.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

.

Thúc đẩy phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là hoạt động trọng tâm mà ngành khoa học - công nghệ, các trường đại học, cao đẳng đang thực hiện trong năm nay. Nhiều ý tưởng, mô hình khởi nghiệp bước đầu được hình thành; nhiều thanh niên có ý chí lập thân, lập nghiệp, qua đó góp phần cùng thành phố tạo hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

Trần Phương Thảo và Nguyễn Thị Hồng Hạnh đang hoàn chỉnh ứng dụng Du lịch trên điện thoại App ScooTour.
Trần Phương Thảo và Nguyễn Thị Hồng Hạnh đang hoàn chỉnh ứng dụng Du lịch trên điện thoại App ScooTour.

Bắt đầu từ ý tưởng

Trần Phương Thảo (sinh viên năm thứ hai, khoa Du lịch, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) và Nguyễn Thị Hồng Hạnh (sinh viên năm thứ hai, khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh) hiện là chủ ứng dụng ScooTour - Trải nghiệm du lịch cùng sinh viên bản địa.

Ngoài việc đi học tại trường, Thảo và Hạnh còn dạy thêm tại các trung tâm tiếng Anh, đặc biệt là tập trung hoàn thiện dự án. Thảo cho biết, dịch vụ ScooTour hướng đến cung cấp những dịch vụ du lịch mang tính địa phương; đồng thời tạo môi trường du lịch thân thiện, giúp sinh viên phát triển kỹ năng tiếng Anh.

Ứng dụng ScooTour được thiết kế từ cảm hứng ứng dụng gọi xe taxi Uber và trải nghiệm du lịch từ thành viên trong nhóm. Với tính năng dễ sử dụng trên điện thoại, ScooTour được kỳ vọng mang đến dịch vụ du lịch tự túc với độ linh động cao cùng với những sinh viên bản địa cho khách du lịch đến với những đất nước có văn hóa đi lại bằng xe máy.

Thảo và Hạnh cho biết, trước khi hoàn thiện dự án này, nhóm vẫn thường xuyên đưa khách đi du lịch tại các khu, điểm trên địa bàn thành phố bằng xe máy, và dĩ nhiên là miễn phí. Theo kế hoạch, năm 2018, nhóm sẽ bắt đầu đưa dịch vụ này vào hoạt động, hy vọng trong 2 năm tiếp theo có thể đưa dịch vụ ScooTour ra thị trường.

Ngoài ứng dụng ScooTour, dự án nuôi trồng giun quế và các chế phẩm sinh học từ giun quế của Lê Diễm (sinh viên năm thứ tư, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) cũng là dự án có ý tưởng tốt. Diễm sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, chị gái là kỹ sư nông nghiệp nên đây cũng là động lực để cô hình thành ý tưởng và triển khai dự án nuôi giun quế.

Nhóm Diễm cho biết, việc dùng phân trùn quế trồng rau sạch mang lại các lợi ích như: rau vừa sạch lại vừa ngon, phân trùn quế còn giúp cải tạo lớp đất nền trồng giúp đất tốt hơn. Hiện dự án của nhóm Diễm được nhiều doanh nghiệp mời đầu tư, hợp tác và phát triển. Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Duy Tân, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố đã và đang triển khai nhiều hoạt động đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh, kết nối việc làm để hỗ trợ kinh doanh cho thanh niên lập thân, lập nghiệp. Cũng từ đây, nhiều ý tưởng kinh doanh như bán bánh mì, trà sữa, cà-phê vỉa hè… ra đời, nhen nhóm trong sinh viên, thanh niên tinh thần khởi nghiệp.

Đồng hành với giấc mơ khởi nghiệp

Khởi nghiệp sáng tạo là một chặng đường dài. Để biến ý tưởng thành hiện thực đòi hỏi nhiều yếu tố như: sự đam mê, tài chính và năng lực khởi nghiệp. Vì vậy, ngay từ khi phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo, và thậm chí trước đó, các trường ĐH, CĐ đã đồng hành với sinh viên trong việc ươm tạo tư duy, thúc đẩy khát khao khởi nghiệp.

Anh Lê Đình Quang Phúc, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế nhìn nhận, việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cần cộng đồng chung sức; quan trọng nhất là các trường cần liên kết với nhau, có thể tạo thành những nhóm khởi sự, khởi nghiệp để có những dự án khởi nghiệp mang tính hoàn thiện.

Ngoài ra, các dự án khởi nghiệp trong sinh viên cũng rất cần sự hỗ trợ về vốn và các chính sách liên quan. Bí thư Đoàn Trường ĐH Duy Tân Phạm Trung Tuyên cũng cho rằng, khởi nghiệp là một quá trình dài; vì vậy, nhà trường phải định hướng cho sinh viên thấy ý nghĩa thực sự của khởi nghiệp; đồng thời phải thể hiện vai trò là cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp, tạo cho sinh viên tiếp xúc, cọ xát môi trường kinh doanh và doanh nghiệp.

Theo tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp bền vững của cả nước với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hệ thống pháp lý hoàn thiện, môi trường đầu tư và sản xuất - kinh doanh thuận lợi. Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đang cùng các sở, ban, ngành thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn thành phố.

Trong đó, sẽ tập trung xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức sự kiện về khởi nghiệp; phát triển hoạt động đào tạo nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp; phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng các chương trình truyền thông; kết nối mạng lưới khởi nghiệp; tìm kiếm nhà đầu tư và đối tác, tiếp cận thị trường nước ngoài; hỗ trợ tiếp cận các nguồn kinh phí, nguồn tài trợ, hỗ trợ…, làm sao cùng thành phố xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.