.

Thị trường truyền hình trả tiền: Cạnh tranh khốc liệt

.

Trong 3 năm gần đây, thị trường truyền hình trả tiền tại Đà Nẵng có sự tham gia sôi động của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, số mặt đất, số vệ tinh và IPTV (truyền hình Internet). Đặc biệt, sau khi Đà Nẵng ngắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) vào cuối năm 2015, cuộc đua về chất lượng truyền hình trả tiền ngày càng trở nên khốc liệt.

Để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, các nhà mạng đưa ra nhiều chương trình giảm giá cũng như tăng cường đầu tư về nội dung.
Để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, các nhà mạng đưa ra nhiều chương trình giảm giá cũng như tăng cường đầu tư về nội dung.

Cuộc đua giành thị phần

Theo các nhà mạng, từ đầu năm 2016, dịch vụ truyền hình trả tiền đang phát triển mạnh mẽ với số lượng thuê bao tăng nhanh chóng. Hiện nay, tại Đà Nẵng có rất nhiều nhà mạng cung cấp truyền hình trả tiền như VTC (Công ty Truyền thông đa phương tiện), K+ (Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam), Truyền hình cáp SCTV, Sông Thu, VTV Cab, MyTV của VNPT, Next TV của Viettel, Truyền hình FPT của FPT Telecom.

Để thu hút khách hàng, các nhà mạng đua nhau giảm giá về thiết bị, giảm giá thuê bao, khuyến mãi tặng thêm tháng sử dụng… cũng như tăng cường đầu tư về nội dung, chất lượng dịch vụ và mạng lưới. Hiện các “đại gia” trong ngành viễn thông như VNPT, Viettel đang dần khẳng định vị thế trong cuộc đua chiếm thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền.

Trong khi đó, những nhà mạng mới “lấn sân” sang dịch vụ truyền hình trả tiền như Mobifone, FPT Telecom cũng đang đưa ra nhiều chính sách và chương trình khuyến mãi hấp dẫn. “Để tăng thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền, MobiFone sẽ tăng cường truyền thông, giới thiệu và quảng bá rộng rãi về hoạt động kinh doanh này trên các phương tiện thông tin cũng như thông qua các chương trình tiếp thị quảng bá trực tiếp”, ông Võ Văn Thanh, Giám đốc Mobifone Đà Nẵng 1 chia sẻ.

Hiện tại các nhà cung cấp viễn thông và truyền hình đưa ra các gói sản phẩm tích hợp 2 dịch vụ, thậm chí là 3 dịch vụ trên một đường truyền. Theo khảo sát của các nhà mạng, trong các loại hình dịch vụ trả tiền, người dân thành phố ưa chuộng nhất là truyền hình IPTV do có nhiều ưu điểm vượt trội như giá thành thấp, có sự tương tác giữa người xem với chương trình cũng như người xem với nhà cung cấp dịch vụ.

Thay vì thụ động chuyển kênh để tìm kiếm và xem những gì đang được phát, khán giả có thể chủ động chọn nội dung mà mình muốn xem, chọn thời điểm xem. Hiện nay có 4 nhà cung cấp dịch vụ IPTV là VNPT (MyTV), Viettel (NextTV), FPT (Truyền hình FPT ) và SCTV. Trong đó MyTV của VNPT chiếm khoảng 70% thị phần truyền hình IPTV và khoảng 30% thị phần truyền hình trả tiền.

“Mặc dù MyTV chiếm thị phần khống chế trong lĩnh vực truyền hình IPTV song thực chất các đối thủ cạnh tranh chính của MyTV không phải các nhà cung cấp dịch vụ IPTV mà là các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp và truyền hình số vệ tinh”, ông Đỗ Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh viễn thông Đà Nẵng cho biết. Dù mới tham gia, Truyền hình FPT có hơn 5% thị phần thuê bao IPTV ở Đà Nẵng.

Để tăng nhanh số lượng thuê bao trong thời gian ngắn, FPT Telecom quan tâm chất lượng cung cấp dịch vụ đến khách hàng, không ngừng nâng cao chất lượng mạng lưới, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ thoại, Internet, truyền hình trên cùng một đường dây cáp quang.

Đổi mới chất lượng dịch vụ

Các chuyên gia mạng cho rằng, hiện các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đều có ưu thế chung về chất lượng hình ảnh, đường truyền do hạ tầng cáp quang đã phủ dày nên cuộc đua về giá không còn quan trọng nữa. Để tranh giành thị phần, các nhà cung cấp dịch vụ hầu như chỉ tập trung vào chất lượng dịch vụ và nội dung.

Dù có số lượng lên tới 10.000 thuê bao ở Đà Nẵng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền MyTV nhưng VNPT không ngừng hoàn thiện sản phẩm này. “Hiện VNPT cố gắng tạo nguồn nội dung phong phú hơn như các chương trình truyền hình thực tế, bản quyền các giải đấu bóng đá quốc tế, phim truyền hình HD...”, ông Trí nói.

Theo ghi nhận, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đa phương tiện hiện nay đều dùng nhiều ứng dụng đa năng bên cạnh các kênh truyền hình độ nét cao. “Truyền hình FPT liên tục cung cấp các tính năng mới cho phép khách hàng truy cập trực tuyến để đọc tin tức, kết nối với các ứng dụng nhạc số, YouTube ngay trên ti-vi.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu về các tính năng thông minh trên ti-vi như nhận biết giọng nói, điều khiển ti-vi bằng cử chỉ… để quảng bá ra thị trường trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thế Quang, Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông FPT miền Trung cho hay. MyTV của VNPT cũng có các tính năng dịch vụ nổi trội như tạm dừng chương trình đang xem, truyền hình xem lại, xem phim tự chọn, xem truyền hình  trực tiếp, xem lại các giải thể thao lớn, hát karaoke, chơi game, nghe nhạc… với khả năng phủ sóng thông qua mạng băng rộng và vệ tinh Vinasat.

Trong khi đó, Mobifone lại đẩy mạnh chính sách liên kết để sản xuất nội dung truyền hình, hợp tác với các đài phát thanh-truyền hình Trung ương và địa phương để tận dụng tối đa các lợi thế sản xuất và am hiểu văn hóa từng vùng miền, trong đó ưu tiên các nội dung trải nghiệm thực tế, tin nhanh tại các địa bàn. “Chúng tôi chọn hướng đi mới nhằm bổ sung những chương trình truyền hình mới, hấp dẫn, phát hành các chương trình truyền hình đặc sắc và tăng cường các kênh truyền hình chất lượng cao HD”, ông Thanh chia sẻ.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.