.

Thưa vắng khách tại các điểm mua sắm

.

Những tháng mùa mưa, lượng khách đến Đà Nẵng giảm nhiều so với cao điểm mùa du lịch hè, theo đó thưa vắng khách tại các điểm mua sắm, kinh doanh.

Đà Nẵng đang vào mùa mưa nên khách du lịch ghé các điểm mua sắm giảm nhiều.
Đà Nẵng đang vào mùa mưa nên khách du lịch ghé các điểm mua sắm giảm nhiều.

Một trong những điểm mua sắm ưa thích của khách du lịch khi đến Đà Nẵng là chợ Hàn. Theo đánh giá của các tiểu thương bán hàng đồ khô, đồ lưu niệm, đặc sản của miền Trung ở chợ, bắt đầu vào mùa mưa nên khách du lịch ghé chợ mua sắm giảm nhiều so với những tháng hè.

Bà Ngô Thị Yến, chủ ki-ốt Yến Nhỏ chuyên bán đồ khô, đặc sản Đà Nẵng tại chợ Hàn cho biết: “Nếu như những tháng hè khách trong nước và quốc tế đi chợ mua sắm đông, bán hàng không kịp thì giờ chỉ bán lai rai, một ngày trung bình khoảng 10-20 lượt khách, chủ yếu là khách lẻ mua đồ về làm quà”.

Nằm giữa con đường đi từ Huế vào Đà Nẵng, Hội An và ngược lại, những lúc cao điểm, Trạm dừng Mêkông Hải Vân mỗi ngày có cả ngàn lượt khách ghé vào nghỉ ngơi, sử dụng các dịch vụ ăn trưa, uống nước và mua sắm thì hiện tại, lượng khách giảm đến 50% so với lúc cao điểm.

Giám đốc điều hành Trạm dừng Mêkông Hải Vân Nguyễn Hoàng Lương cho hay: “Chủ yếu là khách của các công ty lữ hành; ngoài ra, cũng có khách lẻ ghé vào. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng đa dạng hóa các loại đặc sản, đồ lưu niệm, nhưng đa số khách chỉ chi tiêu cho các dịch vụ nghỉ dưỡng và ăn uống, số khách rút hầu bao cho mua sắm khá khiêm tốn”.

Không riêng gì các chợ, tại một số siêu thị đặc sản miền Trung khách mua sắm cũng giảm đáng kể. Theo đánh giá của anh Nguyễn Nhơn Phú, chủ chuỗi Siêu thị đặc sản miền Trung Thiên Phú, do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn nên so với năm ngoái, mức chi tiêu của khách cũng eo hẹp hơn, có lúc giảm 30-40%. Bên cạnh đó, Đà Nẵng bắt đầu vào mùa mưa, khách du lịch ít nên số lượng hàng bán ra ít hơn 70-80% so với những lúc đông khách.

Cùng với tình hình kinh tế khó khăn, một trong những lý do khiến du khách ít mặn mà với việc mua sắm là vì các sản phẩm ít và đơn điệu. Ngoài một số sản phẩm lưu niệm là đá thì quanh đi quẩn lại chủ yếu là các mặt hàng khô như mực khô, tôm khô, mè khô…

Vì vậy, để khách chịu mua sắm và quay lại với cửa hàng của mình, anh Nhơn Phú chia sẻ bí quyết: “Tuy khách có giảm nhiều ở mùa thấp điểm nhưng chúng tôi luôn cố gắng mang lại những sản phẩm tốt, chất lượng, giá cả phải chăng để khách hàng tự giới thiệu với bạn bè, người thân và tìm đến khi quay lại”.

Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà (Viet Da Travel) cho biết: Để khắc phục tình hình khó khăn, cùng với việc giảm giá tour từ 10-35%, thậm chí tháng cao điểm giảm tới 49% cho các tour trong nước và tour du lịch nước ngoài, Viet Da Travel còn phối hợp với một số đối tác và các hội doanh nghiệp, câu lạc bộ tổ chức chương trình tham quan, khảo sát, học tập và kết nối giao thương cho doanh nhân các vùng, miền tại Thái Lan. Ngoài ra, bên cạnh việc quảng bá sản phẩm, đa dạng hàng hóa, các cơ sở mua sắm cũng nên có sự liên kết với các đơn vị lữ hành để tránh tình trạng thưa vắng khách trong những mùa du lịch thấp điểm.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.