.

Phát huy tiềm năng, khai thác nguồn lực

.

Trong khuôn khổ triển lãm thành tựu 40 năm phát triển Đà Nẵng, sáng 23-4, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Thành phố Đà Nẵng: Thành tựu, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Trong đó, vấn đề nhận diện thách thức và hội nhập phát triển của thành phố Đà Nẵng ở những năm đến được đề cập nhằm sớm có giải pháp phát huy tiềm năng, khai thác nguồn lực để phát triển.

Nhận diện thách thức

40 năm sau ngày giải phóng và gần 20 năm khi Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã định vị được vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đà Nẵng đã phát huy tốt sự đồng thuận, đoàn kết, sáng tạo, linh hoạt; huy động mọi nguồn lực để xây dựng thành phố phát triển toàn diện; kinh tế thành phố luôn giữ được mức tăng trưởng cao so với bình quân cả nước, hạ tầng đô thị hiện đại.

Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn còn nhiều thách thức trong hội nhập, phát triển. Theo TS Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, đó là thích ứng với cam kết quốc tế và khu vực; hệ thống pháp luật, chính sách dù từng bước hoàn thiện nhưng chưa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán…làm cho doanh nghiệp (DN) đứng trước những bất lợi khi có xảy ra tranh chấp thương mại. Nhận thức về hội nhập quốc tế về sự tham gia của các tổ chức kinh tế thương mại khu vực và toàn cầu…chưa thật sự đầy đủ.

Cán bộ quản lý Nhà nước, DN và người dân chưa sẵn sàng chủ động hội nhập, nắm bắt cơ hội và định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh. Thành phố hiện có đến 98% là DN nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Đặc biệt, thành phố chưa xây dựng được ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp phụ trợ để tận dụng các cơ hội của hội nhập quốc tế và khu vực.

Minh chứng cho thực trạng này, Giám đốc Sở Công thương Phan Văn Kha nêu: Ngành dệt may chiếm 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố nhưng giá trị gia tăng thấp; phần lớn các DN thực hiện gia công. Ngành thủy sản cũng là thế mạnh của thành phố nhưng chưa gia tăng giá trị sản xuất, mạng lưới phân phối ở nước ngoài còn yếu và dựa vào đối tác trung gian nên thương hiệu của DN xuất khẩu thủy sản mờ nhạt. Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Trần Văn Sơn nhận định toàn diện về bức tranh kinh tế thành phố trước những thách thức phát triển trong giai đoạn mới.

Đó là quy mô nền kinh tế thành phố còn nhỏ, khả năng tích lũy để tái đầu tư còn hạn chế, sức cạnh tranh và hiệu quả trên một số lĩnh vực còn thấp. Sự tăng trưởng kinh tế chưa có sự thay đổi lớn khi tỷ trọng tăng trường để đóng góp trong GRDP của ngành du lịch còn thấp, dịch vụ thương mại thiếu sản phẩm chất lượng cao; năng lực, quy mô sản xuất công nghiệp chưa có sự bứt phá mạnh mẽ. DN Đà Nẵng chưa hình thành những ngành hàng, sản phẩm, DN chủ lực có quy mô sản xuất kinh doanh lớn.

Giải pháp để hội nhập, phát triển

Theo ông Trần Văn Sơn, để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại thì lĩnh vực kinh tế cần phát triển nhanh, bền vững với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô và chất lượng tăng trưởng; hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, Đà Nẵng tập trung thực hiện các “Đề án tái cơ cấu kinh tế”, “Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp. Thành phố cũng huy động và tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển với việc triển khai các cơ chế ưu đãi đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý.

Riêng đối với ngành công nghiệp, thương mại, ông Phan Văn Kha, mong muốn DN Đà Nẵng chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Theo ông Kha, thành phố cần tăng tỷ trọng đầu tư từ vốn ngân sách cho việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho DN; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hạ tầng ở các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin gắn với thu hút đầu tư phát triển.

Tại hội thảo, TS Huỳnh Huy Hòa (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội thành phố) cho rằng, để phát triển kinh tế và hội nhập, Đà Nẵng cần phát triển nhanh và bền vững các ngành dịch vụ, tập trung phát triển mạnh mẽ các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin. Trong thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển DN dân doanh, doanh nghiệp “đầu đàn” và dẫn dắt, có sản phẩm chủ lực, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; đồng thời phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.