Phát triển bền vững du lịch Đà Nẵng

.

Thời gian qua, dư luận quan tâm và không ít băn khoăn khi chứng kiến Đà Nẵng phát triển “nóng” về du lịch. Trong khi chúng ta chưa trang bị đầy đủ năng lực phục vụ và quản lý nhưng lượng khách du lịch, nhất là khách quốc tế, không ngừng tăng cao qua từng năm và nguy cơ thất thu trong lĩnh vực du lịch rất lớn. Điều đó có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố hay không?

Đà Nẵng vào xuân. Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI
Đà Nẵng vào xuân. Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI

Năm 2017, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt trên 6,6 triệu lượt, đạt 104,8% kế hoạch so với năm 2016; trong đó khách quốc tế ước đạt trên 2,3 triệu lượt, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt trên 19.000 tỷ đồng. Dự báo năm 2018, thành phố có thể đón trên 8 triệu du khách. Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là cùng với việc tăng lượng khách “đột biến” cũng chính là lúc ngành du lịch thành phố đối diện với nhiều thách thức, trong đó có công tác chống thất thu và bảo đảm chất lượng dịch vụ để duy trì nguồn thu.

Trong số 2,3 triệu lượt khách quốc tế, có 960.000 khách đến từ Hàn Quốc và 500.000 khách đến từ Trung Quốc, hai thị trường này luôn là nguồn cung rất lớn và còn tiếp tục phát triển. Trong khi đó, chúng ta chưa chủ động chuẩn bị cho sự phát triển này cả về hành lang pháp lý, nguồn nhân lực lẫn hệ thống thương mại dịch vụ, chủ yếu chỉ dừng lại việc xây khách sạn. Do đó, việc xuất hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh, dịch vụ “khép kín” từ lưu trú, tham quan, mua sắm đến cả việc đáp ứng nhu cầu ăn uống, spa…

do người nước ngoài đầu tư đáp ứng nhu cầu cho chính khách hàng của nước họ là tất yếu. Ngoài ra, điều lo ngại nhất của thất thoát nguồn thu chính là trong xu thế cách mạng 4.0, du khách dễ dàng tiếp cận các dịch vụ trực tiếp qua các hệ thống booking online (đăng ký trên mạng). Vì vậy, để chống thất thu thuế, cần có biện pháp giám sát chặt chẽ các trang thương mại điện tử và các công ty có sản phẩm du lịch bán qua mạng. Mặt khác, cần tăng thu từ những dịch vụ phục vụ du khách như: ăn uống, mua sắm, giải trí, tour du lịch trong ngày... Các dịch vụ này trước đây tập trung vào các doanh nghiệp lớn nên dễ dàng giám sát thuế. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu du khách phát sinh rất đa dạng, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể tham gia quá trình chào bán sản phẩm và phục vụ du khách. Do đó, cần chú trọng vai trò giám sát, quản lý của địa phương, không chỉ góp phần chống thất thu mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm, hay tránh hàng giả, hàng nhái. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó sẽ quyết định đến hình ảnh và thương hiệu cho du lịch của thành phố.

Đối với việc ngày càng xuất hiện nhiều tour du lịch giá rẻ, thậm chí tour 0 đồng làm chúng ta không ít quan ngại, cần xem đây như một phần tất yếu của quy luật cung cầu, của quá trình phát triển du lịch. Cũng như sản phẩm khi mới tiếp cận thị trường thì luôn bắt đầu bằng các chương trình khuyến mãi, cách dễ dàng nhất để thu hút sự chú ý của khách hàng. Du lịch giá rẻ cũng tương tự, giá trọn gói cho tour bao giờ cũng thấp hơn chi phí cơ bản cần phải có (ăn, ở, đi lại...) nên các công ty lữ hành sẽ bù đắp bằng việc tạo ra chuỗi dịch vụ “khép kín”, thông qua mua sắm hay bằng các tour du lịch trong ngày... Nhưng bao giờ cũng vậy, sau khi kết thúc chương trình khuyến mãi, sản phẩm nếu muốn được khách hàng chú ý và tiếp tục sử dụng lại thì phải bảo đảm chất lượng. Đối với du lịch thành phố, chúng ta cũng hy vọng và trông chờ du khách sau khi tham gia những tour giá rẻ sẽ quay lại Đà Nẵng bởi sự hấp dẫn của nó, nghĩa là họ tự thực hiện việc tham quan, không cần thông qua các công ty lữ hành. Khi đó, việc khai thác và thu từ du lịch không còn lệ thuộc vào các công ty lữ hành, nghĩa là chúng ta không quá lo ngại thất thoát nguồn thu trong trường hợp này. Vấn đề đặt ra chính là làm thế nào tạo sức hút để giữ chân, lôi kéo du khách quay trở lại và họ là sứ giả cho du lịch thành phố.

