.

Thịt nhập khẩu tiêu thụ mạnh

.

Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ mạnh các loại thịt gia súc, gia cầm với hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Việc tăng nguồn thịt từ nước ngoài giúp người dân có thêm sự lựa chọn. Song, khâu kiểm soát chất lượng cần được chú trọng để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Các siêu thị tại Đà Nẵng bổ sung khoảng 10% thịt nhập khẩu để khách hàng có thêm sự lựa chọn.
Các siêu thị tại Đà Nẵng bổ sung khoảng 10% thịt nhập khẩu để khách hàng có thêm sự lựa chọn.

Hiện nay, các siêu thị, nhà bán lẻ trên địa bàn Đà Nẵng luôn có nguồn thịt nhập khẩu đa dạng nguồn gốc từ châu Âu, Úc, Mỹ, Brazil, New Zealand, Hàn Quốc... phục vụ người tiêu dùng. Các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng tiêu thụ số lượng lớn các loại thịt heo, bò, cừu, dê, gà... từ các quốc gia nói trên. Theo Chi cục Thú y thành phố, nếu năm 2014, Đà Nẵng chỉ nhập hơn 7.000 tấn thịt đông lạnh các loại thì năm 2015 số lượng tăng gần 10.000 tấn. Riêng 9 tháng đầu năm nay, tổng lượng thịt đông lạnh nhập trên 11.400 tấn. Ước tính năm 2016, lượng thịt nhập về Đà Nẵng có thể lên tới 15.000 tấn.

Chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2017, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã chuẩn bị tăng lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu để dự trữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Trong tổng lượng thịt nhập khẩu, nhiều nhất vẫn là thịt gà đông lạnh (9 tháng đầu năm chiếm trên 10.000/11.400 tấn; còn lại là heo, trâu, bò, cừu...). Tuy nhiên, đây chỉ là lượng thịt nhập khẩu chính ngạch, còn thịt nhập bằng đường tiểu ngạch và các nguồn không chính thống (nhất là sản phẩm nội tạng động vật) từ Trung Quốc vào Việt Nam thì chưa thống kê hết. Điều này cho thấy, sức tiêu thụ thịt tại Đà Nẵng rất lớn, trong khi nguồn cung trong nước chưa đa dạng và đáp ứng đủ.

Những năm trước, thịt đông lạnh nhập về Cảng Đà Nẵng chỉ chiếm khoảng 30%. Song, từ đầu năm 2016 đến nay, lượng thịt qua cảng chiếm tới 50% tổng số lượng thịt nhập về Đà Nẵng. Ghi nhận từ thị trường cho thấy, thịt nhập khẩu hiện nay có hai loại: bình dân và cao cấp. Loại cao cấp chủ yếu nhóm thịt gia súc như bò, cừu, nai tiêu thụ trong các nhà hàng, siêu thị. Loại cấp thấp đa phần là nội tạng trâu, bò, heo; chân, cánh gà vào các chợ, quán nhậu bình dân...

Qua khảo sát của chúng tôi, giá thịt gà nhập ngoại rẻ hơn so với hàng trong nước. Cụ thể, cánh gà khoảng 55.000 đồng/kg, đùi gà góc tư khoảng 55.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi giá sản phẩm cùng loại trong nước cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Riêng một số loại thịt cao cấp như thịt ba chỉ bò Mỹ giá 250.000 - 260.000 đồng/kg; sườn bò rút xương Prime Mỹ 950.000 đồng/kg; thịt thăn nội bò Úc gần 600.000 đồng/kg; sườn cừu Úc từ 450.000 - 1 triệu đồng/kg (tùy loại); thịt nai New Zealand giá 2 triệu đồng/kg... Tuy nhiên, việc nhập khẩu ồ ạt và dễ dàng khiến thị trường có quá nhiều sản phẩm mà chất lượng khó kiểm chứng. Sự tràn ngập thịt ngoại còn thể hiện ở việc người dân không cần đi siêu thị, chỉ cần điện thoại đặt hàng sẽ có người giao thịt tận nơi.

Dự báo trong thời gian tới, các mặt hàng thịt heo, bò, gà... nhập khẩu vào Việt Nam giá rẻ hơn hiện nay nhờ thuế suất giảm theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Cụ thể, mặt hàng thịt heo, bò có lộ trình giảm thuế trong vòng 3-7 năm để lùi về mức 0%. Việc nhập khẩu thịt từ châu Âu vào thị trường Việt Nam còn có cơ hội tăng mạnh khi gần đây một số nhà xuất khẩu Ba Lan có giấy phép để nhập khẩu thịt bò vào Việt Nam.

Hiện đã có 43 nhà sản xuất thịt của EU được phép xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng thịt heo, thịt gà và thịt bò. Khi các hiệp định thương mại có hiệu lực cũng là lúc các loại thuế và rào cản về hàng nhập khẩu giữa các nước thành viên được xóa bỏ. Các loại thịt gia súc, gia cầm chất lượng cao, giá rẻ có cơ hội tràn vào thị trường nước ta. Đó cũng là vấn đề đáng lo ngại trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu ngày càng áp đảo trên thị trường Đà Nẵng hiện nay.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.