.

Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia: Còn nhiều bất cập

.

Thời gian qua, Đà Nẵng triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân thành phố, hướng đến xây dựng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử (CQĐT). Tuy nhiên, hiện Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn do hệ thống thông tin thành phố đang vận hành để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) không liên thông với cơ sở dữ liệu (CSDL) của một số bộ, ngành Trung ương.

Cần đẩy nhanh việc xây dựng CSDL chuẩn trên Hệ thống CQĐT để các ban/ngành, quận/huyện, xã/phường khai thác sử dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cần đẩy nhanh việc xây dựng CSDL chuẩn trên Hệ thống CQĐT để các ban/ngành, quận/huyện, xã/phường khai thác sử dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thuận lợi khi kết nối dữ liệu dùng chung

Theo một số sở, ban, ngành thành phố, việc kết nối CSDL dùng chung giữa thành phố với một số bộ, ngành đã đem lại nhiều thuận lợi trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp (DN) như: đăng ký doanh nghiệp qua mạng, phần mềm đăng ký hộ tịch, phần mềm địa chính... Phần mềm đăng ký DN qua mạng hiện được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố thực hiện trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN đã hợp nhất 2 thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế vào trong một quy trình duy nhất. Theo Sở KH&ĐT, hệ thống này là tiền đề xây dựng một thị trường thông tin DN nhằm tiến tới hình thành cơ chế tự giám sát giữa cộng đồng DN, giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tính đến ngày 31-7, Sở KH&ĐT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới và thay đổi cho 1.023 DN đăng ký qua mạng điện tử trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN, chiếm tỷ lệ 14% tổng số hồ sơ DN được cấp trong kỳ.

Đà Nẵng cũng là 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử. Thời gian tới, Sở KH&ĐT tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công qua mạng điện tử trong lĩnh vực đăng ký DN bằng các giải pháp cụ thể như bố trí quầy ưu tiên tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ đăng ký DN qua mạng; phân công chuyên viên hướng dẫn, hỗ trợ DN đăng ký qua mạng trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; trang bị máy móc thiết bị hỗ trợ như máy vi tính, scan và máy in… “Việc triển khai đăng ký DN qua mạng điện tử đã giúp DN tiếp cận và gia nhập thị trường một cách nhanh nhất, rút ngắn thời gian giải quyết và tìm hiểu hồ sơ thành lập, đăng ký thay đổi DN, tư vấn miễn phí về thủ tục thành lập DN và rút ngắn số lần đi lại để tìm hiểu thủ tục của DN”, ông Trần Văn Hoàng, Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT cho biết.

Được áp dụng triển khai thí điểm tại Đà Nẵng từ ngày 1-1-2016, phần mềm đăng ký hộ tịch cũng đã đem lại nhiều thuận lợi cho cán bộ xã/phường trong việc ứng dụng CNTT để quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký khai sinh tập trung và thống nhất, đồng thời có thể xử lý công việc dễ dàng, thuận tiện ở mọi lúc mọi nơi. Đây cũng là tiền đề quan trọng trong việc triển khai Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính. “Sau một thời gian thí điểm và áp dụng vào thực tế, phần mềm đăng ký khai sinh điện tử giúp cho thủ tục đăng ký khai sinh của công dân được thực hiện đơn giản và nhanh chóng hơn, cán bộ làm hộ tịch cũng đỡ vất vả hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp, Sở Tư pháp Đà Nẵng nhấn mạnh.

Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố, Hệ thống thông tin CQĐT được đưa vào hoạt động từ tháng 7-2014, cung cấp một cổng làm việc và giao tiếp chung giữa chính quyền với tổ chức, công dân tại địa chỉ egov.danang.gov.vn. Để hệ thống này vận hành hiệu quả, thời gian qua, Sở TT&TT tiếp tục đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), tập trung xây dựng hệ thống CSDL dùng chung. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Đà Nẵng khi triển khai CSDL dùng chung chính là sự kết nối không đồng nhất của các bộ, ngành Trung ương với các hệ thống thông tin thành phố đang vận hành. Theo Sở KH&ĐT, CSDL quốc gia về đăng ký DN đang tồn tại một số hạn chế, đặc biệt đối với khối dữ liệu được chuyển đổi.

Cụ thể như dữ liệu của DN còn thiếu nhiều thông tin như đăng ký thuế, người đại diện theo pháp luật của DN… Mặt khác, dữ liệu về DN không được cập nhật, thông tin về DN còn nhiều sai sót giữa hai hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. “Những hạn chế này đã ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đăng ký DN, không đảm bảo việc cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin có giá trị pháp lý về đăng ký DN cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng DN và các tổ chức, cá nhân. Điều này sẽ gia tăng rủi ro cho DN trong việc ký kết hợp đồng kinh tế hoặc khi thực hiện giao dịch thương mại, qua đó gián tiếp hạn chế tính minh bạch của môi trường kinh doanh”, ông Trần Văn Hoàng phân tích. Hay như phần mềm đăng ký hộ tịch khi đưa vào thí điểm ở Đà Nẵng mới chỉ có phân hệ đăng ký khai sinh nên không thể kết nối với Hệ thống thông tin CQĐT gồm rất nhiều phân hệ khác như kết hôn, nhận cha mẹ, con nuôi...

Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, ngoài việc khó kết nối CSDL dùng chung, hiện nay các bộ, ngành cũng chậm chia sẻ dữ liệu cho Đà Nẵng để hỗ trợ phân tích, đưa ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Hiện Sở Tư pháp vừa nhập dữ liệu đăng ký khai sinh theo Hệ thống thông tin CQĐT thành phố vừa thực hiện theo phần mềm của Bộ Tư pháp. Thời gian tới, Sở TT&TT nên tiếp tục cập nhật những biểu mẫu mới của ngành tư pháp hướng tới xây dựng cấu trúc CSDL chuẩn để đến năm 2017 sẽ kết nối đồng bộ với dữ liệu của toàn quốc”, bà Bình đề xuất.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.