Kết nối tạo hệ sinh thái khởi nghiệp

.

Tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp SURF 2017 tổ chức tại Đà Nẵng ngày 21 và 22-7 vừa qua, nhiều chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu trong nước và thế giới đã mang lại những góc nhìn mới về khởi nghiệp ở thành phố bên sông Hàn.

Chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Võ Duy Khương đến tìm hiểu các gian hàng tham gia triển lãm tại Hội nghị và Triễn lãm khởi nghiệp SURF 2017. Ảnh: KHANG NINH
Chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Võ Duy Khương đến tìm hiểu các gian hàng tham gia triển lãm tại Hội nghị và Triễn lãm khởi nghiệp SURF 2017. Ảnh: KHANG NINH

Khởi nghiệp tức là giải quyết vấn đề

Jeff Hoffman (quốc tịch Mỹ), tỷ phú ngành du lịch, được xem là “con át chủ bài” của SURF 2017. Ông là nhà đồng sáng lập của Priceline.com (trang web giúp đặt vé khách sạn và máy bay) và là Tổng Giám đốc điều hành của Ubid.com (trang web thương mại điện tử). Ông cũng là người đỡ đầu cho nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp thành công và là một diễn giả nổi tiếng ở nhiều diễn đàn kinh doanh quốc tế. Trong sự nghiệp của mình, Jeff Hoffman đã thành lập 8 DN khởi nghiệp, trong đó có cả những DN thành công lẫn những DN thất bại. Ông được biết đến với tinh thần phục vụ hết mình vì cộng đồng và khả năng truyền cảm hứng cho các doanh nhân để tạo sự khác biệt.

Mở đầu buổi diễn thuyết kéo dài gần 40 phút tại SURF 2017, ông Hoffman đưa ra định nghĩa: “Nhà khởi nghiệp là người có thể nhìn thế giới bằng con mắt thực tế, có thể tưởng tượng ra một thế giới được vận hành hiệu quả hơn và sẽ mất ăn mất ngủ nếu vẫn chưa khỏa lấp được khoảng cách giữa hai thế giới đó”. Theo tỷ phú này, khởi nghiệp không phải làm điều gì đó to tát; trái lại, khởi nghiệp là nhìn nhận một vấn đề nào đó đang tồn tại trong cuộc sống và tìm cách giải quyết nó. “Các DN sinh ra để giải quyết nhu cầu của khách hàng. Hãy hiểu rằng nó không phải là mục đích mà chỉ là công cụ - một công cụ để khiến mọi thứ tốt hơn, để có tương lai tốt hơn”. Tuy nhiên, ông Hoffman cũng hóm hỉnh cho rằng: “Mọi người đều có ý tưởng, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng biến nó thành hiện thực. Tại sao ư? Tại vì làm lúc nào cũng khó hơn nói!”.

Chia sẻ tại buổi trò chuyện, ông Hoffman nói: “Điều mà các nước đang phát triển từng thiếu là công cụ. Nhưng bây giờ thế giới đã thay đổi, công cụ có mặt ở mọi nơi”. Ông Hoffman chia sẻ: Luôn có một khoảng cách lớn giữa những ý tưởng tuyệt vời và những DN vận hành tốt. Cần phải có một đội ngũ nhân sự với các kỹ năng khác nhau để lấp đầy khoảng cách đó. Ông khuyên những bạn trẻ khởi nghiệp lên một danh sách những điều cần có để DN của mình thành công, cùng một danh sách khác gồm các kỹ năng cần có để thực hiện từng điều trong danh sách đầu tiên; từ đó xây dựng đội ngũ nhân sự theo từng công việc phải thực hiện. “Đừng bao giờ đánh giá thấp vai trò của nhân sự trong khởi nghiệp. Đây là nguồn vốn quan trọng không kém vốn tài chính”, ông Hoffman nói.

Các khách mời trong phiên thảo luận đánh giá cao tiềm năng trở thành điểm đến khởi nghiệp của Đà Nẵng trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp SURF 2017 được tổ chức ngày 21 và 22-7.
Các khách mời trong phiên thảo luận đánh giá cao tiềm năng trở thành điểm đến khởi nghiệp của Đà Nẵng trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp SURF 2017 được tổ chức ngày 21 và 22-7.

Đà Nẵng có đủ tiềm năng để thành điểm đến khởi nghiệp

Lần đầu tiên đến Việt Nam, ông Chinn Lim, chuyên gia trưởng chiến lược của Autodesk (tập đoàn phần mềm đa quốc gia của Mỹ) đã chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân. Ông bị cuốn hút bởi vị trí địa lý của Đà Nẵng cùng vẻ đẹp hài hòa giữa đô thị và thiên nhiên. “Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là con người Đà Nẵng. Tôi đã gặp những bạn trẻ có tài, có tiềm năng và khao khát được học hỏi. Tôi có cảm giác chỉ cần được trao công cụ, họ có thể làm được mọi thứ và thậm chí có thể tạo động lực cho người khác”, ông Chinn Lim chia sẻ.

Theo ông Bobby Liu, Giám đốc cấp cao của Tập đoàn Giáo dục công nghệ Topica, Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á có 3 thành phố lớn với hệ sinh thái khởi nghiệp được phát triển gần như ngang bằng. Trong đó, Đà Nẵng có một lợi thế rất lớn so với những thành phố khác ở lĩnh vực du lịch. “Đây là một điều đáng nghiên cứu để chọn mũi nhọn phát triển cho khởi nghiệp của thành phố này”, ông Liu nói. Bên cạnh đó, lợi thế tự nhiên cũng là điểm thu hút cộng đồng du mục kỹ thuật số (digital nomad) đến với Đà Nẵng. Theo ông Liu, Đà Nẵng chắc chắn cần kết hợp sức mạnh từ cộng đồng này nếu muốn phát triển khởi nghiệp trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và hướng tới thương hiệu “điểm đến khởi nghiệp sáng tạo”, Đà Nẵng cần tận dụng mọi mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước. Ông Chinn Lim nói: “Phải xây dựng được sự hỗ trợ từ chính phủ, những cơ quan công, những tổ chức tư nhân… Các bạn đang có sẵn các nguồn năng lượng lớn, hãy liên kết chúng lại”.

Bên cạnh đó, việc giáo dục về tinh thần khởi nghiệp cũng là điều cần thiết. Chia sẻ kinh nghiệm gần 20 năm làm việc cho các tập đoàn kinh tế và công nghệ thông tin, ông Matt James, quản lý cấp cao, chuyên gia chiến lược tập đoàn công nghệ thông tin Amadeus nói: Hãy tạo một cơ chế cho phép những người khởi nghiệp dám thử cái mới, dám thất bại. Cơ chế đó chính là giáo dục, là tinh thần từ những người đi trước.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.