Vốn tín dụng ngân sách địa phương: Nhiều hộ thoát nghèo

.

Trong những năm qua, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách địa phương nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo đã mang lại hiệu quả tích cực. Toàn thành phố hiện có 3.891 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo đang vay vốn từ các chương trình tín dụng này để sản xuất, kinh doanh với dư nợ 116,1 tỷ đồng.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng giải ngân vốn vay cho đối tượng chính sách.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng giải ngân vốn vay cho đối tượng chính sách.

Năm 2015, gia đình anh Trương Hoàng Diệu (cư trú tại Bình An 3, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) là hộ nghèo của phường giai đoạn 2013-2017, được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi có nguồn gốc từ ngân sách địa phương với lãi suất bằng 0 ở 3 năm đầu. Với số tiền này, anh Diệu mua một số trang thiết bị làm nghề mộc. Với sự cần cù, chịu khó, vợ chồng anh Diệu không chỉ sử dụng hiệu quả số tiền trên để mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, nuôi 2 con nhỏ, chữa bệnh, mà còn vươn lên thoát nghèo vào đầu năm 2017. Gia đình anh Diệu là một trong những hộ nghèo đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách địa phương do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Đà Nẵng cho vay.

Bà Nguyễn Lê Hồng Ánh, cán bộ chuyên trách làm công tác xóa đói giảm nghèo ở phường Hòa Cường Bắc cho biết: “Theo khảo sát từ đầu năm 2017, trên địa bàn phường có 230 hộ nghèo, trong đó có 17 hộ không còn sức lao động và 197 hộ cận nghèo. Nguồn vốn tín dụng của ngân sách địa phương đã trở thành cứu cánh cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống”.

Số liệu từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Thanh Khê cho biết, năm 2017 là năm thứ hai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững quận Thanh Khê giai đoạn 2016-2020 và thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”. Ngay từ đầu năm, Quận ủy Thanh Khê ban hành Nghị quyết số 01-NQ/QU, trong đó tập trung các giải pháp giúp đỡ hộ nghèo và được chỉ đạo xuyên suốt trong năm. Năm 2017, số hộ nghèo trên địa bàn quận là 1.730 hộ và 1.228 hộ cận nghèo. Quận Thanh Khê đề ra chỉ tiêu 800 hộ thoát nghèo trong số 1.730 hộ nghèo còn sức lao động và 400 hộ thoát nghèo trong số 1.228 hộ cận nghèo. Kết quả, 6 tháng đầu năm ước giảm 413 hộ nghèo, đạt 75,1% kế hoạch thành phố giao và 52% kế hoạch quận đề ra; giảm 302/400 hộ cận nghèo, đạt 75,5% kế hoạch. Công tác huy động từ nguồn ngân sách thành phố (hỗ trợ nhà ở, cấp bảo hiểm y tế, tiền điện, trợ cấp hằng tháng, quà Tết) đạt hơn 10 tỷ đồng; ngân sách địa phương (hỗ trợ về nhà ở, quà Tết) hơn 1 tỷ đồng.

Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Ngân hàng CSXH thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay, theo quy định về chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020 do HĐND thành phố phê duyệt, hộ nghèo ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 1,1 triệu đồng/người/tháng trở xuống; hộ nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 1,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo (thu nhập bằng 130% mức thu nhập hộ nghèo) ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân trên 1,1 triệu đồng đến 1,430 triệu đồng/người/tháng; hộ cận nghèo ở khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân trên 1,3 triệu đồng đến 1,690 triệu đồng/người/tháng. Theo tiêu chí này, toàn thành phố có 492 hộ nghèo chuẩn địa phương và 10.397 hộ cận nghèo chuẩn địa phương.

Theo ông Đoàn Ngọc Chung, năm 2017, UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn vay tổng cộng 120 tỷ đồng; trong đó từ ngân sách thành phố 116 tỷ đồng, gồm cho vay hộ cận nghèo 35 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 35 tỷ đồng, giải quyết việc làm 40 tỷ đồng, cán bộ, công chức người lao động có hoàn cảnh khó khăn 5 tỷ đồng, hoàn lương 1 tỷ đồng.

Toàn thành phố hiện có 3.891 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo đang vay vốn từ các chương trình tín dụng từ nguồn vốn ngân sách thành phố để sản xuất, kinh doanh với dư nợ 116,1 tỷ đồng; 1.480 hộ vay vốn giải quyết việc làm với dư nợ 37,2 tỷ đồng; 1.584 hộ vay thuộc diện di dời, giải tỏa vay vốn để sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống với số tiền dư nợ 49,4 tỷ đồng; 657 cán bộ, công chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với dư nợ 24,6 tỷ đồng; 353 đối tượng hoàn lương vay vốn 4,5 tỷ đồng để tái hòa nhập cộng đồng.

Đến ngày 25-6-2017, dư nợ từ nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 239,1 tỷ đồng (chiếm 15,3%/tổng dư nợ) với 8.326 khách hàng còn dư nợ, trong đó dư nợ các chương trình cho vay từ nguồn vốn ngân sách thành phố 232,9 tỷ đồng với 8.030 khách hàng còn dư nợ; dư nợ các chương trình cho vay từ nguồn vốn ngân sách quận, huyện đạt 6,2 tỷ đồng với 296 khách hàng còn dư nợ.

Ông Đoàn Ngọc Chung cho biết, trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đã được chuyển tải đầu tư ở nhiều lĩnh vực, từ đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: MẪU ĐƠN

;
.
.
.
.
.