.

Quản lý đô thị qua mạng xã hội: Cần hướng đi mới

.

Vỉa hè bị lấn chiếm, dây điện sà thấp, nắp cống bị mất cắp… đã được các ngành chức năng giải quyết nhanh chóng nhờ phản ánh của người dân qua mạng xã hội Facebook.

Ba năm đi vào hoạt động, trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-Xanh-Sạch-Đẹp” (gọi tắt là trang QLĐT) đã tạo được niềm tin trong nhân dân, trở thành “cánh tay” nối dài cho những người làm công tác quản lý đô thị.

Những phản ánh của người dân qua trang mạng xã hội quản lý đô thị Đà Nẵng được tiếp nhận và xử lý kịp thời.
Những phản ánh của người dân qua trang mạng xã hội quản lý đô thị Đà Nẵng được tiếp nhận và xử lý kịp thời.

Nâng cao ý thức cộng đồng

Theo các thành viên sáng lập trang QLĐT, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, trang mạng này luôn tạo “sức nóng” nhờ tính lan tỏa trong cộng đồng cũng như sự vào cuộc nhanh chóng của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Không chỉ xóa được các “lỗi” về hạ tầng đô thị mà đây còn là “ngôi nhà chung” cho những người yêu Đà Nẵng góp một phần trí tuệ xây dựng thành phố ngày càng văn minh và hiện đại hơn. Không ít những vụ việc xảy ra trên địa bàn thành phố thời gian qua như vụ phá rừng ở Sơn Trà, vụ nổ mìn ở mỏ đá Hòa Phát… được phát hiện và xử lý nhờ phản ánh của người dân qua Facebook.

“Với trang QLĐT, người dân không còn thờ ơ với những điều “chướng tai, gai mắt” xảy ra trên địa bàn thành phố nữa. Họ đều có thể thể hiện vai trò người làm chủ đô thị, thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý tưởng hiến kế về hạ tầng đô thị để xây dựng một Đà Nẵng văn minh, đáng sống”, anh Nguyễn Văn Duy, Phó phòng Quản lý đô thị, Văn phòng UBND thành phố, sáng lập viên trang QLĐT cho hay. 

Theo anh Duy, qua trang Facebook này, các ngành chức năng tạo được hàng nghìn “vệ tinh”, qua đó huy động được sức mạnh của cả cộng đồng. Nhiều hoạt động làm đẹp thành phố như thu gom rác sau lễ hội pháo hoa, thu gom rác ở bãi biển Phạm Văn Đồng… cũng nhận được sự hưởng ứng tham gia của nhiều thành viên trang QLĐT một cách tự nguyện và nhiệt tình.

Nhiều lĩnh vực khác của thành phố như giá cả chặt chém, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội… cũng được người dân và du khách phản ánh qua “tường nhà” trang QLĐT. “Có những việc gửi đơn lên phường, lên quận mấy tháng liền không thấy giải quyết nhưng chỉ cần đưa lên mạng xã hội là các ngành chức năng vào cuộc ngay. Đây là cách làm hay, chính quyền Đà Nẵng nên duy trì để người dân có kênh thông tin phản ánh kịp thời những điều bức xúc xảy ra trên địa bàn thành phố”, anh Nguyễn Văn Phúc, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho hay.

Theo đánh giá của Tổ liên ngành triển khai Chỉ thị 43 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, việc xử lý thông tin qua Facebook được chú trọng xử lý kịp thời bởi thông tin đa chiều, hình ảnh trực quan và sinh động.

Nhờ người dân và du khách phản ánh kịp thời nên nhiều vụ việc như người lang thang xin ăn, chặt chém, chèo kéo khách... làm ảnh hưởng hình ảnh đẹp thành phố đã được các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc. Theo anh Duy, hiện có 11 quản trị (admin) quản lý trang QLĐT với hơn 21.000 thành viên đăng ký tham gia nhóm.

Ngoài những người thiện chí, tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng đô thị Đà Nẵng cũng có những người đi lệch tôn chỉ của nhóm. “Với những luồng thông tin nhạy cảm, những người quản trị có sự kiểm soát để không ảnh hưởng đến dư luận, hình ảnh Đà Nẵng thân thiện và mến khách; đồng thời góp ý để những người có ý kiến tiêu cực hiểu hơn về công tác quản lý, điều hành của các ngành chức năng”, anh Duy cho biết thêm.

Nâng cao tính chính danh, chuyên nghiệp

Là trang mạng xã hội được nhiều người dân thành phố quan tâm, truy cập mỗi ngày, hiện nay “sức nóng” của trang QLĐT không hề giảm nhiệt. Các nhà quản trị trang này cho rằng, để trang QLĐT ngày càng mang tính chuyên nghiệp, chính quy hơn, cần nâng tầm chính thức trở thành diễn đàn của chính quyền thành phố.

Muốn làm được điều đó, phải có đội ngũ nhân viên trực 24/24 giờ đồng thời, các nhà quản trị cũng được giao quyền và phân công nhiệm vụ cụ thể chứ không phải làm nhiệm vụ kết nối trung gian như hiện nay. “Thời gian tới các thành viên sẽ góp ý với lãnh đạo thành phố để nâng tầm trang QLĐT thành trang chính thống, có chủ sở hữu, có bộ máy làm việc chuyên nghiệp, có đội ngũ chuyên môn giỏi. Nhiều ý kiến phản ánh của người dân không liên quan đến vấn đề đô thị, chúng tôi sẽ kết nối đến trang gopy.danang.gov.vn”, anh Duy nói.

Hiện nay, các ý kiến phản ánh trên facebook không còn gói gọn trong vấn đề quản lý đô thị nữa mà mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nên chức năng của các nhà quản trị không giải quyết hết được. Theo các chuyên gia CNTT, để trang QLĐT có “sức nóng”, cần phải có sự tương tác rộng rãi với mọi tầng lớp nhân dân trong thành phố.

Điều này có nghĩa là phải tạo được mạng lưới mạng xã hội rộng rãi để kết nối các thành viên lại với nhau. “Tôi nghĩ quản lý đô thị qua Facebook là cách làm hay, cần duy trì. Quan trọng ở đây là cần có đội ngũ con người kiểm duyệt thông tin, kiểm soát và chăm sóc để trang mạng này ngày càng hoạt động hiệu quả và mang tính chuyên nghiệp hơn”, anh Nguyễn Ngọc Dũng, đồng sáng lập Công ty Ylinkee góp ý.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.