.

Thiết kế cảnh quan sông Hàn: Hành động nhanh với ý tưởng mới

.

Xung quanh cuộc thi quốc tế về quy hoạch và thiết kế cảnh quan sông Hàn, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng: “Cuộc thi khai mở nhiều ý tưởng hay về thiết kế cảnh quan sông Hàn. Những ý tưởng này thực sự là tài sản cho hoạt động quy hoạch và thiết kế đô thị”.

Ông Huy cũng lo lắng khi những ý tưởng từ những cuộc thi đáng “đồng tiền bát gạo” lại đóng gói vào ý tưởng mà chậm hành động, đưa vào thực tiễn. Nhận định của KTS Hoàng Quang Huy được lãnh đạo thành phố ghi nhận khi thành lập tổ công tác về quy hoạch - kiến trúc sông Hàn.

Quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn được hiện thực hóa bởi giải pháp công trình và phi công trình. Những ý tưởng mới, sáng tạo gợi mở sau cần nghiên cứu thực hiện ngay.

TS.KTS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, vốn có nhiều đề tài nghiên cứu về đô thị Đà Nẵng chỉ rõ cái thiếu đang diễn ra ở sông Hàn. KTS Đỗ Tú Lan đề nghị quy hoạch phát triển không gian hai bên bờ sông Hàn theo quan điểm sinh thái; trong đó phải khắc phục được những bất hợp lý như mật độ xây dựng dày đặc, không gian xanh quá ít.

Nhìn vào thực tế sông Hàn, các nhà tư vấn thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị khẩn thiết đề nghị Đà Nẵng cần hành động để tạo môi trường sinh thái cho đô thị. Sông Hàn được ví như cơ thể sống. Chiến lược tổng thể bù đắp thiên nhiên cho sông Hàn là khôi phục và kết nối các hệ sinh thái ven sông thành một hệ liên hoàn, thống nhất cho tổng thể lưu vực sông Hàn nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó các trận mưa cực lớn hoặc bão (ngập đô thị).

Xây dựng thành phố Đà Nẵng thành một cơ thể thống nhất dựa trên nền tảng khôi phục hệ sinh thái và kết nối khu vực phía sông Cẩm Lệ, Cổ Cò lên phía bắc bán đảo Sơn Trà mang ý nghĩa phát huy, bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái bản địa. Khôi phục giá trị trung tâm của sông Hàn dựa trên nền tảng sinh thái môi trường, biến sông Hàn trở thành yếu tố liên kết giữa đô thị cũ và mới hai bên bờ sông thành một đô thị thống nhất. Kết nối lõi trung tâm kinh tế và mật độ hoạt động được tập trung ở khu vực giữa cầu Sông Hàn và cầu Trần Thị Lý, giãn dần mật độ này về khu vực phía nam và cửa sông. Biến khu vực ngã ba sông thành trung tâm phát triển bền vững như trái tim điều tiết sự sống.

Nhóm đề án khác cũng nhìn thấy sự cần thiết khắc phục độ thô ráp của dòng sông hiện nay để thiết kế cảnh quan. Ý tưởng chính vẫn dựa trên sự liên tục của đường bờ sông và lối đi bộ “Riverwalk” như một “dòng chảy xanh”, kết hợp những cây cầu mới cùng những công trình mang hình ảnh của dòng sông với ngôn ngữ của kiến trúc hiện đại hòa quyện cùng cảnh quan tự nhiên.

Đường đi dạo xanh ven bờ là cơ sở để đồng nhất hóa tính đa dạng của khu vực, những công trình ven sông ở bờ tây sông Hàn và công viên ở bờ đông sông Hàn. Cảnh quan xanh ven sông Hàn cần sự kết nối tinh tế khi kết hợp cùng Công viên Châu Á và Trung tâm Thể thao Tiên Sơn, Vườn Bách Thảo, Trung tâm nghệ thuật và trình diễn sẽ là điểm vui chơi lý thú cho mọi lứa tuổi, mọi gia đình và cộng đồng.

Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn với khung cảnh sơn thủy hữu tình vừa đậm dấu ấn làng quê Việt, vừa mang màu sắc Phật giáo sẽ là một điểm dừng giữa cuộc sống đô thị vội vã để con người kết nối với chính mình và văn hóa cội nguồn.

Một hệ thống tuyến đường xanh sẽ mang đến những con phố đi bộ rợp bóng cây xanh và những dòng mương sinh thái để dẫn lối cho cư dân cũng như những giọt nước mưa đến với sông Hàn.

Ở nơi sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng, hình thành khu bảo tồn thiên nhiên cửa Hàn là một rừng dừa nước, vốn một thời phổ biến nơi đây, để giúp nâng cao chất lượng nước, làm phong phú trở lại hệ sinh thái vịnh biển và tạo ra không gian xanh rộng lớn ngay thềm cửa trung tâm mới của thành phố.

Theo các nhà tư vấn Omg-Designers - Boydens - Hydroscan - Huni Architectes - Ney&Partnerrs, chính quyền Đà Nẵng cần thành lập “Quỹ phát triển Xanh” để đầu tư phát triển không gian xanh ven sông Hàn. Hiện nhiều quốc gia, nhiều đô thị lớn trên thế giới đều cho ra đời “Quỹ phát triển Xanh” để tôn tạo cảnh quan đô thị. Việc phát triển không gian xanh ven sông Hàn không chỉ tạo cảnh quan đơn thuần mà vùng xanh có giá trị kinh tế. Theo đó, cộng đồng dân cư ven sông, nhà đầu tư các dự án ven sông trực tiếp hưởng lợi từ không gian cảnh quan sông Hàn đem lại.

Nguồn lực cho “Quỹ phát triển Xanh” cho sông Hàn từ kinh nghiệm quốc tế để Đà Nẵng áp dụng là tính diện tích sử dụng đất khu vực ven sông, đặt biệt tính diện tích mét vuông công trình xây dựng để thu phí.

Sông Hàn và không gian cảnh quan hai bên bờ sông được kỳ vọng sẽ trở nên độc đáo, hấp dẫn hơn nữa, góp phần xây dựng thương hiệu cho Đà Nẵng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường mạnh mẽ, bền vững.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.