Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị

.

Hiện nay, cả nước đang tập trung phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Tại Đà Nẵng, HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) và HTX Mây tre An Khê (phường An Khê, quận Thanh Khê) được chọn để triển khai làm điểm thực hiện mô hình này.

Nông dân thôn Yến Nê 2 đã sản xuất được các loại lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân thôn Yến Nê 2 đã sản xuất được các loại lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sáng sớm một ngày tháng 4, trên cánh đồng sản xuất lúa giống OM4900 ở thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), gần 10 nông dân cùng cán bộ kỹ thuật Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam tiến hành tỉa bỏ những bông lúa lẫn, kém chất lượng nhằm bảo đảm toàn bộ cánh đồng là sản phẩm giống lúa nguyên chủng.

Người dân phấn khởi vì bông lúa trổ rộ, hạt mẩy, ít sâu bệnh và dự đoán còn 15 ngày nữa sẽ tiến hành thu hoạch. Những năm gần đây, từ hoạt động liên kết giữa HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 với các công ty kinh doanh lúa giống, người dân ở thôn Yến Nê 2 đã sản xuất được các loại lúa giống như OM4900, Thiên Ưu 8... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều nông dân cho hay, mỗi vụ lúa giống đến kỳ thu hoạch được thu mua lên đến 2,5 triệu đồng/sào, trừ các chi phí, họ thu lãi từ 700.000-800.000 đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng lúa bình thường. “Nhà tôi trồng 5 sào lúa giống và 5 sào lúa bình thường để ăn, nhờ HTX liên kết với các công ty cung cấp giống nên được hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật, phân bón. Sản phẩm sau thu hoạch được mua với giá cao nên ước tính mỗi vụ gia đình tôi lãi khoảng 750.000 đồng/sào”, bà Nguyễn Thị Ngôn (thôn Yến Nê 2) phấn khởi nói.   

Ông Nguyễn Thảo, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 cho biết, lâu nay đơn vị đã liên kết với 5-6 công ty giống để sản xuất lúa giống. Đến ngày 21-7-2015, khi tiến hành đại hội chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, yếu tố liên kết chuỗi giá trị của HTX đã đạt đến 80%.

Hiện HTX đang liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa giống với 2 công ty giống cây trồng trên diện tích 70ha/vụ. Nhờ gắn kết chuỗi giá trị này, người nông dân không chỉ được hưởng lợi từ việc thu mua sản phẩm lúa giống giá cao, mà còn giữ lại một phần giống lúa cao sản nguyên chủng để sản xuất lúa ăn trong vụ tiếp theo.

“Vì thế, khi lúa giống đạt năng suất hơn 70 tạ/ha thì lúa bình thường để ăn cũng đạt đến 67 tạ/ha. Sản phẩm đạt năng suất cao, thu mua với giá cao và còn có bộ giống tốt cho người nông dân sản xuất lúa ăn...”, ông Nguyễn Thảo nói.

Đối với HTX Mây tre An Khê (quận Thanh Khê), nhờ tăng cường liên kết và gắn với chuỗi giá trị nên những năm qua, các sản phẩm do đơn vị sản xuất ra được tiêu thụ mạnh trong và ngoài nước. Riêng trong năm 2017, HTX đã chế biến 600 tấn mây, 50.000 sản phẩm hàng hóa, doanh thu đạt 20 tỷ đồng. Trong đó, trực tiếp xuất khẩu đạt 500.000 USD (chiếm 60% tổng doanh thu, tăng từ 20-30% so với trước đây).

Nhờ vậy, thu nhập của các thành viên và người lao động trong HTX được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần nâng cao. “Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi tích cực tìm kiếm, mở rộng các đối tác mới. Việc liên doanh, liên kết giữa HTX với các đơn vị, tổ chức khác trong và ngoài thành phố đã mang lại nhiều cơ hội làm ăn cho đơn vị và thành viên, người lao động; tăng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chủ trương thí điểm mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị theo chỉ đạo của UBND thành phố và Liên minh HTX thành phố, hiện nay, chúng tôi đang mở rộng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân tại các tỉnh Thái Bình, Quảng Bình và Quảng Nam”, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc HTX Mây tre An Khê cho hay.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.
.