.

Ngư dân lo "chỉ tiêu đóng tàu"

.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là một cú hích cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên, hiện nhiều ngư dân Đà Nẵng hết sức băn khoăn, lo lắng vì sợ mình không nằm trong danh sách được ưu tiên cho vay vì chỉ tiêu phân bổ quá ít.

Với 47 chỉ tiêu được phân bổ đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhiều ngư dân Đà Nẵng đang thấp thỏm lo âu.
Với 47 chỉ tiêu được phân bổ đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhiều ngư dân Đà Nẵng đang thấp thỏm lo âu.

Nỗi niềm của ngư dân

Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng chính thức đăng tải việc Đà Nẵng được Bộ NN&PTNT phê duyệt chỉ tiêu 47 phương tiện (39 tàu đánh bắt, 8 tàu hậu cần) theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong khi đó, đến nay, toàn thành phố đã đăng ký khoảng 160 hồ sơ. Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều ngư dân hết sức băn khoăn, lo lắng, bởi sợ mình không lọt vào con số ít ỏi đó.

Ngư dân Lê Văn Mai (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) trăn trở: “Khi có Nghị định 67, tôi rất mừng và hy vọng sẽ được tiếp cận vốn để đóng mới tàu. Do đó, tôi đã xây dựng phương án để đăng ký lên chính quyền địa phương. Trong phương án, tôi đã tính mức vay, mức lợi nhuận và khả năng trả cho ngân hàng mỗi tháng. Tuy nhiên, với số lượng ít như vậy, không biết có đến lượt mình không”. Hơn 30 năm làm nghề biển, giờ đây anh Mai sở hữu con tàu đánh bắt xa bờ có công suất 300CV. Mong muốn của anh là sở hữu con tàu vỏ gỗ có công suất 800CV từ Nghị định 67. Nhưng giờ đây, anh vẫn thấp thỏm chờ để được thành phố phê duyệt.

Tương tự, ngư dân Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), cho biết dự án của anh là làm theo tổ đội, khoảng 5-6 phương tiện và chỉ lựa chọn phương án vay để đóng tàu vỏ gỗ công suất lớn. Theo anh Minh, khi có tàu công suất lớn sẽ vươn khơi xa. Trong quá trình khai thác sẽ hỗ trợ lẫn nhau, xen kẽ chở hải sản về đất liền và chuyển nhiên liệu, đá, nhu yếu phẩm ra khơi phục vụ ngư dân. “Nghị định 67 chính là cú hích cho ngư dân. Tuy nhiên, giờ đây ngư dân ai cũng lo vì phân bổ số lượng đóng mới tàu theo nghị định quá ít”, anh Minh nói. Anh Minh đặt câu hỏi, tại sao phân bổ chỉ tiêu đóng mới tàu của Đà Nẵng ít trong lúc ngư dân ngày đêm bám biển Hoàng Sa, đối đầu với biết bao hiểm nguy để giữ biển; mong sao Trung ương xem xét lại để tạo cơ hội cho ngư dân Đà Nẵng tiếp cận nguồn vốn, đóng mới tàu vươn khơi làm kinh tế, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Hiện tại, hai quận Sơn Trà và Thanh Khê có số lượng đăng ký đóng mới tàu theo Nghị định 67 khá nhiều. Chỉ riêng phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đã có 41 hồ sơ đăng ký.

Phải xét duyệt kỹ, công bằng cho ngư dân

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ định 5 ngân hàng thương mại Nhà nước trích 14.000 tỷ đồng để cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ. Theo đó, Agribank sẽ trích 5.000 tỷ đồng, BIDV 3.000 tỷ đồng, VietinBank 3.000 tỷ đồng, MHB 2.000 tỷ đồng, Vietcombank 1.000 tỷ đồng.

Nhiều ngư dân cho rằng, việc Trung ương đưa ra chỉ tiêu như thế sẽ làm khó cho việc xét chọn của các ngành chức năng của Đà Nẵng. Bởi những hồ sơ đang được đăng ký là những ngư dân tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm về biển giã, các phương án khả thi chứ không phải đăng ký để được vay vốn rồi làm ăn không hiệu quả. Do đó, lấy ai, loại ai sẽ là một vấn đề đòi hỏi việc lựa chọn, xét duyệt phải kỹ càng và công bằng.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, cho biết sau khi Bộ NN&PTNT phân bổ cho Đà Nẵng 47 chỉ tiêu, sở đã tham mưu cho UBND thành phố có văn bản kiến nghị với bộ. Sở cũng có văn bản kiến nghị với Tổng cục Thủy sản để nâng chỉ tiêu cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, phía Bộ NN&PTNT vẫn giữ nguyên chỉ tiêu cũ. “Nguyện vọng đóng mới tàu của ngư dân khá nhiều và rất chính đáng. Nhưng với chỉ tiêu như vậy thì quá ít so thực tiễn của ngành thủy sản Đà Nẵng hiện nay”, ông Tám nói. Để công bằng trong việc xét duyệt hồ sơ, Sở NN&PTNT thành phố cùng các ngành liên quan đang tham mưu cho UBND thành phố thành lập Ban chỉ đạo xét duyệt.

Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng Võ Minh cho biết, ngày 27-8, Chi nhánh Ngân hàng đã có văn bản gửi 5 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước yêu cầu báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Theo ông Võ Minh, khi có phê duyệt của chính quyền thành phố, ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định lại, nếu chưa đạt cũng không thể cho vay. Hiện nay, ngành ngân hàng đã sẵn sàng nguồn vốn để cho ngư dân tiếp cận. “Sau khi có các thông tư hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, ngành ngân hàng và Sở NN&PTNT thành phố sẽ phối hợp triển khai đến các ngành, các cấp và ngư dân”, ông Võ Minh cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.