.

Xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản

.

Những số liệu mới nhất cho thấy tình hình đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2014-2015 có chiều hướng tăng về số lượng, nhưng nguồn vốn đầu tư lại giảm đi.

Lễ ký kết Bản hợp tác giữa Tập đoàn Route Inn và Đại học Đông Á.
Lễ ký kết Bản hợp tác giữa Tập đoàn Route Inn và Đại học Đông Á.

Nguyên nhân nào dẫn đến điều đó và Đà Nẵng có nằm trong top các tỉnh, thành phố được nhà đầu tư Nhật Bản chú ý? Đó là nội dung được đề cập trong Hội thảo xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Đà Nẵng tổ chức ngày 28-8.

Qua nghiên cứu và đánh giá của Cơ quan Xúc tiến thương mại hải ngoại tại Hà Nội (JETRO), xu hướng đồng yen giảm cùng với việc các công ty lớn của Nhật Bản đã hoàn tất đầu tư vào Việt Nam cho nên gần đây các dự án lớn giảm mạnh và có sự tăng lên của các dự án quy mô vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản khác đầu tư vào Việt Nam.

Cụ thể, số dự án cấp mới của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam (đã cấp phép) năm 2014 là 342 dự án, 7 tháng đầu năm 2015 là 176 dự án. Trong đó, số dự án về công nghiệp chế tạo lần lượt là 122 và 74 dự án (chiếm 30-40%), số dự án “dưới 5 triệu USD”, còn gọi là quy mô vừa và nhỏ lần lượt là 291 và 151 dự án (chiếm gần 90%).

Địa điểm đầu tư của các doanh nghiệp chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Long An. Ông Iwama Shinichi, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật tại Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều lý do để chọn Đà Nẵng là điểm đến đầu tư. Bởi đây là thành phố rất sạch, đẹp, có lực lượng lao động dồi dào, siêng năng, vật giá và nhân công rẻ, tình hình an ninh chính trị bảo đảm, chính quyền có mối quan hệ tốt đẹp…”.

Theo Sở Ngoại vụ thành phố, trong những năm gần đây, Đà Nẵng và các địa phương của Nhật Bản đã mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Thành phố Đà Nẵng đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ và triển khai quan hệ hợp tác hữu nghị với các thành phố Kawasaki, Sakai Yokohamam, Mitsuke và đang từng bước xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác, tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ với các thành phố Nagasaki, Kobe, Yaizu, Fukuoka, Otawara, Nemuro, Kushiro, Matsusaka…

Đến nay, đã có hơn 120 doanh nghiệp và văn phòng đại diện, chi nhánh công ty Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng với tổng số vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động.

Ông Mai Đăng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt-Nhật tại Đà Nẵng cho biết: Trước đây, DN Nhật Bản chỉ quan tâm đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng gần đây đã chú ý rất nhiều đến Đà Nẵng. Chuẩn bị cho làn sóng đón nhà đầu tư Nhật Bản, thành phố mở văn phòng đại diện tại Tokyo từ rất sớm. Đà Nẵng đã áp dụng thí điểm dạy tiếng Nhật tại trường THCS và THPT, có số lượng học sinh, người học tiếng Nhật nhiều nhất miền Trung.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có nhiều công trình sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản như hầm đường bộ Hải Vân, dự án nâng cấp Cảng Tiên Sa, khu cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng… Ngay sau chương trình xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng, hàng chục DN Nhật Bản đã tiến hành khảo sát các dự án đang kêu gọi đầu tư như Khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung (341ha), KCN dành cho DN vừa và nhỏ Nhật Bản (134ha), khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi Nhật Bản, Trung tâm giao lưu Việt – Nhật.

Tuy nhiên, theo ông Atsusuke Kawada, Trưởng Đại diện JETRO tại Hà Nội nhìn nhận: “Đà Nẵng là thành phố hấp dẫn và có môi trường được đánh giá cao nhất trong 63 tỉnh, thành ở Việt Nam. Nhưng còn đó những khó khăn tạo ra rào cản đối với nhà đầu tư như hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, nhà ở cho người nước ngoài, các dịch vụ tiện ích, các cơ chế chính sách cần điều chỉnh…”.

