.

Quản lý tổng hợp đới bờ dải ven biển

.

Dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với diện tích trên 84.000km2. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh đối với cả nước, là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và các nước trên trục hành lang kinh tế Đông-Tây, nối đường xuyên Á với đường hàng hải quốc tế. Đồng thời, cũng là nơi tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú và có tiềm năng lớn cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành và sản phẩm mũi nhọn.

Mặc dù giàu tài nguyên và có tiềm năng lớn để phát triển, song dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về tài nguyên và môi trường. Nguồn lợi hải sản và các tài nguyên thủy sinh có chiều hướng suy giảm. Chất lượng nước ven bờ, đặc biệt là tại các vùng nước cửa sông, bến cảng, các khu đô thị và dân cư ven biển đang ô nhiễm. Hiện tượng bồi lấp và xói lở tại nhiều vùng cửa sông, ven biển và các khu vực cảng khá nghiêm trọng, làm thay đổi các hệ sinh thái ven biển.

Hơn nữa, dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là nơi chịu thiệt hại nhiều do thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng, nơi chịu tác động bởi hiện tượng cát bay, cát chảy và tiềm ẩn nguy cơ gió lốc, vòi rồng, trong đó có các tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu. Dân số vùng ven biển vẫn gia tăng và đa số họ làm nghề nông, đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, đời sống chủ yếu nhờ vào nguồn lợi biển nên thiếu ổn định, tỷ lệ nghèo cao.

Ngoài những bất lợi về thiên nhiên, sự bất cập yếu kém trong công tác quản lý cũng dẫn đến những hạn chế chính trong quản lý tài nguyên và môi trường biển. Vì vậy, cần xây dựng và triển khai chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Ngày 8-10-2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến 2020” tại Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg. Mục tiêu của chương trình là nhằm tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên, môi trường, phục vụ phát triển bền vững các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thông qua việc áp dụng phương thức quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB).

Chương trình ra đời đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai quản lý tài nguyên biển Việt Nam. Đến nay, qua một thời gian thực hiện, chương trình đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tư duy của lãnh đạo các tỉnh, thành phố về QLTHĐB, khắc phục những mặt còn hạn chế của phương pháp quản lý truyền thống theo ngành và theo lãnh thổ, giải quyết những bất hợp lý trong sử dụng không gian tài nguyên vùng bờ giữa các ngành và cộng đồng.

Trong định hướng đến năm 2020, Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt về khai thác sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng nhằm tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên, môi trường, phục vụ phát triển bền vững các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam thông qua áp dụng phương thức QLTHĐB.

Trước mắt, tập trung hoàn thiện về cơ chế chính sách và pháp luật; trình Chính phủ ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động QLTHĐB quốc gia; Bộ TN&MT ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về QLTHĐB; ban hành tài liệu phục vụ triển khai các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng phục vụ QLTHĐB cho cấp Trung ương và các địa phương. Song song, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về QLTHĐB; hoàn thành cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin tổng hợp phục vụ QLTHĐB…

QLTHĐB là một phương thức quản lý hiệu quả tài nguyên và môi trường biển và ven biển, hướng tới sự phát triển bền vững, đang được đánh giá cao và áp dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới và ở Việt Nam. Cách tiếp cận QLTHĐB xuất phát từ nhu cầu thay đổi, khắc phục những hạn chế của phương thức quản lý tài nguyên và môi trường truyền thống theo ngành, theo lãnh thổ, thiếu sự liên kết, hợp tác hiệu quả trong việc lập, triển khai kế hoạch và đưa ra các quyết định liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường chung phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Thông qua những kiến thức và kinh nghiệm có được từ các dự án thí điểm, Bộ TN&MT đã triển khai QLTHĐB và từng bước có hiệu quả cho các địa phương ven biển Việt Nam.

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.