Để làm được điều này, cần những chiến lược mang tính tổng thể, từ quy hoạch đến cung ứng nguồn nhân lực, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính nghiệp vụ.

Trước hết, cần triển khai rà soát quy hoạch tổng thể ngành du lịch gắn với điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch tổng thể không gian đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Bên cạnh việc duy trì lễ hội pháo hoa quốc tế, tập trung khai thác du lịch M.I.C.E (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện), du lịch khám phá…, cần sớm triển khai kêu gọi đầu tư bổ sung hệ thống dịch vụ du lịch như: đầu tư xây dựng bến du thuyền trên sông Hàn, nâng cấp nhà ga hành khách cảng Tiên Sa, các trung tâm mua sắm đẳng cấp quốc tế, đặc biệt là những điểm, tổ hợp vui chơi, giải trí quy mô lớn… Ngoài ra, trong số 695 khách sạn hiện nay, chỉ khoảng 160 khách sạn đạt chuẩn từ 3-5 sao, số còn lại tập trung chủ yếu nhóm từ 1 đến dưới 3 sao, tình trạng manh mún về quy hoạch sẽ manh mún về dịch vụ và rất khó khăn trong điều hành, quản lý. Do đó, việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng rất cần thiết để có thể góp phần định hình hệ thống cơ sở hạ tầng tổng thể du lịch thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cần tận dụng tối đa lợi thế từ chiến lược liên kết vùng, khai thông sông Cổ Cò nối Đà Nẵng và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), qua đó khai thác các sản phẩm du lịch của các địa phương, bổ sung vào danh mục sản phẩm du lịch của thành phố.

Hai là, cần nâng cao chất lượng các điểm đến thông qua việc liên tục tạo ra nhiều chương trình đặc sắc, sản phẩm hấp dẫn để gợi mở, lôi kéo du khách. Tài nguyên du lịch nổi bật nhất của Đà Nẵng là biển, vậy mà chúng ta chưa triển khai được nhiều dịch vụ mặt nước và dưới nước, chỉ mới chú trọng khai thác một phần các dịch vụ trên bờ. Do đó, cần sớm nghiên cứu và đưa vào khai thác các tour du lịch vòng quanh bán đảo Sơn Trà, tour đi vịnh, các dịch vụ lặn ngắm san hô, câu cá, đi bộ dưới đáy biển, tham quan nhà bè...

Ba là, cần chú trọng tạo ra nhiều hơn nữa các tour du lịch trong ngày. Thông qua đầu tư, nâng cấp và làm “sống lại” các không gian văn hóa cổ xưa làm Đà Nẵng thêm phần hấp dẫn với du khách thập phương. Bởi lẽ, trong sự náo nhiệt hiện đại, du khách rất muốn trải nghiệm những khoảng trời đầy hoài niệm như: Đền thờ Thoại Ngọc Hầu, Nhà truyền thống Phan Châu Trinh, Khu di tích K20, Thành Điện Hải... Hay tổ chức các tour tham quan tìm hiểu văn hóa bản địa luôn tạo sự hứng thú cho du khách nước ngoài. Đây cũng là lợi thế đối với thành phố giàu bản sắc văn hóa như Đà Nẵng: làng dân tộc Tà Lang - Giàn Bí, làng đá Non nước, làng cổ Túy Loan, làng chiếu Cẩm Nê, lễ hội cầu ngư…

Cuối cùng, cần chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, mặc dù chuyên môn của đội ngũ xúc tiến ở Đà Nẵng rất tốt, hoạt động xúc tiến có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cấp quản lý Nhà nước và sự tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, nhưng nguồn kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến còn quá hạn chế. Do đó, cần tăng cường ngân sách cho hoạt động xúc tiến, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi cho việc xã hội hóa, có thể huy động thông qua hình thức gây quỹ xúc tiến du lịch địa phương. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng hệ thống công trình quảng bá du lịch thành phố cũng cần được các cấp, các ngành quan tâm, bởi thành phố hiện vẫn chưa có một trung tâm giới thiệu và quảng bá du lịch xứng tầm.

TÔ HÙNG

;
.
.
.
.
.
.