Thương mại miền núi: Thiếu và tự phát

.

Với đặc thù xa trung tâm thành phố, các xã miền núi của Đà Nẵng vẫn chưa có điều kiện phát triển về mọi mặt; đặc biệt là hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối hàng hóa, dịch vụ còn thiếu và tự phát.
 

Chợ tạm Hòa Bắc bước đầu đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.
Chợ tạm Hòa Bắc bước đầu đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.

Từ cầu Nam Ô lên trung tâm xã Hòa Bắc, nếu đi xe máy chỉ mất khoảng nửa giờ đồng hồ. Từ đây ngược lên hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (nơi tập trung đông đồng bào thiểu số) mất thêm 20 phút, nhưng giờ đây các phương tiện di chuyển dễ dàng hơn rất nhiều. Tương tự, những con đường dẫn từ trung tâm thành phố lên xã Hòa Phú được trải nhựa khang trang nên chỉ gần một giờ đồng hồ là đến.

Sức mua thấp

Sau nhiều năm mong mỏi, hai xã miền núi của Đà Nẵng đã có chợ theo tiêu chí nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu mua, bán của người dân địa phương. Song, theo ghi nhận của chúng tôi, chợ đã có, nhưng người bán và người mua còn thưa thớt, bởi thói quen người dân vẫn chờ đợi những chuyến xe bán dạo đủ mặt hàng từ thực phẩm hằng ngày đến quần áo, giày dép, hàng gia dụng… chở lên tận nơi. Thu nhập của người dân chưa cao, nhu cầu sắm sửa vật dụng không nhiều, nên không cần đi 5-7km xuống chợ tập trung.

Trong diện tích nhà lồng chợ tạm Hòa Bắc được đầu tư từ cuối năm 2016 chỉ có 5-6 hộ buôn rau, thịt, gia vị, kẹp cài… Chị Nguyễn Thị Thu (thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc) bày tỏ: “Trước đây, tôi bán ở sạp trước nhà. Từ khi có chợ tạm, UBND xã vận động tôi vô đây họp chợ tập trung. Thực tình dân cư ở đây không nhiều, chỉ mong bán cho lực lượng công nhân làm công trình nhưng người bán dạo nhiều nên bán trong chợ ế ẩm quá, càng bán càng lỗ”.

Trong khi đó, một số hộ dân kinh doanh tại nhà cũng không có lãi nhiều. Chị Lê Thị Hồng (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) cho hay: “Hai vợ chồng tôi sức khỏe không tốt, không thể làm mây, đi củi như người dân ở đây nên vay mượn ít tiền mở tiệm tạp hóa nhỏ bán đủ thứ. Do sức mua của bà con vùng này thấp nên tôi chỉ bán lặt vặt qua ngày. Thậm chí, nhiều mặt hàng như rượu chai, nước đóng lon, bánh kẹo, đồ gia vị… có khi hàng tháng không bán được, bám đầy bụi. Những gia đình khác làm đại lý mùng mền, chăn, gối, bếp ga, cả tháng mới tiêu thụ được vài món”.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn hăm hở đưa hàng về vùng ven, các xã miền núi. Tuy nhiên, do nhu cầu ở các địa phương này không lớn nên chỉ vài ba lần “đánh” hàng lên, các doanh nghiệp… ngưng luôn. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Veston Nhật Nam chia sẻ: “Lâu nay, hàng hóa về nông thôn, miền núi chủ yếu là hàng giá rẻ Trung Quốc, hoặc đồ bành, đồ cũ. Hàng của công ty tôi có chất lượng, giá cao hơn nên khó cạnh tranh về lâu dài. Một chiếc áo sơ mi cấp thấp chỉ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc, của chúng tôi là 300.000 - 400.000 đồng/chiếc. Tôi cũng đã tính chuyện nghiên cứu sản phẩm phù hợp, xem xét các phân khúc cho thị trường này nhưng chưa thể vì một khi tiêu thụ quá yếu sẽ không đủ chi phí sản xuất và vận chuyển lên vùng cao”.

