Nghịch lý thị trường lao động cuối năm

.

Đến hẹn lại lên, dịp cuối năm, các doanh nghiệp (DN) lại tăng chỉ tiêu tuyển dụng lao động nhưng số lượng tuyển được chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu.

Để đón đầu mùa tuyển dụng lao động cuối năm, cuối tháng 6-2017, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức Hội chợ việc làm lần thứ 3-2017. Đây là một trong những hội chợ có quy mô lớn nhất trong nhiều năm nay, với sự tham gia của 168 DN có nhu cầu tuyển dụng 4.705 lao động. DN bố trí bàn nhận hồ sơ, tuyển dụng ngay tại hội chợ, nhưng chỉ có 737 người lao động (NLĐ) phỏng vấn; trong đó đến 95,1% người xin việc có trình độ đại học! Kết quả này cũng phản ánh đúng thực tế thành phần tham gia hội chợ chủ yếu là sinh viên của chính Trường Đại học Kinh tế; trong khi đó, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp nghề rất ít, riêng lao động phổ thông gần như không có. Đại diện một DN chuyên tuyển người trông trẻ cho các hộ gia đình đã thốt lên: “Lỗ toàn tập!” vì gần như không có ai ghé gian hàng của mình.

Tại phiên giao dịch do Trung tâm Giới thiệu việc làm tổ chức vào cuối tháng 9-2017, tình hình cũng không khá hơn. 64 DN tham gia tuyển dụng 1.370 lao động, trong đó có 50% DN tuyển dụng lao động phổ thông. Thế nhưng, các DN chỉ tuyển được 285 lao động, trong đó lao động phổ thông 91 người. Nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn như Công ty TNHH Fujikura Automotive Vietnam tuyển 600 lao động, Công ty TNHH Tường Hựu tuyển trên 500 lao động..., và kết quả vẫn không đạt được chỉ tiêu.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Xây dựng Trường Tiến, đơn vị chuyên thi công công trình dân dụng trên địa bàn thành phố, trong số gần 50 lao động thời vụ của đơn vị thì có đến 47 người đến từ các tỉnh bắc miền Trung như Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Theo giải thích của những chủ thầu xây dựng, lao động ngoại tỉnh không đòi hỏi nhiều về tiền công, chịu cực khổ và nhất là không yêu cầu về cơm nước, nhậu nhẹt cuối tuần nên dễ cho cả chủ thầu lẫn chủ nhà. Đặc biệt, trên thị trường lao động dịch vụ việc nhà, chăm trẻ, chăm người già, người đau ốm mãn tính... hầu hết các DN đều cho biết chỉ thu hút được NLĐ ở các tỉnh khác.

Khảo sát của Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, trung bình 5 năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động tại thành phố tăng khoảng 4-4,2%/năm (trung bình cả nước là 3,2 - 3,5%/năm). 5 năm qua, lượng lao động ngoại tỉnh vào thành phố khoảng từ 20.000-25.000 người/năm. Với tình hình trên, thời gian đến, lượng lao động ngoại tỉnh vào thành phố làm việc sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhất là trên lĩnh vực xây dựng, dịch vụ và thương mại.

THANH  VÂN

;
.
.
.
.
.