Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng - Xác lập mốc tiến độ các dự án thành phần

.

* Đầu tư 10 triệu USD cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng

Ngày 20-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam để thông qua Bản ghi nhớ thực hiện giám sát dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (thứ hai, từ trái sang) làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới. 						         Ảnh: Triệu Tùng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (thứ hai, từ trái sang) làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Triệu Tùng

Ông Đặng Đức Cường, Chuyên gia cao cấp về đô thị WB tại Việt Nam, Chủ nhiệm dự án Phát triển đô thị bền vững thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng qua dự án đã có nhiều cải thiện đáng kể về tiến độ thực hiện. Đối với hợp phần dự án cải tạo thoát nước mưa và nước thải có vốn đầu tư 144,6 triệu USD, sau giai đoạn xử lý hồ sơ tài trợ bổ sung nay đã có chuyển động với việc ký kết hợp đồng triển khai hạng mục Nâng cấp trạm xử lý nước Hòa Xuân có công suất 40.000m3/ngày, xây dựng trạm xử lý nước thải Liên Chiểu.

Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu xử lý nước thải từ sự phát triển đô thị nên WB đồng ý với đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng kéo dài thêm thời gian để bổ sung, thay đổi thiết kế  như việc thay đổi chiều dài toàn tuyến truyền tải nước thải chính đến Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân để tăng công suất xử lý từ 40.000m3/ngày lên 60.000m3/ngày.

Đối với đề xuất thay đổi kích cỡ của cống bao 4km dọc đường Võ Nguyên Giáp tăng từ 600mm lên 1.800 – 2.000mm để bổ sung thêm chức năng thoát nước thì địa phương cần bổ sung hồ sơ thiết kế, trong đó có hồ sơ thiết kế cơ bản của Sở Xây dựng đối với hệ thống nước thải riêng khu vực Mỹ Khê - Mỹ An. Đoàn công tác WB cũng kiến nghị thành phố sớm phê duyệt lại quy hoạch hệ thống thoát nước trên toàn địa bàn thành phố và có bổ sung khu vực huyện Hòa Vang do chưa được đưa vào quy hoạch đã phê duyệt.

Về hợp phần phát triển xe buýt nhanh (BRT) có chi phí đầu tư 70,2 triệu USD tiến độ thực hiện không đồng đều. Hạng mục xây lắp chỉ đạt từ 6 - 12%. Việc chậm trễ về tiến độ BRT không phải là trở ngại lớn bởi ở hạng mục công trình nút giao thông Nguyễn Trị Phương - Điện Biên Phủ đang được tăng tốc về đích sẽ kéo theo việc gia tăng tiến độ xây lắp ở các hạng mục khác.

Về hợp phần phát triển các tuyến đường giao thông chiến lược có vốn đầu tư 94,7 triệu USD, tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài đã đạt tiến độ 70% khối lượng, mặt bằng thi công thuận lợi nên thời hạn hoàn thành tuyến đường trước ngày 31-12-2017.

Tuyến đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương theo tiến độ hoàn thành vào ngày 29-3-2018 nhưng chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, việc xử lý nền đường, bù lún ở vị trí 2 mố cầu Quá Giáng cần có thêm thời gian nên kéo dài tiến độ đến giữa năm 2018. WB cũng đã thông qua việc hỗ trợ vốn, xem xét hồ sơ để triển khai dự án tuyến đường DH2 đoạn xã Hòa Nhơn - Hòa Sơn, huyện Hòa Vang và tổ chức đấu thầu thi công trước ngày 5-11-2017.

Bổ sung 10 triệu USD từ dự án  Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng để cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Bổ sung 10 triệu USD từ dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng để cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Qua kiểm tra đánh giá tổng thể về dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng và qua hoạt động sử dụng vốn và tình hình triển khai dự án, ông Đặng Đức Cường cho biết, từ vốn tiết kiệm qua đấu thầu sẽ sử dụng 10 triệu USD để đầu tư cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng, bổ sung 10 triệu USD vào các hạng mục cải tạo hệ thống thu gom nước mặt, nước thải khu vực bờ biển phía đông thành phố. WB cũng thống nhất với UBND tình Quảng Nam về chủ trương đầu tư phát triển kết nối tuyến xe buýt nhanh (BRT) từ Đà Nẵng đến thành phố Hội An.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, các hạng mục đầu tư dự án Phát triển bền vững cơ bản được triển khai kịp thời, một số vướng mắc phát sinh được chính quyền thành phố Đà Nẵng nhanh chóng tháo gỡ.

Theo đó, sẽ chủ động phê duyệt các điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trong lĩnh vực thoát nước kịp thời; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư. Đối với tiến độ thi công tuyến đường vành đai phía nam đoạn Hòa Phước - Hòa Khương và đường Nguyễn Tất Thành nối dài, UBND thành phố đều chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành trước các mốc tiến độ đề ra.

Hiện nay, hoạt động vận tải khách công cộng ở thành phố có nhiều chuyển biến, một số tuyến phát huy hiệu quả và có tăng lượng khách trên 10% hằng tháng. Tuy nhiên, vận tải khách công cộng còn những hạn chế bởi chưa khớp nối được điểm đón cùng hướng tuyến.

Do đó, thành phố tiếp tục đầu tư thêm để hình thành 12 tuyến xe buýt đưa vào phục vụ hành khách trong năm 2018. Các tuyến xe buýt này cùng với các tuyến BRT sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hành khách công cộng ở thành phố. Việc kết nối tuyến BRT từ Đà Nẵng vào thành phố Hội An là phù hợp với sự phát triển hạ tầng giao thông để kết nối 2 địa phương và đáp ứng hiệu quả trong khai thác.

Đối với việc đầu tư 10 triệu USD cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng là cần thiết và kịp thời bởi hiện nay UBND thành phố đang xem xét 3 phương án tham gia nghiên cứu thiết kế để chọn phương án tối ưu đầu tư.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng ghi nhận và đánh giá cao nguồn vốn đầu tư cho công tác hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực quản lý, điều hành dự án từ các hợp phần đầu tư xây dựng. Nguồn đầu tư từ dự án Phát triển bền vững cũng kịp thời hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khả thi về Dự án di dời ga đường sắt và đổi mới đô thị tích hợp để trình các bộ, ngành và Chính phủ phê duyệt.

Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.