.
Diễn đàn "Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị"

Sớm có lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân

.

* Chị Hoàng Trà Vinh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu): Tham khảo giải pháp của các nước khác

Hiện nay, tình trạng giao thông ở các thành phố lớn của nước ta nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng còn lộn xộn. Mặc dù việc sử dụng các phương tiện cá nhân rất tiện lợi nhưng không bao lâu nữa ùn tắc giao thông sẽ trở nên trầm trọng, nhất là khi các phương tiện đăng ký mới ngày càng tăng mạnh.

Vì vậy, việc đưa ra đề án hạn chế đăng ký, sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân trong khu vực nội thành ngay lúc này là rất cần thiết nếu không muốn trả giá đắt trong tương lai gần. Tuy nhiên, thành phố cũng cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ khi thực hiện đề án để không gây xáo trộn cuộc sống của người dân và không làm phát sinh những vấn đề lớn cho xã hội.

Tại các giao lộ chính, các phương tiện vẫn lưu thông khá lộn xộn.                              Ảnh: THÀNH LÂN
Tại các giao lộ chính, các phương tiện vẫn lưu thông khá lộn xộn. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo tôi, để thực hiện tốt đề án này, ngoài việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, thành phố cần tham khảo một số nước trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện tốt việc giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện sống của người dân nhằm tạo sự đồng thuận cao.

Đ.L ghi

* Lê Tân Lập, sinh viên năm 4, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng: Sớm có phương án giảm phương tiện giao thông cá nhân

Thời gian gần đây, cùng với việc gia tăng dân số, lưu lượng xe máy trong nội thành ngày càng tăng cao. Đặc biệt, do đời sống của người dân thành thị được nâng cao và thời tiết thất thường nên người dân lựa chọn mua ô-tô nhiều hơn.

Trong khi đó, việc nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng không theo kịp với sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đã làm đường sá nhanh chóng xuống cấp và thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Vì vậy, nếu không có phương án giảm phương tiện giao thông cá nhân ngay từ bây giờ thì không bao lâu nữa, tình trạng ùn tắc giao thông ở Đà Nẵng cũng sẽ giống các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Theo tôi, thành phố Đà Nẵng cần sớm đưa ra lộ trình cắt giảm phương tiện giao thông cá nhân, không chỉ đối với xe máy mà còn cả ô-tô; đồng thời có kế hoạch điều tiết, giảm tải lưu lượng giao thông trong nội thành. Song song đó, ưu tiên tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường chật hẹp trong nội thành và quy hoạch, mở rộng đường giao thông ở các khu đô thị mới hiện đại, thông thoáng hơn.

Đ.L ghi

* Ông Đinh Bảy (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ): Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Tôi nghĩ rằng việc hạn chế xe máy vào nội thành sẽ giảm vấn nạn kẹt xe và góp phần bảo vệ môi trường, tạo đường thông hè thoáng. Bên cạnh đó, theo tôi, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện nhanh ở khắp các quận, huyện sẽ tạo nên những tuyến xe thường xuyên, thông suốt, rộng khắp, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương với khu vực trung tâm thành phố.

Thiết nghĩ, thành phố cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng loại phương tiện này. Song song đó, thành phố cần có chủ trương giãn các cơ quan hành chính, các trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí ra các vùng phụ cận. Như vậy, sẽ hạn chế được lưu lượng xe vào trung tâm thành phố, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.

ĐẶNG NỞ ghi

* Bà Đỗ Nguyễn Kiều Trinh, Trường THPT Thanh Khê: Xây dựng hệ thống giao thông công cộng chất lượng, thuận tiện

Theo tôi, việc “tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” là cần thiết nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một lộ trình phát triển bền vững của thành phố.

Tuy nhiên, người dân Đà Nẵng hiện vẫn chưa có thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Vì vậy, muốn thay đổi thói quen này, trước tiên, thành phố cần xây dựng hệ thống giao thông công cộng chất lượng, thuận tiện, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân.

Bên cạnh đó, thành phố cũng nên tạo nhiều điều kiện để người dân tiếp cận phương tiện giao thông công cộng, như: mở rộng các tuyến xe buýt đến nhiều cung đường khác nhau, trợ giá, cung cấp vé tháng, ưu tiên cho một số đối tượng… Khi nhận thấy lợi ích tích cực từ phương tiện giao thông công cộng, người dân sẽ từ từ thay đổi thói quen.

* Bà Đặng Thị Sơn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền: Tuyên truyền nâng cao văn hóa giao thông

Để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào nội thị hiệu quả, bên cạnh những giải pháp đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông, công tác quy hoạch, quản lý…, theo tôi, thành phố cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao văn hóa giao thông cho người dân. Điều cốt lõi trong tham gia giao thông là yếu tố con người. Lái xe nhanh hay chậm, có chấp hành Luật Giao thông đường bộ hay không… đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông.

Do đó, trước khi thay đổi thói quen sử dụng phương tiện tham gia giao thông, chúng ta cần nâng cao nhận thức, văn hóa giao thông để giảm ùn tắc, hạn chế hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Văn hóa giao thông phải được xây dựng ngay từ nhỏ, trong mỗi gia đình, nhà trường bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau. Đồng thời, cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm tính răn đe, giáo dục.

NAM BÌNH ghi

;
.
.
.
.
.