận, chặt chém khách; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi kinh doanh; luôn bảo đảm chất lượng của sản phẩm làm ra”. 

Nói đến cái “tâm” của người kinh doanh, còn phải gắn với trách nhiệm ở các cấp chính quyền. Cái tâm của người lãnh đạo luôn đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp hay truyền cảm hứng cho khởi nghiệp, một chủ đề đang được thành phố đẩy mạnh. Cái “tâm” của chính quyền phải chuyển hóa thành cả hệ thống vào cuộc, tiếp cận, lắng nghe, chia sẻ, định hướng, tư vấn, phản biện, đến cụ thể hóa bằng các chính sách hỗ trợ cụ thể chứ không là những khẩu hiệu sáo rỗng. Tất cả những hành động đó tạo niềm tin cho người kinh doanh, tạo thêm động lực và sức mạnh để doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh trong thời hội nhập.

“Trong thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng hết sức năng động, thân thiện và cầu thị lắng nghe doanh nghiệp. Các sở, ngành tích cực triển khai những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những lúc như vậy chúng tôi có thêm niềm tin và động lực để vượt khó. Chỉ mong thành phố phát huy hơn nữa thế mạnh này để làm thành động lực và giúp doanh nghiệp an tâm làm ăn”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - xuất nhập khẩu Hương Quế bày tỏ.

Cuối cùng là cái “tâm” của xã hội, của người tiêu dùng. Sản phẩm trong nước có thể chưa sánh bằng hàng ngoại, chất lượng chưa hoàn hảo nhưng hãy hỗ trợ bằng cách tiêu dùng để người kinh doanh có thêm động lực và nguồn lực. Người tiêu dùng có quyền hoài nghi về chất lượng sản phẩm, nhưng hãy tham gia góp ý, vun đắp để nhận được những sản phẩm hoàn hảo hơn. Sự dễ dãi, chỉ trích hay định kiến “sính hàng ngoại, không mặn mà hàng nội” đều là rào cản đối với người kinh doanh.

Doanh nghiệp đang đi trên con đường dài của câu chuyện hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Để thành công, tất cả bắt đầu bằng chữ “tâm” của chính doanh nghiệp, chính quyền và người tiêu dùng. Từ đó, xây dựng được niềm tin để biến thành động lực, thậm chí là nguồn lực, cho mỗi người chúng ta, trong đó có những doanh nhân, doanh nghiệp mang trong mình trách nhiệm xây dựng và kiến thiết quê hương, đất nước.

Hoàng Linh

;
.
.
.
.
.
.