Chờ cú hích

Một doanh nghiệp kinh doanh hàng thời trang tại Đà Nẵng từng than thở: “Nhiều năm trước, chúng tôi từng đặt vấn đề mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm quần áo may sẵn với các hộ kinh doanh tạp hóa vùng nông thôn. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn phải ngưng vì hệ thống bán lẻ tự phát không theo cam kết chuyên nghiệp nào. Họ thích thì yêu cầu mình bỏ hàng, không bán được thì đòi trả lại. Cách làm này chỉ ăn xổi chứ không mang tính lâu dài, ổn định. Chúng tôi cũng từng kỳ vọng có thể thay đổi tâm lý tiêu dùng hàng Việt nhưng xem ra rất khó đối với khu vực này”.

Thị hiếu của người dân các xã miền núi là chỉ cần hàng rẻ, hàng bắt mắt. Khi cần những mặt hàng có giá trị so với hàng tiêu dùng bình thường, người dân đến thẳng trung tâm thành phố mua sắm. Do đó, việc xây dựng và hình thành mạng lưới bán buôn, bán lẻ nhiều mặt hàng không mang lại hiệu quả cao. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia đưa hàng lên miền núi. Tuy vậy, chủ trương đưa hàng bình ổn trợ giá từ phía Nhà nước luôn được người dân đón nhận tích cực. Chị Ngô Thị Thùy (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) nói: “Dù không sắm sửa thường xuyên nhưng hễ có đợt hội chợ, phiên chợ hàng Việt về đây, bà con mua nhiều lắm. Nhiều gia đình chưa có tiền cũng đi vay mượn để mua. Chúng tôi cũng mong thời gian tới có nhiều chương trình như siêu thị Co.opmart bán hàng bình ổn giá tốt, lại đa dạng, nên không cần xuống chợ trung tâm thành phố…”.

Về phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ theo định hướng của thành phố trong những năm tới, Sở Công thương cũng tham mưu xây dựng đề án, trong đó chú trọng việc phát triển các cửa hàng nhỏ khoảng 50m2 theo nhu cầu cần thiết của người dân miền núi; đồng thời nâng cấp, cải tạo các chợ ở địa phương ngày càng văn minh, sạch đẹp, vị trí xây chợ phải hợp lý, cân nhắc về quy mô chợ phù hợp với nhu cầu thực tế...

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương nhìn nhận: “Khi nhu cầu tiêu dùng còn thấp, không nhất thiết phải có trung tâm thương mại hay siêu thị ở khu vực dân cư chưa đông đúc. Bên cạnh đó, các công trình thương mại ở các xã chỉ nên xây dựng từ từ, từng bước, không nên đầu tư ồ ạt, tập trung.

Có thể vận động người dân tham gia mạng lưới phân phối hàng hóa đi từ cửa hàng nhỏ lên cửa hàng quy mô, đáp ứng nhu cầu tại chỗ cho người dân vùng xa trung tâm. Trong tương lai, khi thành phố phát triển, khoảng cách các quận, huyện xích lại gần, các xã Hòa Bắc, Hòa Phú có thêm nhiều khu dân cư mới, khu du lịch, các công trình đô thị, nhà ở với mật độ lớn hơn, chắc chắn hoạt động thương mại miền núi sẽ “tăng tốc” theo, đưa tỷ trọng giá trị thương mại, dịch vụ, bán lẻ tăng hơn mức trên 16% như hiện nay”.  

Khi thành phố phát triển, khoảng cách các quận, huyện xích lại gần, các xã Hòa Bắc, Hòa Phú có thêm nhiều khu dân cư mới, khu du lịch, các công trình đô thị, nhà ở với mật độ lớn hơn, chắc chắn hoạt động thương mại miền núi sẽ “tăng tốc” theo, đưa tỷ trọng giá trị thương mại, dịch vụ, bán lẻ tăng hơn mức trên 16% như hiện nay”.

Ông Nguyễn Hà Bắc,
Phó Giám đốc Sở Công thương

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.