.
Đột phá trong trả nợ đất tái định cư

Bài 1: Gỡ nút thắt

.

Hơn một tháng qua, lãnh đạo thành phố đến tận các quận, huyện "kiểm tra, xử lý" đất tái định cư (TĐC) cho hộ giải tỏa. Từ đây, “mớ bòng bong” về tình hình bố trí TĐC đã tháo gỡ, hộ giải tỏa được nhận đất làm nhà.

Qua chủ trương sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ đền bù giải tỏa, bố trí TĐC, những bất cập trong quản lý điều hành dự án, đền bù giải tỏa và bố trí TĐC dần lộ rõ. Trong đó, có hiện tượng thiếu “ảo” về quỹ đất TĐC và nay đã được làm sáng tỏ để giao đất TĐC cho hộ giải tỏa.

Lãnh đạo thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát cụ thể từng lô đất để nhanh chóng bố trí tái định cư cho dân.  Ảnh: VIỆT DŨNG
Lãnh đạo thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát cụ thể từng lô đất để nhanh chóng bố trí tái định cư cho dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nút thắt trong quản lý

Sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố giao quỹ đất TĐC về Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) quản lý thì nguồn quỹ đất chưa đưa vào sử dụng, bố trí đất TĐC được phát lộ. Ngày 30-5-2014, Trung tâm Phát triển quỹ đất TĐC đã có 19.307 lô đất TĐC được 17 đơn vị quản lý, điều hành, thi công hạ tầng… bàn giao.

Từ cơ sở có nguồn quỹ đất TĐC, lãnh đạo thành phố chỉ đạo làm rõ tình hình sử dụng quỹ đất và lập lại phương án bố trí TĐC cho hộ giải tỏa với chủ trương xử lý hết số lô đất TĐC vốn tồn đọng bố trí trên sơ đồ. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo thành lập các tổ công tác đến từng quận, huyện để rà soát quỹ đất TĐC. Đây là cuộc “thanh tra” về thực trạng triển khai các dự án TĐC và quản lý quỹ đất.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, qua rà soát quỹ đất TĐC, phát hiện hàng trăm lô đất TĐC đã thi công hoàn thiện hạ tầng chưa đưa vào sử dụng. Tại quận Cẩm Lệ, cũng phát hiện trên 300 lô đất TĐC được các đơn vị quản lý, điều hành dự án, bố trí đất TĐC giấu nhẹm. Việc giấu quỹ đất TĐC thực tế ở các dự án trực tiếp làm cho tình hình nợ đất TĐC hộ giải tỏa kéo dài nhiều năm. Người dân chờ đất để làm nhà ở, đất TĐC đã hoàn thiện hạ tầng lại chờ dân.

Tình trạng nợ đất TĐC làm ảnh hưởng đến tiến độ giải tỏa đền bù, triển khai các dự án phát triển đô thị và tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Lãnh đạo thành phố đã phải dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo giải quyết đất ở TĐC cho hộ giải tỏa. Tuy nhiên, xuất phát từ công tác quản lý ở các đơn vị chức năng chưa được chặt chẽ dẫn đến tính hiệu quả của công tác xử lý nợ đất TĐC rất hạn chế.

Sở Xây dựng chưa được các đơn vị thực hiện dự án báo cáo đầy đủ và đúng thực tế nguồn quỹ đất; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cũng cuốn vào vòng quay lập dự toán đầu tư để xây dựng mới dự án các khu TĐC. Một nguồn kinh phí ngân sách đáng kể khác cũng đã buộc phải chi ra mua lại đất nền của các dự án bất động sản thương mại làm nguồn đất TĐC cho hộ giải tỏa. Gần đây cũng có kế hoạch chi hàng trăm tỷ đồng để mua đất nền của doanh nghiệp.

