.

Lúng túng chuyển đổi hoạt động hợp tác xã

.

Luật Hợp tác xã (HTX) có hiệu lực từ 1-7-2013. Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến năm 2016, các HTX trên phạm vi cả nước phải chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX mới này.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại HTX Bảo Trung.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại HTX Bảo Trung.

Tuy vậy, đến nay, gần 2 năm Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, việc chuyển đổi theo luật mới vẫn rất chậm và gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Thậm chí không ít HTX rất lúng túng, chưa biết chuyển đổi theo cách nào để khỏi lâm vào tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Chỉ tính riêng lĩnh vực nông nghiệp, hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 44 HTX, trong đó 18 HTX thành lập từ sau ngày miền Nam giải phóng, quy mô toàn dân. Mặc dù các HTX này đều thực hiện theo Luật HTX năm 2003, song cơ bản vẫn hoạt động theo kiểu cũ. Có chăng một số thay đổi không đáng kể như tên gọi của HTX và các chức danh.

Hầu hết HTX nông nghiệp đều thực hiện 5 dịch vụ, đó là làm đất, thủy nông, bảo vệ thực vật, kỹ thuật-giống và chỉ đạo sản xuất. Trước tác động của kinh tế thị trường và tính tự chủ của nông hộ ngày càng cao, vai trò và tính hiệu quả các dịch vụ này đang giảm dần. Từ đó, thu nhập của cán bộ HTX không cao. Đến nay, chưa HTX nào ở Đà Nẵng chuyển đổi theo luật mới.

HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Hòa Tiến 1 (huyện Hòa Vang) là đơn vị được chọn chuyển đổi mô hình theo luật mới, dự kiến tháng 3-2015 triển khai. Hàng chục năm nay, HTX này luôn là ngọn cờ đầu của kinh tế tập thể ở Đà Nẵng. Hiện tại HTX có 3.637 thành viên của 1.535 nông hộ thuộc 6 thôn của xã Hòa Tiến, sản xuất 250ha lúa, 34ha màu. Đây cũng là HTX có tài sản cố định khá lớn, trị giá hàng tỷ đồng; bao gồm nhà cửa, kho tàng, lò sấy thóc, máy móc nông cụ...

Mặc dù chưa triển khai chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, nhưng lãnh đạo HTX cho biết, việc thực hiện sẽ khó khăn. Trong đó, vướng mắc nhất là khó tránh khỏi tình trạng “bình mới rượu cũ”, tức là bản chất và quy mô, hoạt động của HTX không có gì thay đổi so với trước. Nói về số lượng thành viên, Giám đốc HTX Nguyễn Thảo cho hay: Trước đây, HTX có 3.637 thành viên. Nay dự kiến, số thành viên sẽ không tính theo lao động mà tính theo hộ, tức là sẽ có 1.535 hộ (nếu không có ai xin ra khỏi HTX). Sau đại hội, thành viên không thay đổi, mọi hoạt động dứt khoát sẽ diễn ra như cũ, và như vậy việc chuyển đổi sẽ không đáp ứng yêu cầu luật mới.

 Vướng mắc thứ hai là hoạt động của HTX chưa thoát ra khỏi 5 dịch vụ đã và đang triển khai. Trong khi đó, tính tự chủ của các thành viên ngày càng cao, họ ít cần tới các dịch vụ của HTX. Với HTX Hòa Tiến 1, hiện tại triển khai dịch vụ làm đất chỉ 2 máy cày MTZ đã cũ, trong khi nông dân có tới 10 máy loại nhỏ. HTX không có máy thu hoạch, còn nông dân có tới 7 máy gặt đập liên hợp. Đáp ứng nhu cầu về phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật đã có thị trường rất phong phú, ít người cần tới dịch vụ của HTX. Hiện tại, chỉ có dịch vụ thủy nông HTX đang đảm nhiệm.

Với 250ha đất lúa, mỗi năm thu khoảng 100 triệu đồng, trả công cho thủy nông viên, tu bổ kênh mương nội đồng, còn lại chẳng bao nhiêu. Dịch vụ thu hẹp, nguồn thu ít, thu nhập của cán bộ, nhân viên HTX thấp.

Ông Nguyễn Xuân Luyến, Trưởng ban Kiểm soát của HTX Hòa Tiến 1 cho biết: Năm nào HTX cũng đạt doanh thu 4-5 tỷ đồng, lãi sau thuế khoảng 200 triệu đồng, liên tục là ngọn cờ đầu của kinh tế tập thể thành phố, thế nhưng lương cán bộ HTX chưa đến 2 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập thấp, liệu có đủ sức thu hút người có năng lực về HTX công tác?

Đang trong quá trình chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, ông Nguyễn Sỹ, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Hòa Phong 1, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cũng nhận thấy không ít khó khăn vướng mắc.

Ông Sỹ chia sẻ: Bản chất của Luật HTX mới là thành viên ít, vốn góp nhiều, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động trên tinh thần tự nguyện, đồng sở hữu và bình đẳng. Thế nhưng, hiện tại HTX có 1.934 thành viên của gần 1.000 nông hộ. Sau đại hội, số hộ là số thành viên. Như vậy chẳng khác trước là mấy.

Thành viên nhiều, vốn góp ít là đặc thù của HTX nông nghiệp, từ đó khó tạo bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, hoạt động của HTX khó vượt ra khỏi các dịch vụ đang triển khai. Nói đúng hơn, nếu không có giải pháp hợp lý, sau chuyển đổi, quy mô, bản chất và hoạt động của HTX cũng y như trước. Đó là chưa nói, việc thu hồi công nợ sẽ vô cùng khó khăn. Hiện tại các thành viên đang nợ HTX 200 triệu đồng, thu hồi số nợ này là vấn đề nan giải.

Trong khi kinh tế HTX luôn trì trệ, hoạt động đơn điệu theo kiểu “cha chung không ai khóc”, việc chuyển đổi mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012 sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần có lộ trình và giải pháp hợp lý cho việc chuyển đổi này để các HTX có điều kiện phát triển.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.