.
Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ nhất:

Thúc đẩy hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương

.

Từ ngày 3 đến ngày 5-9, Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ nhất đã diễn ra tại Vladivostok với sự tham gia của đại diện các cơ quan Nhà nước Nga và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà đầu tư lớn, đại diện các doanh nhân và các chuyên viên các ngành nghề. Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Thành phố cảng Vladivostok. (Ảnh tư liệu)
Thành phố cảng Vladivostok. (Ảnh tư liệu)

Thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào Viễn Đông và giải thích cho họ sẽ phải làm việc theo luật lệ nào. Đó là nét chủ đạo trong bài phát biểu của Vladimir Putin tại Diễn đàn kinh tế phương Đông. Với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, ông nói bằng ngôn ngữ của các chi tiết cụ thể và các con số. Phát triển các dự án trong khu vực sẽ đơn giản hơn: Nhà nước hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Nhà nước sẽ hỗ trợ cả bằng tài chính: đối với 6 dự án đã được chọn và đưa vào ngân sách - trên 13 tỷ rúp.

Đối với các doanh nghiệp lớn của Nhật, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì triển vọng của vùng Viễn Đông là quá rõ. Các nước láng giềng rất quan tâm đến dự án mới - Cảng tự do Vladivostok.

V.Putin nói: “Đối với doanh nghiệp tại đây, các thủ tục qua lại biên giới được đơn giản hóa đáng kể. Thay vì vô số kiểm soát viên tại biên giới, nay lập một cơ quan duy nhất; và các trạm cửa khẩu sẽ làm việc suốt ngày đêm, dự kiến được khai trương hải quan điện tử. Công dân nước ngoài vào lãnh thổ Nga qua Cảng tự do Vladivostok có thể làm thủ tục visa với thời hạn 8 ngày ngay tại cửa khẩu. Những người sống tại Cảng tự do sẽ được các ưu đãi về phí bảo hiểm và thuế, cũng như chế độ của khu vực hải quan tự do”.

Theo đánh giá của phía Nga, kết quả của Diễn đàn kinh tế phương Đông đã mang lại hy vọng và sự hấp dẫn của khu vực Viễn Đông sẽ tăng  gấp nhiều lần.

Trong quá trình làm việc, Diễn đàn đã giới thiệu các dự án đầu tư chính triển khai tại vùng Primorye được giới thiệu, bao gồm các hành lang giao thông “Primorye-1”, “Primorye-2”, 6 khu phát triển vượt trội (TOR) và Cảng tự do Vladivostok - đã làm cho những người nước ngoài tham gia Diễn đàn quan tâm.

Đồng thời, hơn 80 thỏa thuận đầu tư đã được ký, trị giá khoảng 1.300 tỷ rúp, có 1.500 khách và đại biểu từ 24 quốc gia trên thế giới tham gia. Trong đó, đại biểu từ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, CHDCND Triều Tiên, EU, Hoa Kỳ, Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Brazil, Canada, Thái Lan, Đức, Úc, Phần Lan, Nam Phi, Anh, Latvia và các nước khác.

Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đề xuất với vùng Viễn Đông của Nga sử dụng đồng yên thay vì đô-la trong thanh toán. Họ cũng đang nghiên cứu các dự án phát triển các cảng Nakhodka và Vostochnyi.

Công ty Sutech Engineering của Thái Lan sẽ xây dựng tại hải cảng “Xô viết” (vùng Khabarovsk) nhà máy sản xuất đường công suất 500.000 tấn đường/năm (Dự án được định giá 150-250 triệu rúp. Nhà máy sẽ sản xuất bằng nguyên liệu do Thái Lan cung cấp).  

Đặc biệt đáng ghi nhận là, trong khuôn khổ Diễn đàn đã có cuộc gặp giữa Thống đốc vùng Primorye V.V. Miklushevsky với Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng. Trong quá trình đàm phán, phía Việt Nam đã xác nhận rằng, mối quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài đối với vùng Viễn Đông là hiển nhiên, điều đó được nhận thấy qua số lượng người tham gia Diễn đàn kinh tế phương Đông; đồng thời nhấn mạnh việc Nga và Việt Nam chưa tận dụng hết các tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại.

