.
TPP - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Đà Nẵng

Bài 4: Chăn nuôi có thua trên sân nhà?

.

Đó là điều ngành chăn nuôi cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã tiên liệu, bởi khi TPP có hiệu lực cũng là lúc các loại thuế và rào cản về hàng nhập khẩu giữa các nước thành viên xóa bỏ; thịt gia súc, gia cầm chất lượng cao, giá rẻ có cơ hội tràn vào thị trường nước ta, hoạt động chăn nuôi tại chỗ khó bề trụ vững trước cơn lốc thịt nhập khẩu.

Tham gia nuôi heo gia công cho Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam (chủ đầu tư là doanh nghiệp Thái Lan) gần chục năm nay, gia đình bà Ngô Thị Chúc, ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) đã cải thiện được đời sống nhờ thu nhập khá cao và ổn định.

Cách đây vài năm, với 1.750 con/lứa, gia đình bà có nguồn thu trên dưới 400 triệu đồng/2 lứa/năm. Sau khi trừ các chi phí, lãi ròng hơn 200 triệu đồng. Còn hiện nay, mỗi lứa chỉ nuôi 1.300 con, công nuôi thấp hơn 500 đồng/kg, nên thu nhập kém hẳn so với trước.

Người phụ nữ được coi là đại gia trong lĩnh vực chăn nuôi ở Hòa Vang này cho biết: Chủ hộ đầu tư chuồng trại và chịu trách nhiệm nuôi. Công ty cung cấp con giống, thức ăn, đảm bảo thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trước đây, công nuôi hưởng 1.800 đồng/kg heo hơi xuất chuồng, còn hiện nay chỉ 1.300 đồng/kg. Đầu con vật nuôi cũng giảm hẳn, từ 1.750 con/lứa, nay chỉ còn 1.300 con.

Có lẽ do đối mặt với khó khăn, trại nuôi heo gia công ở Hòa Tiến giảm đáng kể so với các năm trước. Khi TPP có hiệu lực, nhiều mặt hàng thuế nhập khẩu bằng không, thịt ngoại chất lượng cao sẽ tràn ngập thị trường, liệu nuôi gia công kiểu này có trụ nổi? Mấy trại heo trụ được đến hôm nay là nhờ công ty bao tiêu từ A đến Z.

Nhìn rộng ra trên phạm vi huyện Hòa Vang - địa phương duy nhất ở Đà Nẵng được phép chăn nuôi, số trang trại nuôi heo, gà, bò, quy mô lớn giảm mạnh. Trước đây, ở các xã miền núi, trang trại nuôi gia cầm quy mô từ chục nghìn con khá nhiều, còn nay chỉ đếm trên đầu ngón tay và đang đứng trước nguy cơ xóa sổ.

Theo Sở NN&PTNT, thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố đàn trâu, bò chỉ có 20.141 con của 101 trang trại, hộ nuôi; đàn heo 65.166 con/190 trang trại, hộ gia đình; tổng đàn gia cầm 339.198 con/77 trang trại, hộ gia đình. Không ít trại xây dựng rất cơ bản, nay trống không. Đơn cử như trại gà đẻ gần 40.000 con của ông Ông Văn Thông, ở xã Hòa Khương, nổi tiếng một thời nay vắng ngắt. Còn ở Hòa Ninh, cơ ngơi của 4-5 trại gà quy mô lớn nay hoang hóa đến thảm hại.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, phụ trách lĩnh vực chăn nuôi, cho biết: Nhiều chính sách khuyến khích chăn nuôi đã triển khai, song hoạt động này không phát triển được. Số trại còn lại cũng đang ngáp ngoải.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do chăn nuôi tại chỗ chủ yếu quy mô nhỏ, ít ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao, nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm nhập khẩu, giá cao, từ đó giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so hàng nhập khẩu.

Thời gian gần đây, nhất là từ khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay, thịt nhập khẩu số lượng lớn, chăn nuôi tại chỗ càng điêu đứng hơn. Đùi gà Mỹ, Brazil… bán đầy trong siêu thị giá chỉ hơn 20.000 đồng/kg.

Trong khi, gà ta thả vườn hơn 100.000 đồng/kg. Đó là chưa nói, hoạt động này liên tục đương đầu với dịch bệnh. Sau mỗi đợt dịch bệnh phát sinh, tổng đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh, phải thời gian dài mới phục hồi tái đàn.

Người chăn nuôi tự bươn chải giữa vô vàn khó khăn, thua lỗ kéo dài đành chấp nhận thua cuộc và dẹp bỏ là giải pháp tốt nhất của họ.  Sắp tới, khi TPP có hiệu lực, chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ điêu đứng gấp bội phần.

Trao đổi về xu hướng chăn nuôi ở Đà Nẵng, ông Cao Xuân Thái, Chi cục  trưởng Chi cục Thú y, cho rằng: Không có gì lạc quan, nhất là khi TPP có hiệu lực. Mấy năm qua, lượng thịt nhập khẩu về Đà Nẵng liên tục tăng. Cụ thể, như năm 2014, nhập về 7.609 tấn thịt các loại, trong đó chủ yếu là thịt gà, 10 tháng đầu năm 2015 đã nhập gần 10.000 tấn.

Đó là chưa kể thịt nhập lậu qua biên giới đổ về Đà Nẵng với số lượng không nhỏ. Thời gian tới, khi các loại thuế và rào cản hàng hóa nhập khẩu giữa các nước thành viên TPP được dỡ bỏ, lượng thịt nhập khẩu về thị trường nước ta sẽ gấp nhiều lần hiện nay. Điều này cũng là tất yếu, bởi thịt nhập khẩu  chất lượng cao, giá rẻ hơn so với thịt sản xuất trong nước.

Để cạnh tranh được với thịt nhập khẩu, chăn nuôi tại chỗ phải có khu vực tập trung, tại đó các trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm giá thành sản phẩm. Nếu chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, tự khắc hoạt động chăn nuôi tại chỗ phải dẹp bỏ trước sức ép không nhỏ của thịt nhập khẩu theo con đường của TPP.

Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.