.

Hiến kế xã hội hóa cây xanh

.

Chương trình xã hội hóa phát triển cây xanh là tiểu đề án trong Đề án đầu tư phát triển cây xanh của thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả. Trách nhiệm của cộng đồng được nâng cao khi việc trồng và chăm sóc cây xanh đô thị đang được Sở Xây dựng trực tiếp làm vai trò “nhạc trưởng”.

Cần nhiều ý tưởng mới để thực hiện xã hội hóa cây xanh đạt hiệu quả cao.
Cần nhiều ý tưởng mới để thực hiện xã hội hóa cây xanh đạt hiệu quả cao.

Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách ưu tiên đầu tư cho các dự án phát triển đô thị, thực hiện các chương trình an sinh xã hội thì việc tận dụng và phát huy các nguồn lực từ cộng đồng sẽ tăng thêm nguồn lực để cải thiện môi trường sống, tạo cảnh quan xanh, sạch từ mảng cây xanh, vườn hoa công cộng”. Sau một năm thực hiện Đề án xã hội hóa phát triển cây xanh giai đoạn 2013-2014, hàng chục mô hình xã hội hóa được triển khai và đang có sức lan tỏa trong cộng đồng. Thanh Khê là địa phương triển khai thí điểm mô hình xã hội hóa cây xanh được cộng đồng tích cực tham gia thực hiện vườn dạo tại khu dân cư, công viên… Các công viên cây xanh xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn quận như khu dân cư 292 đường Điện Biên Phủ với các tổ dân phố 27, 28 và 117 phường Chính Gián. Ở địa bàn phường An Khê, cảnh quan môi trường tuyến kênh hở khu dân cư mới Phần Lăng có nhiều đoạn tuyến cỏ dại xâm chiếm, môi trường phát tán mùi hôi. Người dân sống trong khu vực đóng góp kinh phí lập vườn dạo với lối đi được bê-tông hóa, tổ chức trồng và chăm sóc 50 cây muồng tím. Mô hình phát triển vườn dạo nhân rộng ra khu vực khu dân cư Thanh Lộc Đán hay thực hiện đặt chậu cây xanh cảnh quan trên tuyến đường Hoàng Hoa Thám.

Ở quận Liên Chiểu, nơi có tốc độ đô thị hóa tăng cao, cơ sở trường học đầu tư xây dựng mới nhưng mảng cây xanh ở sân trường quá ít ỏi. Từ các chương trình ngoại khóa về bảo vệ môi trường, các đơn vị trường học ở địa bàn đã trồng và chăm sóc 1.400 cây xanh và đặt 1.600 chậu hoa, cây cảnh. Sức lan tỏa của phong trào xã hội hóa cây xanh đến với tổ chức Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh… Hội LHPN thành phố có chương trình “Sống xanh” được triển khai ở các cấp hội với sự tham gia sinh hoạt của 88 CLB, 611 nhóm thu hút 8.574 hội viên tạo ra những mảng xanh từ nhà ra phố. Tuyến đường Lê Đình Dương, dưới tán cây xanh đường phố là những bồn hoa xinh xắn được bo viền, đóng khung trang trí được chị em phụ nữ thay nhau chăm sóc, giữ gìn.

Với vai trò “nhạc trưởng” về triển khai thực hiện chương trình xã hội hóa cây xanh, ông Lê Tùng Lâm cho biết: Sở Xây dựng mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý tưởng, hiến kế tâm huyết nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa cây xanh, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng, các tầng lớp xã hội tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh đô thị hướng đến phát triển đô thị bền vững... Hiện Sở Xây dựng nhận được nhiều ý tưởng mới, thiết thực để đẩy mạnh chương trình xã hội hóa cây xanh như vận động các cặp vợ chồng trước khi kết hôn, hoặc mỗi lớp học cuối khóa ở các bậc đại học, phổ thông trước khi ra trường nên trồng ít nhất một cây lưu niệm tại Công viên Thanh niên hoặc công viên tại địa bàn cư trú... Hoặc như ý tưởng phát động từng hộ gia đình, cơ quan, đơn vị hưởng ứng phong trào trồng cây xanh và đưa vào làm tiêu chí thi đua ở các cấp. Ngoài ra, gắn với việc thực hiện “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, sau khi tôn vinh 100 doanh nghiệp tiêu biểu thì tổ chức trồng cây xanh lưu niệm ở một số tuyến đường mới. Những con đường “cây xanh doanh nghiệp” qua các năm sẽ lan rộng ra nhiều tuyến đường, góc phố… góp phần vinh danh và nâng cao trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp.

Việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là vô cùng quan trọng trong phát triển cây xanh đô thị. Ông Trần Đình Liễn, nguyên Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho rằng, muốn xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành “thành phố văn minh, hiện đại”, “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường” thì tiêu chí cây xanh đô thị đóng vai trò rất quan trọng. Ông Liễn đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phát triển cây xanh đô thị; cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa cây xanh bằng các chính sách gắn lợi ích của Nhà nước với lợi ích của cộng đồng và lợi ích của từng cá nhân tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh đô thị; đẩy mạnh các phong trào “Tết trồng cây”, “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Khuyến xanh” gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân thực hiện chức năng giám sát các chủ trương, chính sách phát triển cây xanh đô thị.

Cùng hiến kế khơi gợi những ý tưởng mới cho việc xã hội hóa cây xanh đô thị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Nguyễn Đăng Hải nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền nhằm làm rõ chủ trương xã hội hóa cây xanh, tránh hình thức theo kiểu hô hào ồ ạt để rồi dẫn đến tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “cha chung không ai khóc”; cần đưa chủ trương trồng cây xanh trở thành một hoạt động sản xuất, kinh doanh hấp dẫn mà ở đó lợi ích Nhà nước, của cộng đồng và người dân được bảo đảm. Ông Nguyễn Văn Chung, nguyên Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng nêu một thực tế, hiện nay, Đà Nẵng có quá ít công viên, quy hoạch ít tính đến quỹ đất dành cho công viên, vườn hoa. Một số công viên trong các khu dân cư có dành đất nhưng lại để đất trống, cần phải khắc phục tình trạng này để thành phố có những mảng xanh cần thiết.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.