Ngoài ra, ông Vũ Huy Hoàng còn nhấn mạnh rằng “quan hệ giữa hai nước đang phát triển nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư. Chúng tôi thấy rằng, Chính phủ Nga đặc biệt quan tâm phát triển vùng Viễn Đông. Các điều kiện được tạo ra ở đây sẽ thu hút các nhà đầu tư, trong đó cả các nhà đầu tư Việt Nam”. Đối với hợp tác song phương thì các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp chế biến gỗ, dệt-may là có triển vọng. Ông cũng nêu là trong cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng Nga đã bàn về khả năng xuất khẩu than vào Việt Nam cũng như phát triển tất cả các ngành liên quan đến Cảng tự do Vladivostok.

Cuối buổi gặp, Thống đốc đã nhận lời mời của Bộ trưởng Công thương sang thăm Việt Nam và cùng với đại diện các doanh nghiệp của vùng Primorye thảo luận tại chỗ về triển vọng hợp tác.

Hiện nay, tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với vùng Viễn Đông chỉ chiếm 2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tại khu vực này có 4 xí nghiệp có vốn đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, xây dựng, sửa chữa nhà và công trình, các bất động sản và giao thông.

Các hướng triển vọng cho hợp tác là nhập từ vùng Primorye quặng chì, kẽm, tinh quặng vonfram, xi-măng, nguyên liệu chứa boron, máy móc và thiết bị.

Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh rằng sự phát triển của khu vực Viễn Đông là hướng có cội nguồn lịch sử của chính sách kinh tế của Chính phủ Nga, mà mục đích chính là làm cho Viễn Đông trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm của cả nước và hội nhập vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà tất cả các đối tác tiềm năng được dành những điều kiện và ưu đãi đặc biệt. Cụ thể đối với những cư dân sống trên lãnh thổ của khu kinh tế phát triển vượt trội (TOR, luật đã có hiệu lực từ ngày 30-3-2015) được những điều kiện đặc biệt để xây dựng các nhà máy, xí nghiệp mới, các chế độ thuế quan ưu đãi, các biện pháp giúp đỡ của chính quyền, hỗ trợ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Tại Viễn Đông đã có 9 vùng (khu vực) như vậy: ở Cộng hòa Sakha (Yakutiya), Vùng Primorye, Vùng Khabarovsk, tỉnh Amur, ở Chukotka và Kamchatka. Những ưu đãi nhiều hơn được dành cho những cư dân tại Cảng tự do Vladivostok; luật về cảng này sẽ có hiệu lực từ tháng 10 này và sẽ áp dụng cho tất cả các cảng then chốt của phía nam vùng Primorye - từ cảng biển Zarubino đến Nakhodka, cũng như cho 15 đô thị, nơi có hơn 75% số dân của vùng Primor sinh sống.

Cảng tự do Vladivostok được thành lập trong thời hạn 70 năm, đồng thời xem xét khả năng kéo dài thời hạn này.

Vậy thì Luật về Khu phát triển vượt trội (TOR) mang lại những điều gì cụ thể cho các doanh nghiệp. Luật bao gồm: cấp ưu đãi các khu đất cho các nhà đầu tư của TOR; miễn phí sử dụng cơ sở hạ tầng; áp dụng chế độ “một cửa”; phổ biến các thủ tục của khu vực hải quan tự do; giảm thời gian đáng kể việc tiến hành kiểm tra chứng từ hóa đơn; chỉ tiến hành kiểm tra ngoài kế hoạch khi có sự nhất trí của Công ty Quản lý TOR; miễn thuế lợi nhuận doanh nghiệp (thuế suất không quá 5% trong 5 năm đầu tiên); miễn thuế tài sản và thuế đất trong thời hạn 5 năm; thuế suất ưu đãi phí bảo hiểm đối với các dự án đầu tư triển khai trong TOR, trong 10 năm đầu tiên là 7,6%, hưởng hệ số thấp về thuế tài nguyên và làm nhanh thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng.

Các dự án thuộc các ngành có thể triển khai tại TOR là sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản (trừ dầu thô và khí đốt), logistics, phát triển du lịch. Tổng vốn đầu tư tối thiểu để tham gia trong TOR là 500.000 rúp.    

A. Brovarets

Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.