Từ chủ trương sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ đền bù giải tỏa và bố trí TĐC, nút thắt trong quản lý đã được tháo gỡ, từng bước làm lành mạnh, minh bạch về quỹ đất TĐC. Trong các cuộc làm việc về xử lý nợ đất TĐC ở các quận, huyện, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chỉ đạo hằng tuần các đơn vị thực hiện công tác đền bù giải tỏa phải có báo cáo lên lãnh đạo thành phố. Theo đó, báo cáo thiếu trung thực, có sai sót thì lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chịu hình thức kỷ luật.

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng nợ đất là có sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thiếu công khai, minh bạch về tình hình bố trí đất TĐC ở các dự án. Một bộ phận cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chưa thể hiện trách nhiệm trong công việc, chưa thấu hiểu nỗi khổ của hộ giải tỏa, nghe tiếng nói của người dân.

Được công khai về quỹ đất, phương án bố trí tái định cư, nhiều hộ giải tỏa ở quận Ngũ Hành Sơn nói: “Đây là ngày hội về công khai, dân chủ và thấu hiểu lòng dân của chính quyền thành phố”.
Được công khai về quỹ đất, phương án bố trí tái định cư, nhiều hộ giải tỏa ở quận Ngũ Hành Sơn nói: “Đây là ngày hội về công khai, dân chủ và thấu hiểu lòng dân của chính quyền thành phố”.

Lãnh đạo thành phố đi “đòi nợ” đất tái định cư

Tại cuộc họp xử lý nợ đất TĐC ở quận Liên Chiểu, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nói: “Tôi là Bí thư Thành ủy đi đòi đất TĐC cho người dân, bây giờ các anh có trả không?”.

Liên Chiểu là địa phương thứ 3 sau các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ mà Bí thư Thành ủy Trần Thọ trực tiếp chỉ đạo việc xử lý nợ đất TĐC cho hộ giải tỏa. Để có sự chỉ đạo sát sao với tình hình thực tế, người lãnh đạo cao nhất thành phố trực tiếp đến các dự án trên mỗi địa bàn quận, huyện để được trực tiếp tai nghe, mắt nhìn tường tận những địa điểm, những lô đất đã hoàn thiện hạ tầng để chỉ đạo.

Trên cơ sở nguồn đất và phương án xử lý nợ đất TĐC, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các quận, huyện tổ chức gặp gỡ hộ giải tỏa, công khai đất ở TĐC. Tiếp đó, tổ chức cho người dân bốc thăm chọn đất TĐC trên cùng tuyến đường quy hoạch được bố trí. Hộ giải tỏa không đến nhận đất cũng được ấn định vị trí đất TĐC. Trường hợp chuyển đổi đất sang vị trí tuyến đường quy hoạch lớn được ghi nợ tiền chênh lệch về giá trị chuyển quyền sử dụng đất. Tổ công tác của thành phố và quận cũng hướng dẫn người dân lập thủ tục về hồ sơ đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, những vị trí tuyến đường có mật độ xây dựng 50% sẽ thi công thảm nhựa đường giao thông.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo xử lý nợ đất TĐC đối với 445 hộ gồm 558 lô đất. Ở quận Cẩm Lệ có 426 hộ giải tỏa với 469 lô đất TĐC, quận Liên Chiểu có 344 hộ gồm 599 lô đất và huyện Hòa Vang với 172 hộ, 213 lô đất TĐC còn nợ hộ giải tỏa được giải quyết, giao đất cho người dân làm nhà ở.

Qua một tháng triển khai xử lý nợ đất TĐC, các quận, huyện đã giải quyết 1.749 lô đất TĐC cho hộ giải tỏa. Quận Ngũ Hành Sơn hoàn thành 100% số hộ nợ đất TĐC được bàn giao đất ở thực tế. Các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu đã giao đất thực tế cho hộ giải tỏa đạt trên 95%. Theo kế hoạch, đến 30-11, toàn thành phố sẽ bố trí đất ở TĐC cho tất cả các hộ giải tỏa, kể cả các hộ vừa bàn giao mặt bằng trong năm 2014.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.