.
Diễn đàn "Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị"

Khuyến khích đi bộ, tăng sử dụng xe đạp

.

* Ông Lê Xuân Quang, 67 tuổi, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu): Ủng hộ chủ trương hạn chế đi xe máy trong nội thị

Hầu hết người dân đi lại bằng xe máy. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Hầu hết người dân đi lại bằng xe máy. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Tôi ủng hộ chủ trương hạn chế đi xe máy trong nội thị nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông. Thời gian qua, mật độ lưu thông bằng xe máy trong thành phố tăng nhanh, gây quá tải đối với hạ tầng giao thông. Do đó, chủ trương hạn chế đi xe máy trong nội thị là đúng.

Để thực hiện chủ trương này, thành phố cần đầu tư phát triển mạnh mạng lưới xe buýt. Trước hết, cần sớm thiết lập các tuyến xe buýt phục vụ công sở, trường học và tổ chức cho cán bộ, công nhân, viên chức làm việc giờ hành chính, học sinh từ lớp 9 trở lên sử dụng phương tiện công cộng này.

Kế đến là tổ chức các tuyến xe buýt phục vụ nhu cầu đi chợ hằng ngày của người dân. Đồng thời, đề nghị thành phố nên xem xét đưa bớt một số khu chung cư, chợ, trường học ra ngoại thành.  

* Ông Võ Đình Thạc, 70 tuổi, đường Huỳnh Tấn Phát, quận Hải Châu: Chưa nên thực hiện hạn chế đi xe máy trong nội thị

Đa số nhân dân thành phố Đà Nẵng đi lại bằng xe máy, chỉ thiểu số có ô-tô và rất ít người sử dụng xe đạp. Trong khi đó, hiện nay, mạng lưới xe buýt chưa phủ kín địa bàn thành phố, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.

Vì vậy theo tôi, thành phố cần đầu tư phát triển rộng khắp hệ thống xe buýt mới thực hiện hạn chế việc đi xe máy. Người dân không thể đi bộ một quãng đường khá xa để đến trạm xe buýt. Khi chưa có những tuyến xe buýt ngắn với điểm đón gần nhà, người dân sẽ đi xe máy và chắc chắn phải đi xe máy.

* Bà Lê Thị Đoan, 52 tuổi, ở phường Hòa Khê (quận Thanh Khê): Tuyên truyền sâu rộng trước khi thực hiện hạn chế đi xe máy

Theo tôi, một bộ phận nhân dân, nhất là người lao động phổ thông, người ít có điều kiện đọc báo, nghe đài chưa hiểu rõ việc đi xe máy có thể gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như thế nào.

Học sinh, sinh viên là bộ phận chiếm tỷ lệ lớn tham gia giao thông trong nội thị cũng chưa nhận thức đúng hậu quả do quá tải phương tiện xe máy. Phần lớn cha mẹ khi có con học đến lớp 7, lớp 8 đã lo sắm xe máy điện cho con đi học, hoặc khi con vào đại học, cao đẳng thì lo mua xe máy cho con làm phương tiện đi lại…

Tôi đề nghị thành phố tuyên tuyền thật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về tác hại của việc quá tải xe máy trong nội thị. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc lưu thông bằng xe buýt và phát triển hệ thống xe buýt rộng khắp.

LÊ VĂN THƠM ghi

* Anh Nguyễn Văn Thành, tổ 21, Hòa Khánh Nam (kỹ sư xây dựng, Công ty CP Xây dựng Phú Đà Thành, Quảng Nam): Cần phải có lộ trình cụ thể

Hiện tượng ùn tắc giao thông tại Đà Nẵng chỉ mới xảy ra cục bộ ở một số điểm và một số thời điểm trong ngày, còn lại nhìn chung hạ tầng giao thông hiện nay hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đi lại của cả phương tiện cá nhân lẫn công cộng.

Tuy nhiên, theo tôi, việc ngay bây giờ cần tính đến là phương án hạn chế phương tiện cá nhân, cụ thể là xe máy ở khu vực nội thành. Tuy nhiên, việc làm này cần phải có lộ trình để người dân lẫn cơ quan chuyên môn không bị “sốc” khi thay đổi và đáp ứng loại hình giao thông mới có tính hiện đại hơn.

Để làm việc này cần tiến hành đánh giá khảo sát thật cẩn thận cũng như có tính dự báo về nhu cầu đi lại của người dân, du khách. Bước tiếp theo là cần tuyên truyền rộng rãi, “thẩm thấu” đến tất cả các đối tượng trong xã hội. Song song đó cần đầu tư phương tiện, các trạm dừng, đón bảo đảm thuận lợi cho người dân với mức giá vé tiết kiệm hơn sử dụng phương tiện cá nhân.

T.S ghi

* Chị Trương Diễm Châu (35 tuổi, nhân viên văn phòng): Khuyến khích đi bộ, tăng sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng

Để hướng đến môi trường giao thông văn minh trong tương lai, Đà Nẵng nên có những phương án khuyến khích người dân tích cực đi bộ, tăng sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng như xe buýt nhanh.

Muốn làm được như vậy, thiết nghĩ lãnh đạo thành phố nên chú trọng phân luồng giao thông và quy hoạch đô thị tốt hơn nữa (cơ quan, công sở, trường học, chung cư tập trung, không rải rác, tránh gây trở ngại cho việc bố trí tuyến đường xe buýt).

Xe buýt phải sạch sẽ, trang bị đầy đủ thiết bị, đồ dùng cần thiết. Đội ngũ nhân viên trên xe và tài xế phải được đào tạo về thái độ phục vụ, tập huấn xử lý những trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm. Tên tuyến xe phải ghi rõ ở trước mặt và bên hông xe buýt để người dân dễ dàng đón đúng tuyến mình cần. Ngoài ra, thành phố cần quy hoạch vỉa hè thông thoáng để người dân có thể đi bộ thuận tiện, an toàn. Có chế tài nặng hơn đối với hành vi chiếm dụng vỉa hè.

T.H ghi

;
.
.
.
.
.