.
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Không để chính sách cất vào "ngăn kéo"

.

Ngày 2-3-2012, UBND thành phố ban hành Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND quy định “Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ (DN ĐMCN) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là QĐ 08). Tuy nhiên, đến nay, QĐ 08 mới chỉ hỗ trợ được 7 DN - một con số quá khiêm tốn. Đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng tại buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các sở, ban, ngành và DN liên quan sáng 8-3.

Doanh nghiệp mong muốn thành phố hỗ trợ để đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất. Trong ảnh: Doanh nghiệp chia sẻ công nghệ mới tại Công ty CP Đồ hộp Hạ Long.  Ảnh: THANH TÌNH
Doanh nghiệp mong muốn thành phố hỗ trợ để đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất. Trong ảnh: Doanh nghiệp chia sẻ công nghệ mới tại Công ty CP Đồ hộp Hạ Long. Ảnh: THANH TÌNH

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Theo Sở KH&CN, từ năm 2013 đã triển khai QĐ 08; nhưng khi áp dụng, hầu hết DN không tiếp cận được. Thực tế đến nay, Sở KH&CN chỉ mới hỗ trợ cho 2 DN ĐMCN và 5 DN xây dựng hệ thống quản lý ISO 9001:2008 và đánh giá chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy với tổng kinh phí 455 triệu đồng.

Có thể nói, với chừng ấy thời gian và số DN tham gia so với tổng số DN trên địa bàn thì lượt DN tham gia chính sách hỗ trợ còn quá hạn chế; không những thế, chưa tạo được tác động mạnh về ĐMCN trong mỗi DN.

Theo ông Phạm Tiên Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH&CN), một trong những nguyên nhân chưa khuyến khích được sự tham gia của DN là do QĐ 08 hạn chế về đối tượng được thụ hưởng chính sách. Ngoài ra, do phương thức hỗ trợ sau nên không khuyến khích DN do những rủi ro trong ĐMCN mang lại rất lớn.

Tại cuộc họp, đại diện các DN cho biết, một trong những nguyên nhân khiến DN chưa quan tâm đến các chính sách hỗ trợ là do mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng chưa hấp dẫn đối với DN có nguyện vọng tham gia ĐMCN.

Mặt khác, các DN chỉ biết sản xuất, kinh doanh, trong khi để được hỗ trợ phải lập dự án, mà đây là vấn đề khó khăn với DN. Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng, hầu hết các DN có ý tưởng, song, việc triển khai thành đề tài, dự án không dễ.

Vì vậy, khi chính sách ra đời, Sở KH&CN cần cử cán bộ hướng dẫn cụ thể để DN nắm rõ và thực hiện. Ngoài ra, nhiều DN nghĩ rằng, sự hỗ trợ của thành phố không lớn, trong khi thủ tục lại rắc rối, nên nhiều DN chọn cách tự bỏ tiền ra làm, thay vì trông đợi vào sự hỗ trợ.

Đồng quan điểm này, ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố cho rằng, một trong những nguyên nhân cốt lõi nhất là thành phố lẫn DN đều chưa chú trọng vào việc phát triển phong trào đổi mới sáng tạo.

Vì thế, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các hiệp hội DN chủ động khảo sát những DN có nhu cầu ĐMCN để hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nhu cầu.

Chính quyền và doanh nghiệp cùng vào cuộc

Sau khi nghe ý kiến từ các sở, ngành, doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, ĐMCN, bản thân DN phải xác định là tự đổi mới, thành phố chỉ hỗ trợ. Song, để chính sách này thực sự có hiệu quả và hỗ trợ thiết thực cho từng DN thì cả DN và chính quyền cần quyết tâm hết sức, “xắn tay áo” lên và làm chứ không thể nói suông mãi được và cũng không thể để chính sách ra đời và cất vào “ngăn kéo”.

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho biết, các hiệp hội DN cũng phải chung tay góp sức, phải thể hiện được vai trò là “bà đỡ” cho DN. Ngoài ra, Sở KH&CN cần đưa ra được những mục tiêu phải đạt được cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn để tạo động lực đổi mới; thay đổi phương thức tuyên truyền sao cho DN hiểu và thực hiện dễ dàng.

Về loại hình DN tham gia, trước mắt triển khai cho các DN sản xuất, sau sẽ mở rộng ra các DN thương mại, dịch vụ. Về mức hỗ trợ, thành phố sẽ xem xét đề xuất nâng lên 1 tỷ đồng thay cho 300 triệu đồng (QĐ 08 cũ).

Về dự án, sẽ khuyến khích 100% cho các dự án ĐMCN đầu tiên, các dự án sau nếu trùng lắp công nghệ, đề nghị Sở KH&CN xem xét, bổ sung hỗ trợ mang tính khuyến khích cho DN. Một vấn đề nữa là trong thủ tục hành chính, đề nghị các sở, ngành cần quy định rõ thời gian để tránh gây phiền hà cho DN.

Các hiệp hội DN cần khảo sát lại nhu cầu ĐMCN trong hội viên để khi quyết định mới có hiệu lực sẽ tiến hành hỗ trợ luôn. Đề nghị Sở KH&CN thành lập tổ tư vấn theo dõi giúp đỡ DN triển khai ĐMCN với mục đích tăng số lượng DN được hỗ trợ.

Ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN cho biết, định hướng sửa đổi QĐ 08 là mở rộng đối tượng phạm vi điều chỉnh; mở rộng phương thức hỗ trợ; sửa đổi, bổ sung, thay thế các điều khoản có liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ; bổ sung trách nhiệm của Quỹ Phát triển KH&CN; thực hiện hỗ trợ công khai, minh bạch, tinh giản…

Thanh Tình

;
.
.
.
.
.