Hướng mở mới cho giao thông

.

Thời gian gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra nhanh chóng. Cùng với sự phát triển nhanh trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ là tốc độ tăng số lượng phương tiện xe cơ giới, ô-tô gần 12%/năm, xe máy tăng gần 8%/năm. Sự phát triển này bắt đầu gây áp lực nặng lên hạ tầng giao thông thành phố và không gian công cộng.

Hầm chui phía tây Sông Hàn được đưa vào hoạt động.		Ảnh: THÀNH LÂN
Hầm chui phía tây Sông Hàn được đưa vào hoạt động. Ảnh: THÀNH LÂN

Quỹ đất bề mặt dành cho giao thông của thành phố rất hạn chế; không gian xanh, không gian công cộng ngày một thu hẹp. Do vậy, việc khai thác không gian ngầm giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất nhằm hướng đến xây dựng thành phố an bình, văn minh và hiện đại. Ngành giao thông thành phố đã tham mưu xây dựng hầm chui phía tây cầu Sông Hàn (đã hoàn thiện và thông xe ngày 30-4 vừa qua) và nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ là 2 dự án giao thông ngầm tiên phong trên địa bàn, khởi đầu cho sự phát triển hạ tầng giao thông ngầm mang tầm nhìn chiến lược, giải pháp đột phá cho giao thông đô thị thành phố. Hai công trình này sẽ cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường tại khu vực nút, đồng thời phục vụ tốt việc tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017...

Khai thác không gian ngầm cho phát triển và chỉnh trang đô thị là xu hướng tất yếu của phát triển đô thị hiện đại, hướng tới phát triển bền vững. Sự phát triển vượt bậc của đô thị thành phố không thể tách rời việc khai thác không gian ngầm với các lợi ích như nâng cao hiệu quả sử dụng mặt đất, giải quyết được vấn đề mật độ tập trung quá cao tại các khu trung tâm, tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, thực hiện phân lớp giao thông dễ dàng...

Đây là tiền đề quan trọng để phát triển mạng lưới không gian ngầm. Để làm được điều này, thành phố cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên nguyên tắc mạng lưới giao thông phải đi trước một bước theo hướng hiện đại hóa và làm tiền đề cho sự phát triển đô thị, thu hút các nguồn đầu tư.

Quy hoạch giao thông đô thị phải gắn với quy hoạch sử dụng đất; bổ sung nội dung định hướng quy hoạch phát triển giao thông ngầm, giao thông trên cao vào quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lê Văn Trung cho biết: “Ngoài hai dự án hầm chui phía tây cầu Sông Hàn và nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ đã được triển khai, Sở GTVT cũng đã đề xuất thành phố đầu tư cải tạo một số nút giao thông trọng điểm theo phương án giao khác mức dạng hầm chui như nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý - 2 Tháng 9 - Duy Tân, nút giao thông phía tây cầu Rồng, nghiên cứu công trình hầm qua sông Hàn và đã được UBND thành phố thống nhất…

Đồng thời, Sở GTVT phối hợp với Sở Xây dựng triển khai quy hoạch không gian ngầm; trong đó lồng ghép, nghiên cứu quy hoạch hệ thống giao thông ngầm thành phố theo hướng phân kỳ đầu tư như: giai đoạn từ nay đến năm 2020 tập trung xây dựng hầm chui tại một số nút giao thông khu vực trung tâm và các bãi đỗ xe ngầm (bãi đỗ xe ngầm tại khu vực nút giao Trần Cao Vân - Đống Đa - Ông Ích Khiêm).

Giai đoạn sau năm 2020 tính đến tuyến đường hầm qua sân bay; xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nhằm kết nối 3 khu đô thị tập trung của thành phố là khu đô thị phía bắc, khu đô thị trung tâm và khu đô thị phía nam; hầm chui dành cho người đi bộ tại một số vị trí khu vực trung tâm thành phố...

Kinh nghiệm thực tiễn từ các nước cho thấy, việc xây dựng hệ thống giao thông ngầm là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Khai thác không gian ngầm khá tốn kém, quá trình xây dựng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt đô thị nhưng hiệu quả mang lại rất lớn cho các thành phố đang phát triển nhanh như Đà Nẵng. Vì vậy, cần tìm ra các mô hình hiệu quả trong việc khai thác không gian ngầm.

THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.