Nông dân chuyển đổi ngành nghề hiệu quả

.

Những năm qua, phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn quận Cẩm Lệ diễn ra hết sức sôi nổi. Nông dân đã từng bước chuyển đổi ngành nghề, cùng với tinh thần chịu thương chịu khó, họ đã trở thành những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong điều kiện nông nghiệp đô thị.

Ông Đặng Ngọc Xá (bìa trái) hướng dẫn cho người lao động làm chổi đót đẹp và chất lượng.
Ông Đặng Ngọc Xá (bìa trái) hướng dẫn cho người lao động làm chổi đót đẹp và chất lượng.

Dù là địa phương vừa trải qua quá trình giải tỏa, tái định cư, nông dân bắt đầu chuyển đổi ngành nghề, song phường Hòa Xuân lại có khá nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với các mô hình mới, gắn liền với nông nghiệp đô thị.

Đến thăm mô hình sản xuất và nhân giống hoa lan Mokara Thành Trung của nông dân Lê Thành Trung, Chi hội Nông dân số 15, phường Hòa Xuân, trước mắt chúng tôi là vườn lan xanh mướt, bát ngát; một số luống đã cho ra hoa đủ màu sắc. Anh Trung cho hay, giống lan Mokara được anh nhập trực tiếp từ Thái Lan. Hiện vườn lan của anh Trung khoảng 10.000 cây, trong đó khoảng 4.000 cây ra hoa, mỗi tháng bình quân anh Trung thu nhập 80 triệu đồng. Trong khi đó, mô hình rau mầm của nông dân Phùng Văn Phương, tổ 2C, phường Hòa Xuân cũng cho hiệu quả kinh tế cao với thu nhập bình quân 1 triệu đồng/ngày, trong khi không chiếm quá nhiều diện tích, phù hợp với điều kiện nông nghiệp đô thị.

Cùng với phường Hòa Xuân, nhiều nông dân ở các địa phương khác trên địa bàn quận cũng đã mạnh dạn đầu tư các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Hơn 10 năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Văn Liệu từ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ra phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ông chọn mô hình nuôi gà thương phẩm. Từ 500 con gà ban đầu, đến nay cơ ngơi của ông là trang trại 5.000 con gà thương phẩm, mỗi ngày cho khoảng 4.200 trứng, hằng tháng thu nhập bình quân từ 30-40 triệu đồng, đồng thời góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Hay như mô hình nuôi heo mọi, kết hợp dịch vụ nấu ăn của nông dân Đặng Văn Thuấn, nuôi ếch thương phẩm của ông Nguyễn Văn Diệu, phường Hòa Phát, làm chổi đót của ông Đặng Ngọc Xá, phường Hòa An..., không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Ông Đặng Hữu Quế, Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cho hay, Cẩm Lệ vốn là địa phương chịu nhiều tác động của quá trình giải tỏa đền bù, đất nông nghiệp bị thu hẹp, do đó Hội hết sức trăn trở trong việc chuyển đổi ngành nghề, cây trồng, con vật nuôi cho nông dân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. “Chúng tôi vừa tìm tòi, học tập, sáng tạo các mô hình, vừa liên hệ với các ngành, đơn vị liên quan để tìm cách hỗ trợ cho nông dân về mặt bằng sản xuất, vốn vay, chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật…, làm thế nào để nông dân mình có thể chuyển đổi làm nông nghiệp đô thị, phù hợp với thực tế địa phương, vừa duy trì và phát triển phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo”, ông Quế nói.

Thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn quận Cẩm Lệ có rất nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của hội viên nông dân, trong đó nhiều mô hình đã tạo được thương hiệu như: hợp tác xã nấm Song Phước, giá đỗ Nghi An, Hòa Phát, lan Mokara cắt cành, rau mầm…

Có thể nói, công tác chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với nông nghiệp đô thị của nông dân Cẩm Lệ là hết sức đa dạng. Điều đó đã cho thấy sự sáng tạo của hội viên nông dân trong việc sản xuất, kinh doanh. Ông Đặng Hữu Quế cho hay, trong thời gian đến, dự báo đất nông nghiệp ở quận Cẩm Lệ sẽ tiếp tục bị thu hẹp, nhường chỗ cho các dự án, các công trình. Tuy nhiên, Hội vẫn sẽ nỗ lực để thực sự là chỗ dựa của nông dân, giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề, làm nông nghiệp đô thị, từ đó khẳng định và phát huy tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người nông dân, trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bài và ảnh: Nguyễn Như Ý

;
.
.
.
.
.