.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU: Những tác động bước ngoặt

.

Sáng 3-3, Sở Công thương Đà Nẵng phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU” (VEFTA). Dự kiến tháng 9-2014, VEFTA sẽ được ký kết, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ kinh tế - thương mại với EU, một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam.

Hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cũng như thách thức đối với nhiều ngành hàng của Việt Nam, trong đó có ngành may mặc.
Hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cũng như thách thức đối với nhiều ngành hàng của Việt Nam, trong đó có ngành may mặc.

Bước hội nhập “chiều rộng”

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục tham gia các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại và đầu tư trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, đàm phán FTA với EU là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Bà Phạm Lan Hương (chuyên gia Mutrap) nhìn nhận: Hiện FTA vẫn đàm phán, do đó chưa biết sẽ loại trừ những gì. Tuy nhiên có thể đánh giá về mặt vĩ mô ngành, xã hội và môi trường trong các “kịch bản” cơ sở cho đến năm 2015, 2020 và 2025. Thông qua việc phân ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ chính sách thuế quan của EU đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có những thay đổi cụ thể. Những dự kiến về ảnh hưởng mà hiệp định này mang lại đối với nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia chỉ ra “sẽ có những đặc thù nổi trội”. Đó là Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi từ chính hiệp định, như xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng lên khoảng 30-40%.

Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất gồm dệt-may, da giày, chế biến thực phẩm. Dù vậy, mức độ mở rộng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của EU về một số mặt hàng sẽ quyết định mức tăng tổng thể về xuất khẩu có đáng kể hay không; khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng mở rộng đáng kể và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, FTA được kỳ vọng thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó dịch chuyển năng suất và tăng đầu ra, nhưng cũng sẽ tăng phát thải về carbon ở Việt Nam…

Bình luận về những đánh giá tác động, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển (chuyên gia chính của dự án) cho rằng: “Nếu không có những đánh giá chuyên sâu thì sẽ không thấy được những tác động to lớn bởi vì EU chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, về khía cạnh pháp lý sẽ buộc chúng ta phải điều chỉnh một loạt các văn bản, sửa lại một số luật, các quy phạm pháp luật hình sự, hành chính và nhất là cải tiến môi trường đầu tư. Tất cả các thủ tục liên quan đến môi trường kinh doanh, chúng ta phải phấn đấu cải thiện trong thời gian 2014-2015, nâng chỉ số lên mức trung bình của ASEAN 6, ít nhất là vượt qua ASEAN 4”  (4 nước gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia).  

Hưởng lợi gì từ FTA?

Theo ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm tư vấn kỹ thuật Mutrap: Nếu VEFTA được ký kết, EU sẽ miễn giảm thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, mang lại lợi thế so sánh quan trọng cho hàng hóa của Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh khác lưu thông trên thị trường EU, giảm nguy cơ không được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Việt Nam cắt giảm thuế theo FTA giữa hai bên cũng được hưởng lợi khi EU xuất khẩu các mặt hàng công nghệ, nguyên liệu, thương mại, dịch vụ… có chất lượng cao vào Việt Nam, góp phần trong dài hạn giúp tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam; mặt khác Việt Nam cũng sẽ cải thiện được khung pháp lý trong nhiều lĩnh vực phi thương mại tốt hơn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: Lợi ích từ VEFTA cần được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau chứ không chỉ là ở cán cân xuất nhập khẩu. Ngay cả khi sau FTA, nếu Việt Nam trở thành nước nhập siêu trong quan hệ thương mại với EU (một khả năng khó xảy ra) thì điều này cũng tốt cho Việt Nam khi có thể có nguồn cung chất lượng cao và bền vững thay vì tập trung nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, công nghệ lạc hậu từ một nước như hiện nay.

Theo các chuyên gia, việc đàm phán và ký kết FTA với Việt Nam, phía EU kỳ vọng qua đó sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam hướng tới mục tiêu ASEAN và các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…; tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ của EU…

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng:

 “Kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang thị trường EU chiếm khoảng 14-15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Cơ cấu xuất khẩu vào thị trường EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa chất lượng cao, thực phẩm sạch, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô. Tuy nhiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Đà Nẵng còn chưa đáng kể, đồng nghĩa với việc tiếp cận công nghệ nguồn, hiện đại từ EU của doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn còn rất hạn chế. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU được ký kết và có hiệu lực, chắc chắn sẽ có những tác động trực tiếp đối với Đà Nẵng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư…”.

 Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.