.
Giải pháp thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài

Bài 1: Thách thức mới khi tìm dòng vốn FDI

.

Trước năm 2010, Đà Nẵng đạt nhiều kết quả trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lúc bấy giờ, nhiều địa phương trong nước tìm về Đà Nẵng để học tập kinh nghiệm.

Quỹ đất ngoài khu công nghiệp khan hiếm, trong khu công nghiệp thì manh mún làm cản trở việc vận động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Thi công dự án Khu công nghệ cao nhưng mặt bằng dành cho sản xuất được quy hoạch ít ỏi trong tổng mặt bằng dự án.
Quỹ đất ngoài khu công nghiệp khan hiếm, trong khu công nghiệp thì manh mún làm cản trở việc vận động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Thi công dự án Khu công nghệ cao nhưng mặt bằng dành cho sản xuất được quy hoạch ít ỏi trong tổng mặt bằng dự án.

Nhưng hiện nay, Đà Nẵng phải tìm học ở các tỉnh về thu hút FDI và bộc lộ những khó khăn, thách thức mới trong việc tìm nguồn đầu tư phát triển.

Sụt giảm thu hút vốn đầu tư FDI là thực tế diễn ra ở Đà Nẵng. Trong năm 2014, thành phố có 30 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký gần 126,4 triệu USD và 16 dự án tăng vốn đầu tư với nguồn vốn tăng thêm 30,26 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm vốn có giá trị 156,65 triệu USD, bằng 53,15% so với năm 2013.

Những tháng đầu năm 2015, tình hình thu hút vốn đầu tư FDI tiếp tục giảm sâu và thiếu khả quan khi nguồn vốn FDI được tính bằng đồng Việt Nam (VND) với giá trị chỉ vài chục tỷ đồng. Đến nay, tổng vốn FDI vào Đà Nẵng đạt 3.389 triệu USD, trong đó chỉ có 2.055 triệu USD đã thực hiện.

Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng thừa nhận đây là kết quả không mong muốn khi mà thành phố đã rất nỗ lực trong thu hút vốn FDI. “Bên cạnh những yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới hồi phục chậm, quy mô thị trường miền Trung nhỏ hẹp, sức mua yếu, điều kiện thời tiết không thuận lợi và tình hình phức tạp ở Biển Đông, nguyên nhân chính làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thu hút vốn FDI của Đà Nẵng là việc Đà Nẵng chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc.

Để bảo đảm môi trường du lịch và phát triển bền vững, thành phố chủ trương chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch”, ông Minh cho biết.

Thời gian qua, một số nhà đầu tư đã đến Đà Nẵng khảo sát và dự định đầu tư nhằm đón đầu cơ hội mở ra khi Việt Nam tham gia TPP thông qua các dự án quy mô lớn về lĩnh vực dệt nhuộm. Tuy nhiên, do các dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên thành phố không giữ chân nhà đầu tư. Cụ thể, đầu năm 2014 thành phố đã từ chối dự án đầu tư 200 triệu USD của Tập đoàn Dệt-may Hồng Kông; trong quý 2-2014, tiếp tục từ chối dự án có quy mô 30ha để phát triển công nghiệp dệt nhuộm của Hàn Quốc.

Dù từ chối các dự án đầu tư sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhưng khi bước vào thực hiện thu hút dự án FDI vào lĩnh vực công nghệ cao lại khó khăn, bởi lĩnh vực này rất kén chọn nhà đầu tư; cần thêm những đòi hỏi về hạ tầng khu công nghiệp cũng như chiến lược phát triển khu công nghiệp.

Thách thức nữa trong thu hút đầu tư FDI đối với Đà Nẵng là thiếu quỹ đất kêu gọi đầu tư. Quỹ đất ngoài khu công nghiệp như khu vực ven biển đều có nhà đầu tư và trong số này chưa triển khai dự án. Một số khu vực khác chưa được quy hoạch cụ thể nên khi thực hiện xúc tiến đầu tư FDI đối với các dự án về các lĩnh vực như y tế, giáo dục, thương mại… gặp khó khăn về chọn địa điểm đầu tư.

Những địa điểm thu hút đầu tư có sẵn nhưng chưa có mặt bằng sạch và có các tiện ích cần thiết. Quỹ đất trong các khu công nghiệp của thành phố ở một vài khu có mặt bằng nhưng diện tích nhỏ, không đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Hạ tầng ở Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp chưa hoàn chỉnh. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Khu công nghệ cao có diện tích quy hoạch 1.130ha nhưng chỉ có 208ha dành cho sản xuất, phần diện tích lớn còn lại dành cho khu vườn ươm công nghệ cao, khu nghiên cứu phát triển, trung tâm đào tạo, logistics và khu hành chính-văn phòng. Hiện các phân khu chức năng chưa được xây dựng và mới chỉ có trên 100ha đất sản xuất. Tại đây cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Ở các khu công nghiệp lại có quy mô nhỏ, chủ đầu tư dự án chỉ chú trọng đầu tư mặt bằng để cho thuê đất đến nhà đầu tư thứ cấp, chưa đầu tư dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, phúc lợi xã hội như nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, y tế, vui chơi giải trí… nên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

Thách thức trong thu hút FDI đối với thành phố Đà Nẵng là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn nhà đầu tư và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, công tác xúc tiến đầu tư ở Đà Nẵng thiếu tập trung, kinh phí xúc tiến đầu tư hạn hẹp và có sự tác động do thị trường bất động sản đóng băng, việc thu hút vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản du lịch gặp khó khăn.

FDI cả nước: Thu hút giảm, giải ngân tăng

Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố số liệu FDI quý 1-2015. Theo đó, tính đến ngày 20-3, cả nước có 267 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1,21 tỷ USD, bằng 59,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Ngoài ra, có 102 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 621,12 triệu USD, bằng 48,2% so với cùng kỳ năm 2014. Vốn thu hút mới có giảm nhưng việc giải ngân tăng - theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 3,05 tỷ USD, tăng 7% với cùng kỳ năm 2014.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý 1, có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 491,05 triệu USD, chiếm 26,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

(Nguồn: Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng)

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.