.

Hàng Việt chiếm ưu thế

.

Sau 6 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động - CVĐ) góp phần làm thay đổi cách nghĩ và thói quen mua sắm của nhiều người tiêu dùng cũng như kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và nhà phân phối ở Đà Nẵng.

Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ hàng Việt ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.
Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ hàng Việt ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.

Kết quả đó đã góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam trong hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố.

Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

Theo báo cáo từ Sở Công thương thành phố, hiện nay xu hướng tiêu dùng của người dân Đà Nẵng đối với hàng Việt đang dần được củng cố với trên 90% người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt Nam chất lượng cao. Giám đốc Sở Công thương thành phố Phan Văn Kha cho hay, sở đã bám sát chủ trương của CVĐ và triển khai nhiều chương trình, hoạt động hưởng ứng thông qua việc lồng ghép các nội dung của CVĐ vào nhiệm vụ thường xuyên của ngành như hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công, triển khai việc hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm nông sản (rau, nấm)...

Ghi nhận tại các chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng tiện ích… cho thấy, hàng Việt càng thể hiện rõ ưu thế, khi trên các quầy, các kệ hàng phần lớn là các mặt hàng do DN trong nước sản xuất. Theo đại diện của nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố, hiện có từ 90-95% hàng hóa bày bán tại siêu thị được sản xuất trong nước.

Nhiều siêu thị còn ký hợp đồng hợp tác lâu dài với nhà cung cấp địa phương để được giá cả tốt, chất lượng ổn định. Bên cạnh đó, các siêu thị còn tích cực tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng Việt như đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, tham gia hội chợ hàng Việt…

“Big C đặt mục tiêu tập trung kinh doanh hàng hóa Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực như chủ động phát triển các gian hàng Việt trong siêu thị; phát triển hệ thống hậu cần cho phép các sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản, có thể cung ứng cho các siêu thị Big C trong những điều kiện nhanh nhất và chi phí hợp lý nhất”, ông Trần Bình Long, Giám đốc Siêu thị Big C Đà Nẵng cho biết.

Tại các chợ truyền thống, các cửa hàng… người tiêu dùng Đà Nẵng ưu tiên lựa chọn hàng Việt vì mẫu mã hàng Việt ngày càng phong phú, đa dạng. Tìm mua vải may áo dài và cặp sách cho con chuẩn bị vào năm học mới tại chợ Hàn, chị Ngô Thị Mai (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) vẫn ưu ái lựa chọn hàng Việt. “Tôi chọn mua hàng Việt vì hàng Việt ngày càng đa dạng mẫu mã mà giá thành lại hợp lý. Nhiều thương hiệu hàng Việt hiện nay cũng gần gũi với văn hóa tiêu dùng của người Việt”, chị Mai chia sẻ.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Theo thống kê từ Sở Công thương thành phố, từ đầu năm đến nay đã tổ chức và phối hợp tổ chức 4 đợt hội chợ triển lãm tại thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của gần 700 lượt DN thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước với tổng doanh thu, giá trị hợp đồng giao dịch tại các hội chợ đạt 23,5 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng cũng đã tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Hòa Vang với sự tham gia của hơn 32 DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt với doanh thu đạt 340 triệu đồng.

Ông Đặng Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, việc tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện giúp DN thay đổi định hướng kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng, đồng thời tạo điều kiện cho người dân địa phương mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn.

Có được lòng tin của người tiêu dùng được xem là lợi thế lớn nhất cho hàng Việt cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới. Thế nhưng ngành công thương cho rằng, để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, các DN cần nắm bắt, tiếp tục phát huy và không ngừng cải thiện điều kiện sản xuất để có thể nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công thương cho hay: “Để hàng Việt không bị thua trên “sân nhà” thì DN địa phương cần phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Để làm được điều đó ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược quảng bá thương hiệu bền vững, lâu dài”.

Nhằm nâng cao hiệu quả của CVĐ, trong thời gian tới, Sở Công thương Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như tổ chức kết nối cung-cầu sản phẩm với các DN trong và ngoài nước; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt về vốn và công nghiệp hỗ trợ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường; tổ chức chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các chương trình bình ổn thị trường, các chương trình điều tra khảo sát thị trường.

“Sở sẽ thường xuyên chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát các DN lợi dụng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng kém chất lượng, tồn kho lâu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… về bán tại các vùng nông thôn, miền núi hoặc trong các chương trình bán hàng Việt”, ông Phan Văn Kha nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.