Hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước: Cần tháo gỡ khó khăn kịp thời

.

Hiện nay, hoạt động của các hộ kinh doanh, nhất là những hộ nhỏ, lẻ ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước trong tình trạng cầm chừng, doanh thu kém, không đủ để đóng thuế.

Cửa hàng kinh doanh sản phẩm đá mỹ nghệ của ông Quý một ngày chỉ đón được vài lượt khách vào xem hàng.
Cửa hàng kinh doanh sản phẩm đá mỹ nghệ của ông Quý một ngày chỉ đón được vài lượt khách vào xem hàng.

Đìu hiu các hộ nhỏ lẻ

Dọc tuyến đường Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) hiện có hàng chục cửa hàng sản xuất, kinh doanh đồ mỹ nghệ, các sản phẩm chế tác từ đá. Nằm ở gần cuối đường là cửa hàng của ông Huỳnh Đăng Quý (60 tuổi).

Ông Quý cho biết, ông kinh doanh nghề đá gần 40 năm, làm ăn ngày càng khó khăn, nhất là những năm gần đây, kinh doanh ế ẩm nhưng nếu bỏ nghề lại không biết làm gì nên vẫn cố duy trì. Những năm trước cửa hàng còn có biển hiệu lớn với cái tên Đăng Khoa, năm ngoái bị hư, làm ăn không được, ông Quý cũng không thiết tha gì việc sửa và đặt lại biển hiệu.

Đang nói chuyện với chúng tôi, có 4 người khách nước ngoài ghé vào quầy, với một ít vốn liếng tiếng Anh “bồi” tích lũy qua chừng ấy năm, ông Quý nhanh nhẹn mời chào khách mua hàng. Sau một hồi nâng lên, đặt xuống các sản phẩm, 4 vị khách bỏ đi không mua gì. Ông Quý buồn buồn bảo: “Mở hàng sáng ni rứa là xong rồi đó. Mấy năm ni có buôn bán được chi mô. Khách vô mất công giữ hàng. Đến cả thuế cũng chê, không thèm xuống kiểm tra nữa là biết rồi”. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, ông Quý giải thích: “Ngày trước cứ đầu năm, cán bộ thuế xuống đánh dấu sản phẩm để kiểm tra số lượng bán ra, nay xuống mấy lần thấy vẫn còn nguyên nên thôi không xuống nữa”.

Nằm kế bên, cơ sở đá mỹ nghệ Vũ Hồng cũng cùng chung cảnh đìu hiu. Chị Phạm Thị Hồng, chủ cơ sở cho biết, gần 2 năm nay, mặt hàng đá mỹ nghệ cũng bão hòa rồi. Các cơ sở lớn ở đường Trường Sa mới làm ăn được, còn những hộ nhỏ lẻ như chị và ông Quý thì chịu. “Kinh doanh bây chừ thất thường lắm, có khi 2 - 3 ngày liên tục đều có khách nhưng có lúc 10 ngày, nửa tháng không bán được sản phẩm nào. Bữa nay, cơ quan thuế phường cũng thư thư ra bớt chuyện đóng thuế rồi; họ biết mình kinh doanh không được”, chị Hồng chia sẻ.

Tìm đến các cửa hàng ở đầu đường Huyền Trân Công Chúa, nằm ngay dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, tình hình có khá hơn. Các cơ sở ở đây tấp nập hơn hẳn, nhưng theo bà Đúng, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Phú Quý (có hơn 30 năm trong nghề) vài năm trở lại đây doanh thu cũng giảm sút hẳn, khách tham quan chủ yếu đi theo đoàn, các cơ sở lớn bao tour để bán hàng hết rồi. Sợ buôn bán không được nên số lượng hàng nhập về ở cơ sở của bà Đúng cũng ít hơn hẳn, riêng các loại tượng đá lớn hầu như không có.

