Thúc đẩy du lịch bền vững

.

Các phiên họp của hội nghị “Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững và các cuộc họp liên quan” trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017 mới đây là cơ hội để 21 nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác, hội nhập trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững.

Tại hội nghị “Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững và các cuộc họp liên quan”, các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thuộc APEC và đại biểu của các tổ chức quốc tế có uy tín trong ngành du lịch đã thảo luận các nội dung xoay quanh các vấn đề phát triển du lịch bền vững trong thế giới đang thay đổi với “Khuyến nghị đối với các nền kinh tế APEC”; kinh nghiệm và tầm nhìn hợp tác phát triển du lịch bền vững APEC với “Hệ thống tiêu chuẩn Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu và các khuyến nghị với APEC”; thông qua Tuyên bố về phát triển du lịch bền vững.

Năm 2017 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) chọn là Năm quốc tế về du lịch bền vững vì sự phát triển. Trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững để đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững trong APEC.

Tại hội nghị đối thoại nói trên, các nhà lãnh đạo và trưởng đoàn phụ trách du lịch APEC thống nhất thông qua Tuyên bố cao cấp về phát triển du lịch bền vững với chủ đề “Thúc đẩy du lịch bền vững châu Á - Thái Bình Dương và bao trùm kết nối”.

Tuyên bố bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC với các vấn đề chính: lồng ghép các nguyên tắc của du lịch bền vững trong tất cả hoạt động du lịch và lữ hành; tôn trọng tính nguyên bản về văn hóa-xã hội của cộng đồng địa phương; sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên môi trường tự nhiên thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch bền vững; khuyến khích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất bền vững trong ngành du lịch; đo lường và giám sát sự thành công của các hành động thúc đẩy du lịch bền vững; nghiên cứu chuyên sâu để thích ứng và tận dụng những công nghệ mới để phát triển du lịch thông minh và bền vững; xây dựng một khuôn khổ hợp tác thống nhất cho hành động chung APEC để bảo đảm tính bền vững của du lịch và lữ hành; tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ tất cả doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiến hành thêm các nghiên cứu để các nền kinh tế APEC có thể thích ứng và tận dụng những thay đổi do các công nghệ mới, tiên tiến đem lại...

Các bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách du lịch của các nền kinh tế APEC nhất trí sẽ báo cáo các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào tháng 11-2017 về tầm quan trọng của việc thúc đẩy du lịch bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), trong năm 2016, các điểm đến thuộc APEC đã thu hút 415 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 6,1% (tương ứng với 24 triệu lượt khách) so với năm 2015. Năm 2016, du lịch và lữ hành đóng góp trực tiếp 1.300 tỷ USD vào GDP của khu vực APEC, tạo ra 67 triệu việc làm trực tiếp (tăng 3,7% so với năm 2015) và 6,1% cho xuất khẩu khu vực...

Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, hội nghị đã thống nhất cao về du lịch bền vững mang tính toàn diện, đi sâu vào bảo vệ môi trường, nền văn hóa bản địa và chú trọng nâng cao thu nhập của người dân ở từng nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã có những chiến lược, chính sách cụ thể đối phó với biến đổi khí hậu và phát triển du lịch bền vững. Du lịch Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ biến đổi khí hậu, nhất là du lịch biển Việt Nam bị tác động trực tiếp. Do đó, trong chiến lược phát triển du lịch, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái được Chính phủ quan tâm đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường và đưa ra bộ tiêu chí giám sát đối với các dự án phát triển ven biển của Việt Nam nhằm bảo vệ tốt môi trường biển.

THU HÀ tổng hợp

;
.
.
.
.
.