Đừng bắt doanh nghiệp "vắt chân lên cổ" chạy vạy

“Doanh nghiệp đều phải chạy “vắt chân lên cổ” và phải chạy vạy may ra mới kịp vì chỉ sai hay thiếu 1 giấy tờ gì là mất thêm vài ngày”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc lại lời “kêu cứu” của một doanh nghiệp trong cuộc làm việc với Bộ Công thương.

Dẫn đầu đoàn làm việc với Bộ Công thương về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, sáng 22-9, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, khen ngợi Bộ Công thương tiên phong, đi đầu trong 3 vấn đề: sắp xếp lại bộ máy, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh và bỏ 420 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương được Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới, cải cách, đặc biệt trong tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong năm 2016, có 110.000 doanh nghiệp thành lập nhưng số doanh nghiệp “nhập viện” cũng rất lớn. “Con số thành lập doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa nếu số doanh nghiệp “đau ốm” nhiều. Đây là tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của Thủ tướng”, Bộ trưởng phát biểu.

Tại buổi kiểm tra, đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia đều đánh giá rất cao việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của Bộ và tương đương khoảng 1/8 tổng số điều kiện kinh doanh của cả nước.

Đối với việc cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã thực hiện 8 trong 10 nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2026 của Thủ tướng. Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh và cắt giảm 420 mặt hàng phải kiểm tra trước khi thông quan mang tính cách mạng và là kết quả của một quá trình rà soát kỹ lưỡng.

Trong thời gian tới, Bộ cần lưu ý tập trung tiếp tục rà soát danh mục các mặt hàng còn chồng chéo trong kiểm tra giữa các Bộ. Hướng tới đây là sẽ báo cáo Thủ tướng để 1 mặt hàng chỉ giao 1 bộ chủ trì. Bộ cũng cần phối hợp với Bộ Y tế để sửa đổi Nghị định 38 về an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, thu hẹp nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra ngành, giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan. Thay đổi phương thức kiểm tra, đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Thứ ba, tăng cường đẩy mạnh việc công nhận kết quả kiểm tra, chất lượng của các nước phát triển, các mặt hàng chất lượng cao… Như với kiểm tra hiệu suất năng lượng, sau khi đã kiểm tra thì có thể công nhận các sản phẩm khác cùng của nhà sản xuất đó. “Doanh nghiệp đang rất băn khoăn về việc phải vừa kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, nếu bỏ được thủ tục gì thì nên bỏ luôn”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.

Thứ tư, tiếp tục gắn mã HS cho các mặt hàng thuộc nhóm 2 (có khả năng gây mất an toàn) để thuận lợi cho doanh nghiệp, dù Hải quan đã đánh giá Bộ Công thương là bộ đã làm tốt nhất việc này thời gian qua. Bộ cũng cần chủ trì, đôn đốc các bộ ban hành danh mục hàng hóa kèm mã HS.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật với hàng hóa. Áp dụng kiểm tra giảm với các mặt hàng đã nhiều lần đạt yêu cầu. Trước đó, Bộ Y tế đã công bố doanh nghiệp đã đạt 3 lần kiểm tra an toàn thực phẩm thì từ lần thứ 4 không cần kiểm tra nữa.

Chinhphu.vn
 

;
.
.
.
.
.