.

Khẳng định thương hiệu Xi-măng Sông Gianh

.

Sự bứt phá có tính chiến lược của Tổng Công ty CP Miền Trung được thể hiện qua sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD), cụ thể là sản phẩm xi-măng Sông Gianh của Công ty TNHH MTV Xi-măng Sông Gianh.

Sản phẩm xi-măng Sông Gianh được sử dụng tại công trình Nút giao thông ngã ba Huế.
Sản phẩm xi-măng Sông Gianh được sử dụng tại công trình Nút giao thông ngã ba Huế.

Công ty đang đạt công suất sản xuất và cung cấp, tiêu thụ hết 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm. Tổng Công ty CP Miền Trung đang xây dựng thương hiệu chủ lực sản phẩm xi-măng Sông Gianh, tiêu thụ mạnh ở thị trường trong và ngoài nước.

Công ty TNHH MTV Xi-măng Sông Gianh tiền thân là Công ty Xi-măng Cosevco Sông Gianh được thành lập ngày 26-5-2005; chuyển đổi từ doanh nghiệp (DN) Nhà nước sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào năm 2011. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Xi-măng Sông Gianh là cánh chim đầu đàn của Tổng Công ty CP Miền Trung (TCT) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khẳng định vững chắc về năng lực, thương hiệu sản phẩm VLXD.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Tổng Giám đốc TCT cho biết, chủ trương lấy sản xuất công nghiệp VLXD làm nền tảng trong hoạt động đã nhận được sự thống nhất cao trong HĐQT. Theo đó, vực dậy năng lực và chất lượng sản phẩm xi-măng Sông Gianh là chặng đường khó khăn, gian khổ. Có thời điểm, nhà máy xi-măng Sông Gianh liên tục gặp nhiều khó khăn về hoạt động sản xuất, công nghệ sản xuất chưa được phát huy; kênh phân phối chưa định hình rõ nét. Trong thời điểm này gặp thiên tai, bão lũ…, nhà máy bị thiệt hại nặng nề về hạ tầng. Tuy nhiên, với quyết tâm dồn toàn lực cho sản xuất, nhà máy xi-măng Sông Gianh đã được vực dậy, xứng đáng là đòn bẩy phát triển của TCT.

Kết quả đó nhờ việc Đảng ủy Công ty TNHH MTV Xi-măng Sông Gianh thông qua nghị quyết về tái cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất. Ban Giám đốc Công ty đã nhanh chóng thực hiện tái cấu trúc bộ máy theo hướng gọn nhẹ, năng động và hiệu quả; xây dựng hệ thống đánh giá năng lực cán bộ dựa vào thành tích công việc, có chế độ đãi ngộ phù hợp so với thị trường.

Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý theo mục tiêu và triển khai chiến lược một cách nhất quán, đồng bộ và xuyên suốt từ cấp cao nhất đến công nhân viên trực tiếp sản xuất. Trên cơ sở đó phát huy cao nhất sức mạnh nguồn nhân lực của công ty; thu hút những người có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết đến làm việc cho công ty. Mặt khác, công ty tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; giao nhiệm vụ cho trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm về trình độ, năng lực, chất lượng của đội ngũ nhân viên mình quản lý.

Trong công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, khuyến khích nhân viên phát triển được ưu tiên hàng đầu. Liên tục mở những lớp học kỹ năng, những khóa đào tạo, tự đào tạo; cán bộ đào tạo nhân viên, người có kinh nghiệm kèm cặp, huấn luyện người chưa biết; đào tạo theo hình thức luân chuyển công việc để mở rộng khả năng bao quát, thay thế lẫn nhau.

Hoàn thiện hệ thống tiền lương theo hướng khuyến khích nhân viên phát huy năng lực và tích cực đóng góp vào sự phát triển của công ty, thực hiện việc trả lương và thưởng dựa trên kết quả làm việc và nổ lực phấn đấu của nhân viên, cải tiến phương pháp đánh giá kết quả công việc của nhân viên, bảo đảm tính khách quan, công bằng và tin cậy.

Bên cạnh công tác nhân sự-đào tạo, công ty đã tập trung xây dựng lại hệ thống quản trị trong tất cả các lĩnh vực, cụ thể như quản trị nhân sự và tiền lương, quản lý vật tư, quản lý sản xuất, quản lý định mức kinh tế kỹ thuật, quản lý tài chính kế toán, quản lý thiết bị, quản lý bảo trì, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004.

Toàn bộ hệ thống quản trị đã được tin học hóa quản lý theo phần mềm chuyên dụng từng bước theo lộ trình, đến nay gần như tất cả các lĩnh vực đã được quản lý tốt và phát huy hiệu quả. Hệ thống quản trị đã cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, kịp thời và để phục vụ việc phân tích đánh giá cải thiện, tối ưu hóa liên tục trong trong từng lĩnh vực.

Về công tác xây dựng kế hoạch, công ty đã xây dựng mục tiêu, kế hoạch sát tình hình thực tiễn và chiến lược phát triển của công ty; lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho từng tháng, quý, năm theo mục tiêu ngân sách, định hướng chiến lược của công ty; hằng ngày theo dõi quá trình hoạt động, thống kê, phân tích, kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Công tác quản trị sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị được tổ chức thực hiện  nền nếp, có hiệu quả từ việc xây dựng kế hoạch sửa chữa đến giám sát, đánh giá công tác sửa chữa hằng tuần, hằng tháng, từng đợt sửa chữa…

Đặc biệt, việc quản trị tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu được công ty đặc biệt quan tâm giám sát chặt chẽ, mạnh dạn nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ mới, cải tiến và tối ưu hóa quy trình sản xuất để tiết kiệm chi phí, nhờ đó mang lại kết quả tích cực, hầu hết các tiêu hao trong sản xuất clinker và xi-măng đều giảm mạnh, đặc biệt là các tiêu hao chính ảnh hưởng lớn đến giá thành như điện, than, tỷ lệ sử dụng clinker đều giảm đáng kể, tiết kiệm chi phí rất lớn cho công ty.

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.