Kinh doanh của các hộ nhỏ, lẻ không mấy hiệu quả, doanh thu giảm sút khiến những người hành nghề phụ trợ cho làng đá như anh Cư, chủ cơ sở chuyên đóng thùng hàng cho các đơn vị trong làng đá cũng gặp khó. Chúng tôi gặp anh Cư khi anh đang đóng dở kiện hàng gồm 6 chiếc lư đá của Công ty TNHH MTV Trinh Chính (phường Hòa Hải) chuyển đi Thành phố Hồ Chí Minh.

Với 14 năm trong nghề, anh Cư có mối quan hệ làm ăn với trên 20 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ trong phường Hòa Hải. Anh Cư cho biết, mấy năm trước hợp đồng nhiều lắm, có khi làm không xuể nhưng từ năm 2016, nhất là đầu năm 2017 đến nay, hợp đồng giảm sút hẳn, làm ăn không còn phát đạt như trước.

Cảnh đìu hiu tại cơ sở kinh doanh đá mỹ nghệ Vũ Hồng trên đường Huyền Trân Công Chúa.
Cảnh đìu hiu tại cơ sở kinh doanh đá mỹ nghệ Vũ Hồng trên đường Huyền Trân Công Chúa.

Nguồn thu eo hẹp

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đội trưởng Đội Thuế phường Hòa Hải, Làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay có khoảng trên 400 đơn vị chuyên sản xuất, chế tác và kinh doanh các sản phẩm đá mỹ nghệ, trong đó chỉ có 5-6 doanh nghiệp, còn lại là hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Theo quy hoạch, từ năm 2015 có 300 hộ sản xuất, chế tác đá đã tập trung vào làng nghề đá, số còn lại hoạt động kinh doanh chủ yếu trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa và Trường Sa. Ông Sơn cho biết, hiện nay hoạt động kinh doanh ở làng đá mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn, ngoài một số cơ sở lớn như các cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Xuất Ánh, Út Lan, Nguyễn Hùng… có số thuế nộp hằng năm vài trăm triệu đồng thì số hộ kinh doanh cá thể nghề đá có doanh thu èo uột.

Số thuế thấp nhất phải đóng hằng tháng vào khoảng 378.000 đồng/hộ/tháng; hộ khấm khá hơn thì khoảng 900.000 đồng/hộ/tháng. Còn lại trung bình từ 400.000-600.000 đồng/hộ/tháng. Thời gian trước, số thu từ Làng đá mỹ nghệ chiếm gần 50% tổng thu thuế công thương nghiệp-ngoài quốc doanh (CTN-NQD) trên địa bàn phường, nay số thu này đã giảm hẳn.

Sáu tháng đầu năm 2017, thuế CTN-NQD của phường Hòa Hải đã đạt 70% dự toán, nhưng trong đó hơn 50% là nguồn thu khai thác từ hoạt động xây dựng tư nhân, nguồn thu từ làng đá không đáng kể. Bà Lê Thị Đợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn nhìn nhận, hai năm trở lại đây nguồn thu từ Làng đá mỹ nghệ Non Nước giảm sút hẳn, việc khai thác nguồn thu cũng gặp nhiều khó khăn.

Lý giải tình hình trên, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, do Làng đá mỹ nghệ đang trong giai đoạn chưa ổn định sau thời gian giải tỏa, quy tụ vào làng nghề; nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn về vốn để đầu tư cơ sở vật chất. Ngoài ra, việc cạnh tranh với các sản phẩm mỹ nghệ nhập từ các địa phương khác và của Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở.

Hiện nay, Làng đá mỹ nghệ Non Nước mới chỉ chú trọng sản xuất, chế tác các sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ, chưa đầu tư mặt hàng trang sức, quà lưu niệm. Trước đây, cũng có một số cơ sở đúc tượng kích thước nhỏ, làm lưu niệm nhưng nay không còn vì giá bán ra không cạnh tranh được với thị trường. Để hỗ trợ các hộ kinh doanh, thành phố và quận có chủ trương miễn tiền thuê đất 3 năm đầu tiên cho các cơ sở, giảm thuế…

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.