Thấy rõ những hạn chế Đà Nẵng đang gặp phải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết khẳng định: “Chính quyền thành phố Đà Nẵng thiết tha mời gọi các DN đầu tư vào các lĩnh vực quan tâm, kể cả những lĩnh vực giáo dục, y tế, trường học mà nhiều DN có mặt tại đây cho là còn thiếu. Chúng tôi luôn tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đây, trong đó Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu”.

Ông Saito Takahisa, Tổng Giám đốc AIC Việt Nam

“Lý do tôi chọn Đà Nẵng vì sự cạnh tranh thấp hơn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tôi còn nhớ, tôi đến Đà Nẵng lúc đó vào năm 1995, muốn qua sông Hàn phải đi bằng phà, nhưng lần trở lại thứ hai tôi không thể tưởng tượng được thành phố đã có sự phát triển hiện đại, môi trường sống trong lành như thế này. Tôi cũng đã đến nhiều địa phương khác để đầu tư nhưng cảm nhận của bản thân tôi, chính quyền thành phố rất quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại nói chung của các bạn là cơ chế, chính sách pháp luật còn rườm rà và phức tạp. Tôi mong rằng trong tương lai, các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ được đơn giản hóa hơn nữa”.

Ông Abe Taiyo, Giám đốc Công ty TNHH Nitto Jokaso Việt Nam

“Lý do tôi quyết định đầu tư vào Đà Nẵng xuất phát từ một số khách hàng yêu cầu lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Một điều tôi cảm thấy rất mừng là qua khảo sát môi trường thành phố rất sạch, đẹp. Mặt khác, thành phố có điểm mạnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây rất thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa. Đến nay, chúng tôi đã ở Đà Nẵng được 4 năm và tôi cảm thấy yên tâm khi đầu tư tại Đà Nẵng. Song hiện nay, Đà Nẵng vẫn có những điểm bất lợi là thiếu những cơ sở y tế cho người nước ngoài hay trường học cho con em người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại thành phố này”.

Ông Iwama Shinichi, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam

“Tôi đã sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng được 9 năm, vì vậy tôi muốn xây dựng tại đây một nhà máy sản xuất tập trung dựa trên lợi thế chi phí nhân công rẻ. Đây là vấn đề quan trọng trong việc quyết định đầu tư của chúng tôi. Chi phí mức lương tại đây chỉ bằng 1/3 mức lương phải trả cho công nhân Trung Quốc. Những lao động Trung Quốc làm việc chỉ được 2-3 năm là bỏ việc, còn tại Đà Nẵng dường như có rất ít chuyện công nhân bỏ việc. Đà Nẵng có hệ thống đường sá, sân bay, cảng biển… thuận lợi, nhưng việc kết nối giữa các tỉnh, thành phố khác còn hạn chế. Để thúc đẩy sự phát triển, Đà Nẵng cần phải kết nối đồng bộ, đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ, ưu tiên gia công thiết bị, linh kiện cho nhà sản xuất thì việc thu hút đầu tư sẽ hấp dẫn hơn”.

Ông Yazawa, Công ty Digital Ship

“Trụ sở chi nhánh công ty chúng tôi tại Công viên Phần mềm Quang Trung, Đà Nẵng có 70 nhân viên đảm nhiệm việc gia công các phần mềm ứng dụng cho các đô thị. Chúng tôi cũng đang đầu tư xây dựng hình ảnh tượng trưng cho Đà Nẵng để giới thiệu cho du khách trên thế giới biết về thành phố này. Tôi cho rằng việc đầu tư vào Đà Nẵng sẽ còn tăng mạnh hơn trong tương lai nhờ tiềm năng về môi trường du lịch; đặc biệt là khu vực ven biển sẽ thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cũng đang nắm bắt cơ hội để triển khai kinh doanh trong lĩnh vực này”.

DIỆP NHƯ ghi

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.