Tạo đà thúc đẩy hoàn thành chỉ tiêu kinh tế

.

Đến cuối tháng 9-2017, tình hình kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Sản xuất, kinh doanh khởi sắc, giúp kinh tế thành phố dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2017. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại phân xưởng dệt của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.
Sản xuất, kinh doanh khởi sắc, giúp kinh tế thành phố dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2017. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại nhà máy sợi của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.

Dư địa phát triển của các ngành, lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính được cải thiện sẽ khơi dậy sức sản xuất, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh. Duy trì những yếu tố này sẽ thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm, tạo tiền đề căn bản để xây dựng kế hoạch và mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018.

Doanh nghiệp tăng, thu hút đầu tư khả quan  

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Văn Sơn, qua 9 tháng đầu năm, một số lĩnh vực tăng trưởng cao như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại. Riêng lĩnh vực du lịch tiếp tục thể hiện sự bứt phá ổn định với tổng số du khách đến Đà Nẵng đạt hơn 5,1 triệu lượt, tăng gần 23% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế tăng gần 50%.

Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt gần 15.200 tỷ đồng. Nếu như những năm trước thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài chưa thật sự khả quan thì trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng cả số lượng lẫn quy mô dự án.

Thành phố cấp mới 73 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 62 triệu USD, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2016; quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng; cấp mới Giấy đăng ký doanh nghiệp cho 3.416 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký gần 18.410 tỷ đồng. Đến nay, lũy kế thành phố có 21.742 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 140.664 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Sơn lý giải, môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng tiếp tục được cải thiện đã kích thích doanh nghiệp đến rót vốn đầu tư. Đi liền với đó, từ chỉ đạo của thành phố, các sở, ban, ngành và địa phương cùng tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và một số địa phương phát triển sản xuất, mở rộng đầu tư.

Công tác cải cách hành chính được đề cao, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước năm thứ 4 liên tiếp về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năm thứ 9 liên tiếp về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông. Sự tăng trưởng kinh tế khá ổn định giúp thu ngân sách thành phố dự báo sẽ vượt thu từ 5-10% theo kế hoạch đề ra.

Theo một số chuyên gia, bức tranh kinh tế Đà Nẵng cuối năm 2017 tiếp tục khả quan với nhiều dư địa trên một số lĩnh vực khai thác hiệu quả. Cùng với số chuyến bay phục vụ nhu cầu của du khách tăng, hiện nay hạ tầng du lịch của Đà Nẵng được đánh giá hiện đại, đồng bộ nhất khu vực giúp cho Đà Nẵng có sức thu hút rất mạnh đối với du khách ngay trong mùa thấp điểm; bảo đảm tăng trưởng ngành du lịch năm 2017 sẽ tiếp tục ấn tượng.

Đà Nẵng tiếp tục là thị trường sôi động, phát triển mạnh các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông và giao thông vận tải. Cùng với đó, thị trường bất động sản sôi động cũng kích thích giao dịch tăng mạnh, tạo ra sự luân chuyển nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy thu ngân sách.

Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong nước tăng giúp cho số doanh nghiệp toàn thành phố tăng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời điểm chuẩn bị lượng hàng hóa trên thị trường tăng đột biến để phục vụ sức mua dịp Tết Nguyên đán 2018. Ngành nông nghiệp của thành phố với trọng tâm là khai thác thủy sản và các vùng chuyên canh sản xuất, nuôi trồng theo mô hình sản xuất sạch ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hòa Vang cũng sẽ tạo ra tăng trưởng khá.

Ngành dệt may đóng góp tích cực vào tăng trưởng và xuất khẩu của Đà Nẵng, do đơn đặt hàng sản xuất cung ứng thị trường trong nước và nước ngoài kéo dài cả năm. 											                    Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngành dệt may đóng góp tích cực vào tăng trưởng và xuất khẩu của Đà Nẵng, do đơn đặt hàng sản xuất cung ứng thị trường trong nước và nước ngoài kéo dài cả năm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn

Tuy vậy, một trong những hạn chế được nêu lên là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp dẫn đến tình trạng ứ đọng nguồn vốn, có tiền mà chưa thể giải ngân được. Chưa kể vốn ODA, tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản theo dự toán được giao năm 2017 trong 9 tháng đầu năm của thành phố mới chỉ thực hiện 2.682 tỷ đồng, đạt gần 45% kế hoạch giao năm 2017, xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Một nguyên nhân nữa là giá trị đền bù thực tế các dự án thường cao hơn giá trị đền bù theo dự án được phê duyệt, dẫn đến không thể giải ngân kế hoạch vốn đã giao do vướng thông tư của Bộ Tài chính, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.

Chưa kể một số công trình được bố trí kế hoạch vốn năm 2017 tương đối lớn nhưng chưa hoàn thành các thủ tục để khởi công, dẫn đến chưa có khối lượng để giải ngân. Để giải quyết tình trạng này, ông Trần Văn Sơn cho biết, thành phố đôn đốc các chủ đầu tư, quản lý dự án tập trung tất cả các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các công trình; thực hiện rà soát, điều chỉnh vốn đối với những dự án không đạt tiến độ, kém hiệu quả cho những dự án đang cần vốn để chi trả đền bù, thanh toán khối lượng; đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm…

Để bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng còn lại và cả năm 2017, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND thành phố mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo, các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung cao độ công tác chuẩn bị để tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 thành công; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng; triển khai đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 gắn với hoạt động khởi nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục xúc tiến và thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đi liền với tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Trong đó, tiếp tục tìm kiếm, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án theo Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và các kết luận của Thủ tướng, trọng tâm là đẩy nhanh việc chuẩn bị đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu và một số nhà máy nước… Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ lưu ý cần siết chặt công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, tăng cường xử lý vi phạm về trật tự xây dựng; đẩy mạnh công tác quản lý thu, chi và điều hành có hiệu quả ngân sách Nhà nước.  

9 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện hơn 36.104 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 61.150 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,09 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng đạt 5,9 triệu tấn, tăng 10%. Tổng doanh thu ngành bưu chính viễn thông ước đạt 16.303 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt hơn 50 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất thủy sản-nông-lâm ước đạt 1.873 tỷ đồng.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.